Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Đái rắt khi mang bầu là vấn đề thường gặp ở giai đoạn đầu hoặc cuối thai kỳ. Trong một số trường hợp, đái rắt khi mang bầu là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Do đó mẹ bầu cần nhận biết sớm khi nào là đái rắt bình thường và khi nào là đái rắt bệnh lý để có cách xử trí phù hợp.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguyên nhân đái rắt khi mang bầu chủ yếu là do thay đổi nội tiết tố, làm tăng lượng máu và chất lỏng bài tiết qua thận của mẹ. Đồng thời, thai nhi phát triển cũng gây chèn ép bàng quang, khiến bàng quang căng và mẹ phải đi tiểu nhiều hơn, nhưng lượng nước tiểu mỗi lần lại ít và có cảm giác đau rát. Thậm chí khi mẹ cười, ho, hắt hơi cũng khiến nước tiểu rỉ ra.
Tình trạng đái rắt khi mang bầu sẽ giảm khi thai nhi sang tháng thứ tư. Tuy nhiên, gần đến ngày dự sinh thì tình trạng đái rắt khi mang bầu lại tái diễn.
Vấn đề "bị đái dắt làm thế nào?" hay "đái rắt khi mang bầu có nguy hiểm?", Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Vinmec Central Park cho rằng: Tùy thuộc vào nguyên nhân mà có thể khẳng định đái rắt khi mang bầu có nguy hiểm hay không. Trường hợp đái rắt khi mang bầu ở giai đoạn đầu nhưng nước tiểu bình thường, không có dấu hiệu của nhiễm trùng thì đây có thể là dấu hiệu sinh lý bình thường, thai phụ không cần quá lo lắng. Nếu nước tiểu đục bất thường hoặc có mùi hôi, có máu trong nước tiểu kèm tiểu rắt, buốt, sốt thì có thể là triệu chứng của viêm nhiễm bàng quang, tiết niệu, có nguy cơ viêm niệu quản, viêm thận, bể thận cấp, làm ảnh hưởng trực tiếp lên cơ thể người mẹ và thai nhi. Trường hợp này cần đi khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân đái rắt khi mang bầu và có cách điều trị phù hợp.
Những thắc mắc như "bị đái dắt làm thế nào?" hay "đi tiểu rắt phải làm sao?" thì hiện nay, có rất nhiều cách điều trị. Trong đó có cách điều trị bằng hành vi và chế độ ăn uống, dùng thuốc:
- Điều chỉnh hành vi: Thai phụ không nhịn tiểu, tập thói quen đi tiểu vào khung giờ nhất định, tập thể dục đúng cách, hạn chế mặc quần áo bó sát, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Mẹ nên uống hơn 2 lít nước mỗi ngày, tránh sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, bia rượu, tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ.
- Dùng thuốc chữa đái rắt khi mang bầu: Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Vinmec Central Park khuyên rằng, hiện nay không có loại thuốc nào có thể điều trị hoàn toàn chứng đái rắt khi mang bầu đó sinh lý hoặc nếu có thuốc điều trị được thì làm ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, mẹ nên thay đổi thói quen hành vi để cải thiện tình trạng. Đối với những nguyên nhân bệnh lý gây đái rắt khi mang bầu thì mẹ bắt buộc phải điều trị, bác sĩ sẽ lựa chọn những thuốc ít có khả năng ảnh hưởng đến thai nhất cho mẹ sử dụng. Để đảm bảo an toàn thì mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám cụ thể và có phác đồ điều trị phù hợp.
- Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ ở người già
- Sau sinh 6 tháng: Cơ thể người mẹ phục hồi thế nào?
- Khắc phục chứng tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi