Mục lục
Trẻ suy dinh dưỡng độ 1 có nghĩa là mức độ suy dưỡng vẫn còn đang ở thể nhẹ cân nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Việc cần làm lúc này để giúp trẻ phát triển toàn diện đó là có chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý.
1. Phân loại suy dinh dưỡng theo cấp độ
Suy dinh dưỡng được biết tới với biểu hiện của sự thiếu vi chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh hưởng tới quá trình sống cũng như hoạt động và tăng trưởng của cơ thể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều ở hiện tại. Tuy nhiên, việc nhận thức và thực hiện đúng đắn về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ vẫn rất cần thiết.
Thông thường, trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ có chỉ số cân nặng thấp hơn mức bình thường, nhưng nếu chỉ dựa vào chỉ số cân nặng để đánh giá trẻ đó có bị suy dinh dưỡng hay không thì lại không chính xác. Để đánh giá tình trạng dinh dưỡng một cách toàn diện, cần dựa vào các chỉ số cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi, cân nặng theo chiều cao.
1.1. Phân loại suy dinh dưỡng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - 1981)
Tổ chức y tế thế giới WHO sử dụng các chỉ số cân nặng theo tuổi cùng với độ lệch chuẩn (SD) so với quần thể tham khảo tại Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia (National Centre of Health Statistics) để phân loại các mức độ suy dinh dưỡng khác nhau:
- Trẻ suy dinh dưỡng độ 1: Cân nặng của trẻ nằm trong khoảng từ – 2SD đến – 3SD tương đương với mức cân nặng còn 70-80% so với mức cân nặng của trẻ bình thường.
- Suy dinh dưỡng cấp độ II: Cân nặng của trẻ nằm trong khoảng từ – 3SD đến – 4SD tương đương với mức cân nặng còn 60-70% so với mức cân nặng của trẻ bình thường.
- Suy dinh dưỡng cấp độ III: Cân nặng của trẻ ở dưới mức – 4SD tương đương với mức cân nặng lúc này chỉ còn dưới 60% so với mức cân nặng của trẻ bình thường
Cách phân loại theo WHO có ưu điểm nhanh, đơn giản, phổ biến và có thể áp dụng được với nhiều đối tượng nhưng lại có nhược điểm là không phân biệt được suy dinh dưỡng cấp tính hay mãn tính, cũng như chi tiết về thể trạng của trẻ.
1.2. Phân loại suy dinh dưỡng ở trẻ theo Waterlow năm 1976
Phương pháp phân loại suy dinh dưỡng theo Waterlow sử dụng hai chỉ số về cân nặng theo chiều cao và chiều cao theo tuổi để phân loại tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính hay suy dinh dưỡng mãn tính và suy dinh dưỡng xảy ra trong quá khứ:
- Chiều cao theo tuổi > 90% hay -2SD và cân nặng theo chiều cao > 80% hay -2SD: trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường
- Chiều cao theo tuổi > 90% hay -2SD và cân nặng theo chiều cao < 80% hay -2SD: trẻ suy dinh dưỡng thể gầy
- Chiều cao theo tuổi < 90% hay -2SD và cân nặng theo chiều cao > 80% hay -2SD: trẻ suy dinh dưỡng thể còi cọc
- Cân nặng theo chiều cao < 80% hay -2SD và chiều cao theo tuổi < 90% hay -2SD : trẻ suy dinh dưỡng thể gầy mòn - còi cọc
1.3. Phân loại suy dinh dưỡng ở trẻ theo Welcome năm 1970
Phương pháp phân loại suy dinh dưỡng theo Welcome sử dụng chỉ số cân nặng theo tuổi và phương pháp này phù hợp để phân loại thể suy dinh dưỡng nặng.
- % cân nặng theo tuổi từ 60% đến 80% và có phù: Kwashiorkor
- % cân nặng theo tuổi từ 60% đến 80% và không phù: trẻ suy dinh dưỡng độ 1 và trẻ suy dinh dưỡng độ 2
- % cân nặng theo tuổi dưới 60% và có phù: Marasmus - Kwashiorkor
- % cân nặng theo tuổi dưới 60% và không phù: Marasmus
2. Đặc điểm của trẻ suy dinh dưỡng độ 1
Bé suy dinh dưỡng độ 1 là mức độ suy dưỡng vẫn còn đang ở thể nhẹ cân nên cha mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết được các dấu hiệu thể hiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ để có phương án điều trị kịp thời, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Những bé suy dinh dưỡng ở cấp độ này thường có cân nặng trong khoảng 70% đến 90% cân nặng của trẻ bình thường. Bên cạnh đó, còn có một vài dấu hiệu cha mẹ cần quan tâm như lớp mỡ dưới bụng của trẻ mỏng, tuy nhiên lúc này trẻ chưa có dấu hiệu của biếng ăn hay rối loạn tiêu hoá.
Ngoài ra cha mẹ có thể sử dụng biểu đồ tăng trưởng để giúp nhận biết được tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Biểu đồ tăng trưởng được coi như một công cụ khoa học giúp theo dõi quá trình phát triển của trẻ trong những năm đầu đời. Biểu đồ này được tổ chức y tế thế giới WHO xây dựng và được Bộ Y tế Việt Nam chứng nhận áp dụng.
Với biểu đồ tăng trưởng sẽ được sử dụng bằng cách lấy một ngày cố định, hàng tháng cân đo trẻ và ghi lại số liệu vào biểu đồ. Sau đó nối các đường số liệu theo tháng sẽ được đường biểu diễn cân nặng và chiều cao của trẻ. Đường này cũng chính là kết quả dự báo tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Khi đường nối của biểu đồ nằm ngang tức là bé không tăng cân và cũng không phát triển chiều cao. Tuy nhiên, đường biểu diễn này nằm ngang liên tục 2 tháng liền cho thấy trẻ đang có vấn đề về sức khỏe như chứng kém hấp thu, biếng ăn và báo hiệu trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Nếu đường thẳng của biểu đồ đi xuống chứng tỏ sự phát triển của trẻ đang rất báo động, trẻ có dấu hiệu của suy dinh dưỡng nguy hiểm, đồng thời có thể đang mắc các chứng bệnh tiêu chảy, viêm phổi hoặc cũng có thể xảy ra do mẹ cho trẻ ăn bổ sung quá sớm khiến cho hệ tiêu hoá của trẻ bị rối loạn... Còn khi đường thẳng của biểu đồ đi lên và nằm trong vùng an toàn thì chứng tỏ bé phát triển bình thường.
3. Một số biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở cộng đồng
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt về trí tuệ để đảm bảo cho học tập và lao động sau này. Một số biện pháp được thực hiện trong cộng đồng giúp phòng chống tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, bao gồm những trẻ suy dinh dưỡng độ 1 - suy dinh dưỡng thể nhẹ như sau:
- Cho trẻ bú mẹ 1 giờ đầu sau sinh và kéo dài thời gian bú đến khoảng 24 tháng. Sữa mẹ ở giai đoạn này có vai trò khá quan trọng, không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng dễ hấp thu nhất cho trẻ mà còn bổ sung thêm các kháng thể giúp trẻ chống lại các yếu tố vi khuẩn hay bệnh tật ở môi trường xung quanh.
- Có chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý. Đối với trẻ bắt đầu ăn dặm thì thời điểm thực hiện là khi trẻ 6 tháng, cho trẻ sử dụng đủ 4 nhóm thực phẩm nhằm cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ, bao gồm: Nhóm thực phẩm có chất dinh dưỡng cung cấp carbohydrate hay chất bột đường bao gồm các loại thực phẩm như ngũ cốc, khoai, củ mì...; nhóm thực phẩm có chất dinh dưỡng cung cấp chất béo bao gồm dầu ăn, mỡ động vật, bơ, phô mai... giúp cung cấp năng lượng ở dạng đậm đặc nhất; nhóm thực phẩm có chất dinh dưỡng cung cấp protein cần thiết cho cơ thể; nhóm thực phẩm chất dinh dưỡng cung cấp vitamin và chất khoáng nhằm điều hoà các chức năng của cơ thể trẻ.
- Cha mẹ nên lựa chọn và chế biến thức ăn đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp trẻ tránh được các bệnh nhiễm trùng đường ruột, giun sán... Chọn lựa thực phẩm tươi, tránh bảo quản thực phẩm dài ngày có thể làm hao hụt chất dinh dưỡng....
- Ngoài ra, cha mẹ nên thực hiện tẩy giun định kỳ cho trẻ.
Tóm lại, bé suy dinh dưỡng độ 1 là mức độ suy dưỡng vẫn còn đang ở thể nhẹ cân nên cha mẹ không nên quá lo lắng. Việc cần làm lúc này để giúp trẻ phát triển toàn diện đó là có chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý, lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn và tẩy giun định kỳ cho bé.
Ngoài ra, bé cũng nên được bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
- Sau điều trị Covid: Ăn gì để hồi phục?
- Thiếu vi chất dinh dưỡng là gì và ảnh hưởng tới sức khỏe?
- Hội chứng kém hấp thu xảy ra như thế nào?