Mục lục
Tế bào gốc trung mô (MSC) từ tủy xương có thể tạo ra một số loại tế bào thuộc các mô xương, chẳng hạn như sụn, xương và chất béo. Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách tế bào gốc trung mô từ tủy xương có thể được sử dụng để điều trị các bệnh về xương và sụn. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về đặc điểm của tế bào gốc trung mô từ tủy xương.
1. Đặc điểm của tế bào gốc trong mô tuỷ xương
Một số nghiên cứu về tế bào gốc trung mô từ tủy xương đang khám phá các liệu pháp điều trị các bệnh khác, nhưng cơ sở khoa học cho các ứng dụng này vẫn chưa được thiết lập hoặc chưa được chấp nhận rộng rãi. Thí nghiệm nuôi cấy dung dịch tuỷ xương của 2 nhà khoa học Ernest A. McCulloch và James E.Till từ những năm thập niên 1960 cho thấy khả năng tạo cụm của các tế bào trong tủy xương. Kế thừa các kết quả nghiên cứu đó, Friedenstein đã phát kiến ra tế bào gốc trung mô tủy xương (MSC) vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. "Trung mô" là thuật ngữ dùng để chỉ mô liên kết thưa đang phát triển của phôi và chủ yếu là bắt nguồn từ trung bì và tạo ra phần lớn các tế bào của mô liên kết ở cơ thể khi trưởng thành. Về mặt hình thái, thì các tế bào gốc trung mô có thân tế bào mỏng dài với một hạt nhân lớn. Giống như các loại tế bào gốc khác, MSC có thể tự tái tạo cao đồng thời duy trì tính đa năng. Trong tuỷ xương, MSC chỉ chiếm từ 0.001% đến 0.01% số lượng tế bào đơn nhân và vị trí dễ thu được MSC nhất là ở gai chậu trước trên hoặc sau trên. Từ khi phát hiện đến nay MSC tuỷ xương vẫn đang được sử dụng nhiều nhất và là nguồn tế bào tốt nhất, được lấy làm tiêu chuẩn để so sánh với MSC từ các nguồn khác. Đặc điểm quan trọng nhất của MSCs là trong một số điều kiện trong ống nghiệm nhất định, các tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào trung bì như nguyên bào xương, tế bào mỡ, tế bào sụn hoặc tế bào cơ xương. Quá trình biệt hóa này là bước cơ bản để thúc đẩy quá trình tái sinh. Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể thúc đẩy quá trình tái tạo xương bằng cách thêm dexamethasone, axit ascorbic và β-glycerophosphate vào môi trường nuôi cấy, trong khi việc bổ sung dexamethasone, insulin và rosiglitazone trong môi trường này tạo ra MSCs để biệt hóa thành tế bào mỡ.
MSCs ức chế phản ứng miễn dịch theo hai cách: bằng phản ứng miễn dịch tiếp xúc và bằng phản ứng miễn dịch không tiếp xúc. Bartholomew và cộng sự phát hiện ra rằng, thông qua phản ứng miễn dịch tiếp xúc, MSC có thể ức chế phản ứng miễn dịch của tế bào lympho, ngăn chặn sự trưởng thành của các tế bào trình diện kháng nguyên và làm suy yếu chức năng miễn dịch của các tế bào tiêu diệt tự nhiên. Vì MSC có thể hoạt động như các chất ức chế miễn dịch, chúng đã được sử dụng để điều trị một số bệnh miễn dịch. Le Blanc và cộng sự đã sử dụng thành công MSCs mở rộng trong ống nghiệm để cải thiện mô ghép nặng so với bệnh ký chủ (GVHD). Liều trung bình của MSCs được sử dụng trong nghiên cứu của họ là 1,4×10 ^6/Kilôgam. Trong số 55 bệnh nhân được điều trị, 27 người được tiêm một liều, 22 người được tiêm hai liều, bốn người được tiêm ba liều, một người được tiêm bốn liều và một người được tiêm năm liều. Ba mươi bệnh nhân đạt được đáp ứng hoàn toàn và chín bệnh nhân cho thấy sự cải thiện. Tuy nhiên, ba bệnh nhân phát triển bệnh ác tính tái phát và một bệnh nhân phát triển bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong trong 1 năm của bệnh nhân được điều trị bằng MSCs thấp hơn so với bệnh nhân không được điều trị bằng MSCs (11 trong số 30 bệnh nhân (37%) tử vong ở nhóm điều trị MSC so với 18 trong số 25 bệnh nhân (72%) ở nhóm điều trị không MSC). Điều trị tế bào bằng tế bào gốc trung mô (MSC) có một số ưu điểm như: (1) MSC là các tế bào đa năng có thể di chuyển đến các vị trí tổn thương; (2) có khả năng ngăn chặn phản ứng miễn dịch tại chỗ; và (3) có sẵn với số lượng lớn từ chính bệnh nhân.
