Mục lục
Bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Hạnh Tâm - Bác sĩ gây mê hồi sức và điều trị đau - Khoa Gây mê giảm đau - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Đau đầu do thần kinh chẩm là tình trạng các dây thần kinh chẩm, dây thần kinh chạy ngay dưới da đầu vùng gáy cao bị tổn thương hoặc bị viêm gây ra những cơn đau đầu có cảm giác như bị đâm xuyên, đau nhói hoặc đau như điện giật ở cổ phía sau trên hoặc sau tai.
1. Nguyên nhân gây đau đầu do thần kinh chẩm
Có 2 dây thần kinh chẩm ở hai bên phải- trái. Theo đó, đau dây thần kinh chẩm có thể là kết quả của việc dây thần kinh bị chèn ép hoặc căng cơ ở cổ kéo dài. Nó cũng có thể do chấn thương vùng đầu hoặc cổ. Đau thần kinh chẩm có thể là nguyên phát hoặc thứ phát, tình trạng thứ phát có liên quan đến một bệnh lý có từ trước.
Bên cạnh đó, bất kỳ nguyên nhân nào sau đây đều có thể là nguyên nhân gây đau đầu do dây thần kinh chẩm, nhưng có nhiều trường hợp là do căng cơ cổ mãn tính hoặc không rõ nguyên nhân.
- Thoái hóa khớp cột sống cổ trên
- Chấn thương các dây thần kinh chẩm lớn, chẩm nhỏ
- Sự chèn ép của các dây thần kinh chẩm lớn hoặc chẩm nhỏ hơn hoặc các rễ thần kinh C2 và / hoặc C3 do thoái hóa cột sống cổ gây nên
- Bệnh đĩa đệm vùng cổ
- Các khối u ảnh hưởng đến rễ thần kinh C2 và C3
Ngoài ra, các bệnh rối loạn chuyển hóa như: bệnh gout, bệnh tiểu đường, viêm mạch máu, nhiễm trùng cũng là một trong các nguyên nhân gây đau đầu do thần kinh chẩm.
Xem ngay: Đau dây thần kinh chẩm: "Thủ phạm" khiến bạn đau đầu
2. Các triệu chứng của đau dây thần kinh chẩm
Đau dây thần kinh chẩm có nguy hiểm không là những băn khoăn nhiều người quan tâm, bởi các cơn đau nhức căn bệnh này gây ra rất khó chịu. Cụ thể, đau dây thần kinh chẩm, người bệnh có các triệu chứng như sau:
- Đau nhức, bỏng rát và đau nhói liên tục với những cơn đau như điện súng giật hoặc bắn từng cơn.
- Bắt đầu ở phần thấp vùng cổ sau sát với đầu, lan ra phía da đầu ở một hoặc cả hai bên đầu.
- Bệnh nhân thường bị đau sau mắt của bên đầu
Ngoài ra, một cử động nhẹ như chải tóc cũng có thể khiến người bệnh bị đau. Các cơn đau thường được mô tả giống như chứng đau nửa đầu và một số bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng đau nửa đầu và đau đầu co thắt.
Xem ngay: Đau dây thần kinh chẩm đã uống thuốc và tiêm mà vẫn đau phải làm thế nào?
3. Chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm như thế nào?
Rất khó chẩn đoán vì triệu chứng của đau thần kinh chẩm gần với chứng đau nửa đầu và các đau đầu kiểu rối loạn khác. Vì vậy, điều quan trọng là bệnh nhân cần phải thăm khám với bác sĩ ngay khi vùng cổ, gáy có các dấu hiệu bất thường, đau nhói ở cổ hoặc da đầu. Các cơn đau không kèm theo buồn nôn hoặc nhạy cảm với ánh sáng như đau nửa đầu.
Thực tế, chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm rất phức tạp, bởi vì không có một xét nghiệm cụ thể nào cho thấy chẩn đoán dương tính hay âm tính với tình trạng này.
4. Điều trị đau dây thần kinh chẩm nhằm mục đích giảm bớt cơn đau nhưng không phải là cách cách chữa trị bệnh
Các biện pháp can thiệp đau đầu do thần kinh chẩm có thể là phẫu thuật hoặc không phẫu thuật:
4.1. Điều trị không phẫu thuật
- Điều trị bằng nhiệt: Bệnh nhân thường cảm thấy nhẹ nhõm khi đặt miếng đệm hoặc thiết bị sưởi vào vị trí bị đau.
- Vật lý trị liệu hoặc liệu pháp xoa bóp: Biện pháp này đem lại hiệu quả không cao
- Dùng thuốc uống: Thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật.
- Phong bế thần kinh chẩm: Dùng để chẩn đoán và điều trị chứng đau dây thần kinh chẩm.
- Tiêm botox: Phương pháp này có thể được sử dụng để giảm viêm dây thần kinh
- Kích thích dây thần kinh chẩm qua da
4.2. Phẫu thuật
- Kích thích tủy sống: phương pháp điều trị phẫu thuật này bao gồm việc đặt các điện cực kích thích giữa tủy sống và đốt sống. Thiết bị tạo ra các xung điện để chặn các thông điệp đau từ tủy sống đến não.
- C2,3 Cắt bỏ hạch: Phương pháp điều trị này liên quan đến việc phá vỡ hạch gốc cảm giác cổ thứ hai và thứ ba.
Tóm lại, phong bế thần kinh chẩm là phương pháp giúp chẩn đoán và giảm đau dây thần kinh chẩm, có thể thực hiện ngay tại các phòng khám đau và bệnh nhân có thể về nhà trong ngày.
- Giãn cơ tồn dư: Những điều cần biết
- Chỉ định gây mê phẫu thuật chấn thương sọ não
- Co thắt thanh quản trong lúc gây mê phải xử trí bằng tăng thông khí với oxy 100% có đúng không?