Mục lục
Đau dây thần kinh tai là tình trạng không quá xa lạ trong đời sống hiện nay. Nguyên nhân gây đau có thể là do viêm dây thần kinh tai hoặc đau dây thần kinh số 5, 7, 9, 10,...
1. Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tai
Đau dây thần kinh tai là triệu chứng xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản sau:
1.1 Viêm dây thần kinh tai
Viêm dây thần kinh tai (viêm dây thần kinh thính giác - dây thần kinh số 8) gặp ở khoảng 6% dân số thế giới, phổ biến ở đối tượng nam giới trên 55 tuổi. Dây thần kinh thính giác là 1 trong 12 đôi dây thần kinh sọ não, nằm ở phần tai trong với nhiệm vụ truyền các xung động thần kinh giữa não và tiền đình. Nó đảm bảo khả năng nghe và giữ thăng bằng của cơ thể.
Hầu hết các trường hợp bị viêm dây thần kinh thính giác là do virus (Herpes, sởi, cúm, quai bị, viêm gan, bại liệt, Rubella,...) Ngoài ra, viêm dây thần kinh thính giác còn có thể do nguyên nhân viêm tai giữa, viêm màng não hoặc u dây thần kinh thính giác. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, dây thần kinh tai có thể bị nhiễm độc do ảnh hưởng của các độc tố, rượu, thuốc lá, các kim loại nặng,...
1.2 Đau dây thần kinh số 5, 7, 9, 10
Cảm giác đau có thể được chuyển đến tai thông qua một số dây thần kinh đi vào tai từ các vùng có bệnh ở lý đầu - cổ. Vị trí đau tai có thể định hướng cho người bệnh biết được một số bệnh lý nhất định ở vùng đầu - cổ. Cụ thể:
- Dây thần kinh số 5: Cảm giác đau trước tai. Có thể do các vấn đề về răng miệng, khớp thái dương hàm, nhiễm trùng hoặc u tuyến mang tai;
- Dây thần kinh số 7: Cảm giác đau sau tai. Có thể do các vấn đề như đau hạch gối hoặc u góc cầu tiểu não;
- Dây thần kinh số 9: Cảm giác đau sâu trong tai. Có thể do các vấn đề như viêm VA, viêm amidan, viêm xoang, u vùng họng, rối loạn chức năng vòi nhĩ;
- Dây thần kinh số 10: Cảm giác đau ở ống tai ngoài. Có thể do các vấn đề như viêm amidan lưỡi, trào ngược dạ dày - thực quản hoặc u vùng họng.
2. Dấu hiệu đau dây thần kinh tai là gì?
Nếu đau dây thần kinh tai trái hoặc đau dây thần kinh tai phải do nguyên nhân viêm dây thần kinh thính giác thì bệnh nhân thường có những biểu hiện như: Suy giảm thính lực, ù tai, tăng huyết áp, đau tai dữ dội, khó nhìn, mất thăng bằng cơ thể, giảm tập trung, chóng mặt đột ngột, buồn nôn và nôn nói, mất khả năng định hướng và khó hiểu lời nói của người khác,...
Tùy từng mức độ và nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng đau dây thần kinh tai có thể biểu hiện khác nhau. Do vậy, khi thấy một vài biểu hiện nêu trên, người bệnh nên đi gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
3. Khi bị đau dây thần kinh tai, người bệnh nên làm gì?
Không phải tất cả các cơn đau tai đều là do bệnh lý ở tai mà có thể là do các bệnh lý khác ở vùng đầu - cổ. Do đó, khi bị đau tai, bệnh nhân cần theo dõi và trả lời cho bác sĩ về các câu hỏi như: Cơn đau bắt đầu từ khi nào, kéo dài bao lâu, từng cơn hay liên tục, vị trí đau cụ thể (trước, trong hay sau tai), có rối loạn nuốt không, có bệnh lý răng miệng không?...
Người bệnh sẽ được thăm khám vùng đầu - cổ, bao gồm kiểm tra khoang miệng, hốc mũi, cột sống cổ và khớp thái dương hàm. Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng amidan và đáy lưỡi để phát hiện xem có vấn đề ở đây gây đau tai không. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể thực hiện nội soi ống mềm để thăm khám vùng hốc mũi, vòm họng, khoang miệng và thanh quản bệnh nhân. Cuối cùng, phương pháp chụp MRI và CT scan có thể được thực hiện để chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Vì đau dây thần kinh tai có thể xuất phát từ viêm dây thần kinh tai (dây thần kinh số 8) hoặc các dây thần kinh khác nên bệnh nhân cần đi khám chuyên sâu về tai để được phát hiện sớm những bệnh lý ẩn và có phương án điều trị kịp thời..
- F0 bị nghẹt mũi phải làm sao?
- Công dụng của thuốc Claminat
- Rửa xoang bằng phương pháp Proetz là gì?