2. Tiềm năng trong điều trị một số bệnh
- Cơ quan quản lý thực phẩm dược phẩm Hoa kỳ (FDA) đã cấp phép cho các thử nghiệm lâm sàng từ phase 1 đến phase 4 để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng tế bào gốc trung mô trong việc điều trị các bệnh lý lâm sàng.
- Tiềm năng ứng dụng trong điều trị tổn thương sụn khớp: Tổn thương sụn là vấn đề thường gặp đối với những bệnh nhân ngoài 40 tuổi, hậu quả là sẽ dẫn đến viêm khớp nếu không được chữa trị hợp lý. Viêm xương khớp là quá trình thoái hoá mãn tính đặc trưng bởi quá trình thoái hoá sụn, hình thành gai xương, tổ chức lại xương sụn phụ, bào mòn khớp và mất chức năng khớp. Các phương pháp điều trị thuốc hiện nay chỉ làm giảm đau, giảm triệu chứng và kiểm soát viêm nhưng không ngăn chặn được quá trình thoái hoá khớp. Nhiều nghiên cứu đã sử dụng tế bào gốc từ nhiều nguồn khác nhau để giúp điều trị viêm xương khớp với tỷ lệ thành công không đồng nhất. Trong các nghiên cứu này thì MSC được cho là thích hợp nhất.
- Ngoài ra một số bệnh cũng được quan tâm nhiều bao gồm: bệnh tim mạch, bệnh tự miễn, gan, các rối loạn về hô hấp...Nhiều nghiên cứu cho thấy tiềm năng của MSC giảm dần theo tuổi của người hiến tế bào và thời gian nuôi cấy, do đó MSC được khuyến cáo chỉ nên sử dụng khi mới tách ở những bệnh nhân trẻ tuổi và không nên sử dụng tế bào từ người cao tuổi, tế bào đã qua nuôi cấy hoặc bảo quản lạnh (tế bào đã qua thời gian bảo quản lạnh hoặc nuôi cấy sẽ tăng khả năng chuyển thành dạng ác tính, có khả năng tạo thành u cao).
- Tại Việt Nam, Viện Bỏng Quốc gia là nơi đầu tiên ứng dụng MSC trong điều trị từ những năm 2009. Với khoảng 300 bệnh nhân mang những vết loét khó lành do hậu quả của bệnh tiểu đường, sau khi xạ trị ung thư, điều trị tim mạch được cấy ghép tế bào gốc đã đạt tỷ lệ tái tạo da trên 98%. Các nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới sẽ ứng dụng trên những bệnh như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tiểu đường, tự kỷ, Parkinson. Điều này sẽ tạo tiền đề nhằm hy vọng chữa khỏi nhiều bệnh nan y khác.
Nguồn tham khảo: cancer.net
- Tế bào gốc trung mô trong điều trị vô sinh nữ
- Thư ngỏ của Giám đốc Ngân hàng mô Vinmec
- Phương pháp nuôi cấy không chứa huyết thanh và các chất từ động vật cho phép sản xuất quy mô lớn các tế bào gốc trung mô từ nguồn mô trưởng thành và chu sinh.