Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đánh giá tiền phẫu là một phần quan trọng trong đơn vị vô cảm, phẫu thuật. Thăm khám tiền mê giúp giảm thiểu sự lo lắng của bệnh nhân, giảm nguy cơ tai biến và tử vong trong phẫu thuật.
1. Khám tiền mê là gì?
Khám tiền mê là một việc cần thiết và pháp lý trước tất cả các cuộc phẫu thuật. Đây là giai đoạn tâm lý bệnh nhân rất căng thẳng, nên việc gặp gỡ trao đổi giữa bệnh nhân, người thân và bác sĩ gây mê có ý nghĩa tích cực làm giảm sự lo lắng của bệnh nhân.
Mục đích của khám tiền mê:
- Kiểm tra tình trạng bệnh nhân trước khi tiến hành phẫu thuật
- Phát hiện và điều trị các bệnh lý kèm theo như Tim mạch, đái tháo đường, bệnh gan, bệnh thận... phối hợp các chuyên khoa lập kế hoạch điều trị liên tục trước – trong và sau mổ. Ghi nhận tình trạng dị ứng của NB.
- Thống nhất với phẫu thuật viên thời điểm và phương pháp điều trị tối ưu và xác định nguy cơ phẫu thuật
- Lựa chọn phương án gây tê, gây mê phù hợp; giải thích các ưu và nhược điểm của phương pháp vô cảm để NB lựa chọn. Giải thích các phương án gây tê giảm đau sau mổ. Ví dụ Tê ngoài màng cứng, tê thân thần kinh, tê vùng dưới siêu âm để NB an tâm, tin tưởng.
- Tiên lượng những khó khăn có thể gặp trong gây mê – phẫu thuật, lập kế hoạch xử lý. Tiên lượng các tình huống: thông khí khó, NKQ khó, tê tủy sống khó, lấy ven khó...
- Tiên lượng khả năng chịu đựng của bệnh nhân và khả năng phục hồi
- Chuẩn bị những phương án xử lý nếu có bất thường xảy ra.
- Giải thích kỹ với bệnh nhân hoặc thân nhân và chuẩn bị về mặt tâm lý.
- Kết quả khám tiền mê phải được ghi chú rõ ràng dễ hiểu vào bảng mẫu khám tiền mê và bệnh án gây mê.
2. Khám tiền sử - bệnh sử
2.1 Những thuốc đang sử dụng
Các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng có thể ảnh hưởng bất lợi trong gây mê và phẫu thuật như: thuốc huyết áp, lợi tiểu, kháng α và β, thuốc chống đông, kháng sinh, corticoid, thuốc an thần và thuốc ngủ... các loại thuốc điều trị đái tháo đường, lao, hen suyễn. Việc quyết định tiếp tục hay thời điểm ngừng một vài loại thuốc nào đó hay thay thế bởi thuốc khác trong thời gian trước mổ tuỳ thuộc mức độ bệnh lý, ảnh hưởng của thuốc đối với bệnh hay đối với thuốc mê lựa chọn, ảnh hưởng của việc ngừng thuốc, thời gian bán thải của thuốc,... Dị ứng, những phản ứng với thuốc, những tác dụng phụ và sự tương tác của thuốc cũng cần được khai thác.
2.2 Bệnh sử
Cần xem xét tổng thể quá trình bệnh hiện tại của bệnh nhân, các khảo sát đã tiến hành và chẩn đoán ngoại khoa, các điều trị hiện tại và mức độ đáp ứng với điều trị. Ghi nhận các triệu chứng trước phẫu thuật của bệnh chính để đánh giá sau mổ. Một số bệnh lý cần lưu ý trong thăm khám tiền mê: bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi (lao phổi, hen suyển COPD), bệnh lý tuyến giáp, suy dinh dưỡng nặng, bệnh lý hệ thần kinh, bệnh nhân có tiền sử viêm gan, vàng da, bệnh lý thận niệu, viêm loét dạ dày...
2.3. Tiền sử gia đình
Trong gia đình có người bị phản ứng bất thường với thuốc mê hoặc có tiền sử mắc bệnh sốt ác tính.
2.4 Cơ địa
- Tiền sử dị ứng
- Nghề nghiệp
- Hút thuốc lá, nghiện ma túy
- Uống rượu bia
- Tổng trạng, cân nặng, chiều cao, BMI
2.5 Tiền sử phẫu thuật
- Ảnh hưởng đến chức năng cơ quan
- Ảnh hưởng đến vùng phẫu thuật
- Ảnh hưởng đến gây mê, gây tê
2.6 Tiền sử gây mê
- Kỹ thuật gây tê, gây mê đã dùng
- Dụng cụ thông khí đã sử dụng
- Kỹ thuật xâm lấn mạch máu đã dùng nếu có
- Các tai biến liên quan đến gây tê- gây mê trước đó.
3. Thăm khám cơ thể
3.1 Dấu hiệu sinh tồn
Bệnh nhân sẽ được đo chiều cao, cân nặng, BMI, nhiệt độ, kiểm tra mạch, huyết áp, tần số thở. Thăm khám thận trọng những bệnh lý của phẫu thuật ảnh hưởng đến gây mê (như bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng trên nội tiết và làm lệch khí quản).
