Mục lục
Móng chân mọc ngược chọc vào thịt gây đau đớn là tình trạng mà nhiều người gặp phải, có thể điều trị móng chân mọc ngược tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ để tránh biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở người mắc tiểu đường hoặc các bệnh lý khác gây lưu thông máu kém.
1. Móng chân mọc ngược là gì?
Móng chân mọc ngược là một tình trạng phổ biến trong đó góc hoặc một bên của móng chân mọc vào phần thịt mềm. Kết quả là gây đau, đỏ, sưng và đôi khi là nhiễm trùng.
Thông thường thì bạn có thể tự chăm sóc móng chân mọc ngược. Nếu móng chân mọc ngược chọc vào thịt gây đau đớn nhiều, bác sĩ có thể thực hiện các bước để giảm bớt sự khó chịu và tránh các biến chứng. Nếu bạn bị tiểu đường hoặc một tình trạng khác khiến máu lưu thông kém đến chân, bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị biến chứng móng chân mọc ngược hơn.
2. Nguyên nhân móng chân mọc ngược
Móng chân mọc ngược có thể gặp phổ biến hơn ở những người ra nhiều mồ hôi chân, chẳng hạn như thanh thiếu niên. Người lớn tuổi cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì móng chân dày lên theo tuổi tác.
Nhiều thứ có thể khiến móng chân mọc ngược, bao gồm:
- Cắt móng chân không đúng cách khiến góc cạnh của móng có thể mọc vào da
- Móng chân cong, không đều
- Giày dép gây áp lực nhiều lên ngón chân cái dẫn đến tình trạng móng chân cái mọc ngược, chẳng hạn như tất hoặc giày quá chật, hẹp hoặc bằng phẳng đối với bàn chân của bạn
- Chấn thương móng chân, bao gồm cộm ngón chân, làm rơi vật nặng vào chân hoặc đá bóng liên tục
- Vệ sinh chân không đúng cách, ví dụ như không giữ cho chân sạch hoặc khô
- Khuynh hướng di truyền
Bạn có nguy cơ cao dễ bị móng chân mọc ngược hơn nếu bạn thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao sử dụng chân nhiều. Các hoạt động mà bạn đá liên tục vào một vật hoặc tạo áp lực lên chân trong thời gian dài có thể gây tổn thương móng chân và làm tăng nguy cơ móng chân mọc ngược. Các hoạt động này bao gồm: Múa ballet, đá bóng, kickboxing,...
3. Triệu chứng của móng chân mọc ngược
Móng chân mọc ngược có thể gây đau đớn và chúng thường trở nên trầm trọng hơn theo từng giai đoạn. Các dấu hiệu ở giai đoạn đầu bao gồm:
- Da bên cạnh móng trở nên mềm, sưng hoặc cứng
- Đau khi đè lên ngón chân
- Chất lỏng tích tụ quanh ngón chân
Nếu móng chân mọc ngược khiến ngón chân của bạn bị nhiễm trùng, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Da đỏ, sưng tấy
- Đau đớn
- Chảy máu
- Móng chân mọc ngược có mủ
- Phát triển quá mức của da xung quanh ngón chân
4. Điều trị móng chân mọc ngược
Bạn có thể điều trị hầu hết các móng chân mọc ngược tại nhà. Đây là cách thực hiện:
- Ngâm chân trong nước ấm. Làm điều này trong 15 đến 20 phút ba đến bốn lần một ngày giúp làm giảm sưng tấy và giảm đau.
- Đẩy da khỏi mép móng chân bằng bông gòn thấm dầu ô liu
- Bôi thuốc mỡ kháng sinh lên vùng đau và băng ngón chân lại.
- Chọn giày dép hợp lý: Cân nhắc đi giày hoặc dép hở mũi cho đến khi ngón chân của bạn cảm thấy tốt hơn.
- Uống thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen và naproxen có thể giúp giảm đau ngón chân.
Nếu các biện pháp khắc phục tại nhà không giúp ích cho tình trạng móng chân mọc ngược của bạn, bác sĩ có thể khuyên bạn nên:
- Nâng móng. Đối với móng hơi mọc ngược (đỏ và đau nhưng không có mủ), bác sĩ có thể cẩn thận nhấc mép móng mọc ngược lên và đặt bông, chỉ nha khoa hoặc nẹp vào bên dưới. Điều này giúp ngăn cách móng với lớp da bên ngoài và giúp móng phát triển phía trên mép da. Ở nhà, bạn sẽ cần ngâm ngón chân và thay vật liệu hàng ngày.
- Loại bỏ một phần móng chân: Đối với tình trạng móng chân mọc ngược nghiêm trọng hơn (đỏ, đau và móng chân mọc ngược có mủ), bác sĩ có thể cắt hoặc loại bỏ phần móng mọc ngược. Trước khi thực hiện thủ thuật này, bác sĩ có thể gây tê tạm thời ngón chân của bạn bằng cách tiêm thuốc gây tê vào ngón chân.
- Loại bỏ móng chân và phẫu thuật móng chọc thịt: Nếu bạn gặp vấn đề lặp đi lặp lại ở cùng một ngón chân, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ một phần móng cùng với mô bên dưới (lớp móng). Quy trình này có thể ngăn phần đó của móng mọc trở lại. Bác sĩ sẽ sử dụng hóa chất, tia laser hoặc các phương pháp khác.
- Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc uống, đặc biệt nếu ngón chân bị nhiễm trùng hoặc có nguy cơ bị nhiễm trùng.
5. Ngăn ngừa tình trạng móng chân mọc ngược
- Cắt móng chân của bạn thẳng theo chiều ngang. Không uốn cong móng của bạn để phù hợp với hình dạng của mặt trước ngón chân của bạn.
- Giữ móng chân ở độ dài vừa phải. Cắt móng chân để chúng đều với các đầu ngón chân của bạn. Nếu bạn cắt móng chân quá ngắn, áp lực từ giày lên ngón chân có thể khiến móng mọc vào mô.
- Mang giày vừa vặn: Những đôi giày gây áp lực quá lớn lên ngón chân hoặc chèn ép chúng có thể khiến móng mọc vào mô xung quanh, điển hình là móng chân cái mọc ngược. Nếu bạn bị tổn thương dây thần kinh ở chân, bạn có thể không nhận biết được giày của mình có vừa khít không. Chú ý mua và mang giày vừa vặn, là từ cửa hàng giày chuyên về giày cho người bị bệnh về chân.
- Mang giày bảo hộ: Nếu công việc của bạn khiến bạn có nguy cơ bị thương ngón chân, hãy mang giày bảo hộ, chẳng hạn như giày có mũi thép.
- Kiểm tra bàn chân của bạn: Nếu bạn bị tiểu đường, hãy kiểm tra bàn chân hàng ngày để tìm các dấu hiệu của móng chân mọc ngược hoặc các vấn đề về chân khác, như bàn chân tiểu đường.
Tóm lại, móng chân mọc ngược chọc vào thịt là một hiện tượng rách tổ chức phần mềm ở cuốc bên do góc trước của bờ bên mảng móng chọc vào làm cho móng sưng lên, đau và gây ra nhiễm khuẩn. Nếu tình trạng móng viêm nặng cần phải phẫu thuật móng chọc thịt. Vì vậy, cần thường xuyên theo dõi, cần khám ngay nếu trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Móng chân mọc ngược (móng quặp) ở trẻ
- Cảnh giác bất thường hình thái móng tay
- Cách giảm sưng khóe chân