Mục lục
Trong cuộc sống, bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể gặp phải tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Nhiều trường hợp đây chỉ là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe suy giảm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đau đầu, hoa mắt, chóng mặt kéo dài là khởi nguồn của nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS Vũ Duy Dũng, Bác sĩ Nội thần kinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
1. Cần phân biệt thế nào là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt
Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt là những cảm giác hay đi liền với nhau nên dễ nhầm lẫn, việc nhầm lẫn khi phân biệt có thể dẫn đến phán đoán sai bệnh. Hiểu 1 cách đơn giản:
Đau đầu, chóng mặt là tình trạng bạn cảm thấy đầu của mình đau nhức, mọi thứ xung quanh quay vòng vòng rồi tối sầm lại khiến bản thân không thể đứng vững.
Hoa mắt là tình trạng xảy ra khi bạn xuất hiện ảo giác trước mặt và nhìn không rõ vật thể trong một khoảng thời gian ngắn.
Thông thường, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt sẽ xuất hiện khi 1 người có sự thay đổi tư thế đột đột (nằm sang ngồi, ngồi đến đứng dậy đột ngột) hoặc vận động quá sức. Tùy vào tình trạng sức khỏe mà tình trạng này có thể kéo dài từ vài giây, vài phút hoặc nhiều giờ.
Khi xảy ra hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt thì bạn cần ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm yên 1 chỗ, việc cố gắng di chuyển có thể khiến bạn bị nôn hoặc buồn nôn ngay lập tức.
Về mặt y học, hiện tượng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt sẽ xảy ra khi hệ thần kinh trung ương và ngoại biên bị kích thích.
Bạn có thể gặp phải tình trạng này trong các trường hợp như: Mang thai, say tàu xe, ngộ độc thực phẩm, do hội chứng tiền kinh nguyệt, rối loạn tiêu hóa, tác dụng phụ của thuốc hay lạm dụng rượu và chất kích thích. Với những nguyên nhân này, bạn không cần quá lo lắng, chỉ cần nghỉ ngơi và điều chỉnh thói quen sinh hoạt thì có thể giảm thiểu tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt ngay.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì đau đầu, hoa mắt, chóng mặt lại chính là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề tim mạch hoặc não bộ, như: Các bệnh lý về tim mạch: đối với những người mắc các bệnh về cơ tim, viêm tim, cao huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ,... đau đầu, chóng mặt, hoa mắt thường xuyên xảy ra đi kèm với triệu chứng tức ngực, đổ mồ hôi, mệt mỏi,...
2. Tiềm ẩn nhiều vấn đề về sức khỏe với triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt
Đôi khi những dấu hiệu đau đầu, hoa mắt, chóng mặt chỉ là dấu hiệu cảnh báo sự suy giảm sức khỏe nhưng trong một vài trường hợp chúng cảnh báo nhiều căn bệnh khác.
- Bệnh đau nửa đầu Migraine: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt là những biểu hiện thường gặp nhất ở bệnh này. Các dấu hiệu có thể xảy ra một cách đột ngột ở một nửa hoặc cả 2 bên đầu, khiến bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu sức sống.
- Thiểu năng tuần hoàn não: Bệnh lý này kích thích thần kinh trung ương của bạn và làm phát sinh các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, giảm độ tập trung,...
- Chóng mặt tư thế: Theo thống kê thì có đến hơn 30% người phát hiện đau đầu hoa mắt chóng mặt buồn nôn là do bệnh chóng mặt tư thế. Tuy nhiên, đây là lành tính và không gây biến chứng nặng nên bạn không cần quá lo lắng.
- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt là hiện tượng phổ biến, xuất hiện chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi trung niên. Tình trạng này có thể xảy ra đột ngột và biến mất nhanh chóng nhưng thường xuyên lặp lại. Bạn không nên chủ quan mà cần theo dõi chúng để có phương pháp xử lý kịp thời.
Nếu tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt chỉ xuất hiện thoáng qua hoặc đã xác định được nguyên nhân, bạn cần: nghỉ ngơi thường xuyên, thay đổi các thói quen sinh hoạt thật lành mạnh, nâng cao chất lượng dinh dưỡng đồng thời rèn luyện thể thao để nâng cao sức khỏe bản thân.
Còn trong trường hợp, tình trạng này kéo dài, lặp lại thường xuyên, đi kèm với một số triệu chứng khác như: buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ,... bạn nên đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời. Bởi đó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch, thần kinh,... nếu để lâu có thể dẫn đến suy nhược thần kinh, ngất xỉu, các bệnh về huyết áp.
- Chẩn đoán và điều trị chóng mặt tư thế lành tính (BPPV)
- Bị đau đầu phía sau gáy bên phải biểu hiện bệnh lý gì?
- Nặng đầu kèm choáng váng khi làm việc là bệnh gì?