Mục lục
Tại Việt Nam, theo một số thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng trên 4,6 triệu người mắc bệnh lý tuyến giáp, trong đó khoảng có 2% là u ác tính. Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 3 lần so với nam giới.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Trịnh Ngọc Anh - Bác sĩ Nội tiết Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
1. Những đối tượng đang sử dụng hormone điều trị bệnh lý tuyến giáp có thể tiêm vắc xin COVID-19 không?
Dưới đây là tư vấn của Bác sĩ nội trú Trịnh Ngọc Anh, Bác sĩ Nội tiết Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City.
Trong danh mục "Các loại thuốc có thể và không thể dùng cùng với vắc xin COVID-19" do Bộ Y tế khuyến cáo, có mục "Thuốc tuyến giáp".
Các bệnh lý tuyến giáp làm suy giảm sự trao đổi chất và hoạt động của nội tiết tố, không ảnh hưởng tới khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Do đó, hầu hết các loại thuốc tuyến giáp đang được sử dụng sẽ không gây ra các triệu chứng hoặc làm cho vaccine COVID-19 kém hiệu quả hơn.
Theo Bác sĩ Trịnh Ngọc Anh, bệnh nhân điều trị ung thư nói chung và điều trị ung thư tuyến giáp ở trong giai đoạn ổn định đều có thể tiêm vắc xin COVID-19 (theo khuyến cáo của Bộ Y tế). Một vài trường hợp được khuyến khích tiêm vắc xin sớm để hạn chế những biến chứng nguy hiểm do COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên Bác sĩ Trịnh Ngọc Anh lưu ý: Người mắc bệnh ung thư thường kèm theo những bệnh nền nên trước khi tiêm vắc xin COVID-19, người bệnh cần được thăm khám kỹ càng. Bệnh nhân nên được chính bác sĩ điều trị ung thư thăm khám và đưa ra lời khuyên tốt nhất là có nên tiêm vắc xin COVID-19 hay không.
2. Lưu ý khi tiêm vắc xin COVID -19 cho người có bệnh nền
Theo hướng dẫn mới nhất được cập nhật ngày 10/8/2021 của Bộ Y tế, người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định thuộc nhóm đối tượng “cần thận trọng khi tiêm chủng vắc xin COVID-19”.
Do đó, Bác sĩ Trịnh Ngọc Anh khuyến cáo, những đối tượng này sau khi tiêm vắc xin cần theo dõi các tác dụng phụ như đau, đỏ hoặc nóng tại vị trí tiêm; mệt, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau ngực, khó thở, đau cơ và khớp, buồn nôn, nôn.
Lưu ý, mọi người đi tiêm cần bảo vệ bản thân bằng cách tuân thủ 5K của bộ Y tế và các biện pháp phòng ngừa, tuân thủ nguyên tắc sàng lọc tại điểm tiêm. Kiểm soát tốt bệnh nền trong thời gian giãn cách.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế hiện nay, người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính thuộc nhóm ưu tiên trong 16 nhóm được tiêm chủng phòng ngừa. Tuy nhiên người trên 65 tuổi, người có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào, tiền sử bệnh nền mạn tính đang điều trị ổn định, tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông thì nên được tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện.
Tốt nhất với trường hợp đang uống hormone tuyến giáp hoặc điều trị những bệnh lý nền, bệnh nhân nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm vắc xin Covid 19. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong chế độ ăn và duy trì lối sống lành mạnh.
- Nước ép cần tây nguyên chất có tác dụng gì và công thức thế nào?
- Không dung nạp nhiệt: Nguyên nhân, dấu hiệu và biến chứng
- Thuốc Bicarsim Forte: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng