Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Rối loạn cương dương là bệnh gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống tình dục của nam giới, dẫn đến cuộc sống hôn nhân không êm đẹp. Các quý ông cần nhận biết những dấu hiệu của rối loạn cương dương và đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
1. Rối loạn cương dương là gì?
Rối loạn cương dương là tình trạng dương vật không thể hoặc khó duy trì được sự cương cứng trong thời gian đủ để giao hợp. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào gây giảm cảm hứng tình dục dẫn tới sự khó chịu và ảnh hưởng tới hạnh phúc hôn nhân, gia đình.
Trong thực tế, rối loạn cương dương có nguy cơ xảy ra cao hơn ở người đàn ông lớn tuổi, khoảng một nửa số đàn ông ở độ tuổi 65 và 3/4 đàn ông ở độ tuổi 80 mắc chứng rối loạn cương dương.
2. Biểu hiện của rối loạn cương dương
Bệnh nhân có thể nhận biết rối loạn cương dương thông qua bốn nhóm triệu chứng sau:
- Mất hoàn toàn sự khao khát và nhu cầu về tình dục, dương vật hoàn toàn mềm và không thể đáp ứng nhu cầu sinh lý bình thường của người vợ;
- Một số trường hợp mặc dù vẫn có khao khát tình dục nhưng khi tiếp xúc với phụ nữ dù dùng tất cả các biện pháp kích thích nhưng không thể cương cứng được;
- Dương vật cương cứng thất thường, không theo nhu cầu của chủ nhân;
- Dương vật cương cứng nhưng không đủ thời gian để giao hợp, khi đưa vào cơ thể phụ nữ thì tự mềm ra và mọi hưng phấn âm thầm biến mất.
3. Nguyên nhân gây rối loạn cương dương là gì?
Mặc dù việc nhận biết và chẩn đoán rối loạn cương dương khá dễ dàng nhờ vào các triệu chứng cụ thể nhưng việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh lại khó khăn vì mỗi người bệnh thường có một nguyên nhân riêng biệt. Có bốn nhóm nguyên nhân thường gặp như sau:
- Suy giảm lượng nội tiết tố testosterone trong máu;
- Nguyên nhân do thần kinh: Bệnh khởi phát từ các viêm dây thần kinh; nhiễm độc thần kinh do thuốc lá, rượu, ma túy, hóa chất; bệnh tiểu đường hoặc tổn thương sau phẫu thuật vùng tiểu khung... khiến cho đường dẫn truyền tín hiệu từ não bộ tới ngoại vị bị rối loạn;
- Nguyên nhân do rối loạn vận chuyển mạch máu: Tác động tưới máu cho dương vật hoặc thoát máu quá nhanh qua tĩnh mạch vùng dương vật;
- Nguyên nhân do tâm lý: Bệnh nhân có thể bị một tai nạn hoặc chấn động về tinh thần trong cuộc sống dẫn tới ám ảnh, mặc cảm bất lực.
4. Cách phòng ngừa rối loạn cương dương
Nam giới, đặc biệt là ở đàn ông lớn tuổi, cần phải xây dựng một lối sống lành mạnh để phòng tránh rối loạn cương dương thông qua những việc làm cụ thể sau:
- Sinh hoạt, ăn uống điều độ, không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia;
- Tham gia vào các hoạt động thể chất hoặc một môn thể thao đều đặn để duy trì sức khỏe thể chất của mình;
- Tránh các tác nhân buồn phiền, lo âu để giữ tinh thần lạc quan;
- Tìm được sự đồng cảm của bạn đời;
- Cần đi khám ngay lập tức nếu phát hiện các triệu chứng để được chẩn đoán và xử trí sớm.
5. Rối loạn cương dương điều trị như thế nào?
Khi đã được chẩn đoán mắc rối loạn cương dương bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ với một số phương pháp như: dùng thuốc uống, chèn hoặc tiêm vào dương vật, dùng thiết bị bơm chân không và liệu pháp tâm lý.
Thuốc uống: Các loại thuốc uống sẽ giúp tăng lưu lượng máu đến dương vật. Loại thuốc phổ biến nhất là thuốc chứa phosphodiesterase giúp điều trị rối loạn cương dương đạt hiệu quả ở 60 - 75% các trường hợp bệnh. Thuốc được sử dụng 1 giờ trước khi sinh hoạt tình dục và cho thấy hiệu quả cao, tuy nhiên không nên sử dụng nhiều hơn 1 lần/ ngày
Xem thêm: Tác dụng của Viagra lên các hệ cơ quan trong cơ thể
Thuốc tiêm hoặc chèn vào dương vật: Thuốc sẽ giúp mở rộng động mạch và tăng lưu lượng máu đến dương vật nhưng có thể kèm một số tác dụng phụ như choáng váng, cảm giác nóng bỏng dương vật hoặc cương cứng kéo dài gây đau đớn. Khi sử dụng liều đầu tiên cần có sự theo dõi kỹ lưỡng của bác sĩ. Đây là phương pháp hiệu quả để đạt được sự cương cứng lên đến 80 - 90%. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng muốn tiêm vào dương vật vì có khả năng để lại mô sẹo nếu tiêm nhiều lần.
Liệu pháp thay thế testosterone: Đây là phương pháp điều trị cho rối loạn cương dương có nguyên nhân do nồng độ testosterone quá thấp. Có nhiều hình thức cho phương pháp này như: miếng dán, kem bôi hoặc tiêm trực tiếp. Tuy nhiên tác dụng phụ có thể xuất hiện gồm rối loạn gan và tăng nguy cơ đột quỵ.
Thiết bị co thắt và thiết bị hút chân không:
- Thiết bị co thắt: Được đặt vào dương vật như dây, vòng kim loại, cao su giúp tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc vì có khả năng làm chậm dòng chảy của máu;
- Thiết bị hút chân không: Có tác dụng tăng khả năng hút máu vào dương vật để tạo ra sự cương cứng. Tuy nhiên thiết bị này khá cồng kềnh và có thể gây tổn thương dương vật cũng như khó khăn khi xuất tinh.
Phương pháp tâm lý: Đây là phương pháp nhằm cải thiện các yếu tố tâm lý như tinh thần và cảm xúc, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc rối loạn cương dương.
Xem thêm: Các tác dụng phụ của thuốc Viagra
- Những việc bác sĩ có thể làm khi bạn bị rối loạn cương dương
- Vì sao nam giới gặp các rối loạn chức năng tình dục?
- Thắt ống dẫn tinh diễn ra như thế nào? Có gây đau không?