3.2 Thăm khám đường thở
Tìm những triệu chứng đặc biệt liên quan đến đường thở khó:vận động khớp thái dương- hàm, vận động cột sống cổ, thăm khám ổ miệng, đầu và cổ, khoảng cách giáp cằm, phân loại Mallampati, tầm nhìn cấu trúc hầu và thanh môn dưới đèn soi thanh quản (phân loại theo Cormack và Lehane), khám cột sống thắt lưng (gù vẹo? nhiễm khuẩn da vùng lưng?) Sửa soạn các dụng cụ, thuốc men và thiết bị cần thiết nếu nghi ngờ có đường thở khó.
4. Cận lâm sàng
- Công thức máu, nhóm máu: Bắt buộc ở tất cả các bệnh nhân mổ. Với những bệnh nhân có nhóm máu hiếm phải được dự trù máu trước mổ.
- Xét nghiệm đông máu: đánh giá chức năng đông máu toàn bộ.
- Xét nghiệm sinh hoá: Điện giải đồ máu, chức năng gan, chức năng thận, bilan Lipid, Glucose máu, hormone tuyến giáp... cần thực hiện ở bệnh nhân gây mê hoặc có nghi ngờ có rối loạn cần theo dõi.
- X-quang phổi: Bệnh nhân có triệu chứng bệnh phổi, ung thư, tắc nghẽn đường thở, bệnh tim, tiền sử hút thuốc nhiều, cao tuổi.
- Điện tâm đồ: Chỉ định ở các bệnh nhân sau:
- Nam > 45 tuổi, nữ > 55 tuổi
- Có tiền sử hay dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ bệnh lý tim mạch
- Có các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch: nghiện rượu, thuốc lá, rối loạn lipid máu, béo phì, tiểu đường, bệnh hệ thống...
- Đang dùng thuốc có nguy cơ nhiễm độc tim: nhóm chống trầm cảm 3 vòng, doxorubicin.
- Siêu âm tim: Bệnh nhân có tiền căn và triệu chứng bệnh tim, những bệnh có ảnh hưởng trên tim (tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, hẹp- hở valve tim, đái tháo đường, béo phì, bệnh mạch máu ngoại biên...).
- Nếu nghi ngờ có bệnh truyền nhiễm cần thực hiện thêm xét nghiệm miễn dịch. Ví dụ: viêm gan B, viêm gan C, giang mai, lậu, lao...
- Xét nghiệm men tim: áp dụng với bệnh nhân nặng có tiền sử hoặc nguy cơ thiếu máu cơ tim/ nhồi máu cơ tim.
- Siêu âm tim gắng sức: Sau khi hội chẩn với bs tim mạch, nếu nghi ngờ tình trạng thiếu máu cơ tim tiềm ẩn
- Đo chức năng hô hấp: nếu bệnh nhân có bệnh cấp/ mãn tính ở phổi nặng.
Tóm lại, thăm khám tiền mê là bước quan trọng giúp bệnh nhân bớt lo lắng, tin tưởng và hợp tác; giúp người gây mê hồi sức đánh giá thể trạng bệnh nhân và những nguy cơ có thể xảy ra trong và sau mổ.
Tại hệ thống Bệnh viện Vinmec, công tác khám tiền mê là một hoạt động bắt buộc đối với NB trước phẫu thuật/ thủ thuật. Thông qua khám tiền mê, BS gây mê sẽ nắm rõ bệnh lý của NB, đánh giá tiên lượng các yếu tố nguy cơ, đường thở khó khi gây mê để tối ưu hóa, cá nhân hóa kế hoạch gây mê – hồi sức và kiểm soát đau sau mổ giúp ca mổ thành công tốt đẹp, NB sớm hồi phục trở lại sinh hoạt bình thường. Ngoài ra, khi khám tiền mê, dưới sự hỗ trợ của các máy móc hiện đại như CT Scan, chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm màu, các xét nghiệm máu, nước tiểu... các bệnh lý tiềm tàng không triệu chứng, các bệnh kèm sẽ được phát hiện, tránh bỏ sót nhằm điều trị triệt để và tránh các biến chứng khi phẫu thuật thủ thật.
Khám tiền mê là quy trình khám thường quy tại Vinmec trước các ca phẫu thuật. Theo đó, quy trình khám tiền mê, gây mê tại Vinmec được thực hiện bài bản, đúng chuẩn quy trình bởi đội ngũ bác sĩ gây mê có tay nghề chuyên môn cao, hệ thống máy móc hiện đại, nhờ vậy cho kết quả chính xác, góp phần không nhỏ vào việc xác định bệnh và giai đoạn bệnh, từ đó có hướng điều trị, hạn chế tối đa biến chứng trong quá trình gây mê góp phần đảm bảo cuộc phẫu thuật thành công.
- Nước tiểu có mùi và màu vàng là bệnh gì?
- Ý nghĩa của chỉ số xét nghiệm sinh hoá GGT
- Thalassemia là bệnh gì và có điều trị được không?