Mục lục
Sụn chêm là lớp đệm có tính đàn hồi như cao su, nằm giữa xương đùi và xương chày, có vai trò giảm xóc cho đầu gối. Sụn chêm gồm hai phần, bên trong và bên ngoài. Trong đó, rách sụn chêm trong độ 2 thường có mức độ nghiêm trọng. Đặc điểm rách sụn chêm trong độ 2 là có thể bị tách làm đôi hay xé xung quanh chu vi theo hình chữ C và thường đòi hỏi cần can thiệp phẫu thuật.
1. Đặc điểm về giải phẫu học của sụn chêm trong
Tương tự như sụn chêm ngoài, sụn chêm trong cũng có hình khum với chiều dài khoảng 3,5cm. Sừng trước của sụn chêm trong được gắn vào mặt trước của xương chày và cách xa mâm chày. Các sợi trước của dây chằng chéo trước hợp nhất với dây chằng ngang nối các sừng trước của sụn chêm trong. Sừng sau của sụn chêm trong được gắn chặt vào mặt sau của bao khớp. Tại điểm giữa, sụn chêm trong được gắn chặt vào xương đùi và xương chày cũng bằng dây chằng, gọi là dây chằng giữa sâu.
Nguồn cung cấp mạch máu của sụn chêm bắt nguồn chủ yếu từ các động mạch gối giữa, bên dưới và bên trên. Trong năm đầu tiên của cuộc đời, sụn chêm chứa các mạch máu trên toàn bộ cấu trúc nhưng khi cơ thể lớn hơn, hệ mạch và mạng lưới tuần hoàn giảm dần và chỉ còn lại 25-33% diện tích được tưới máu bởi các mao mạch của nang khớp và màng hoạt dịch. Hệ mạch suy giảm nhiều đến mức đến năm 40 tuổi, chỉ có vùng ngoại vi là có mạch máu trong khi trung tâm của sụn chêm là vô mạch. Do phần trung tâm hoàn toàn phụ thuộc vào sự khuếch tán chất dinh dưỡng của dịch khớp, đây chính là lý do vì sao rách sụn chêm tại vị trí này luôn khó lành.
2. Cơ chế tổn thương sụn chêm trong
Cơ chế phổ biến nhất của các chấn thương sụn chêm trong là do lực chấn thương xoắn với chân trụ trên mặt đất, thường là khi tham gia thi đấu hay tập luyện thể thao. Theo đó, việc xoay người nhanh trên sân bóng hoặc xử lý mạnh trong khi chân đang trụ vững có thể gây rách sụn chêm. Tuy vậy, lực vặn tốc độ chậm cũng có thể gây ra vết rách sụn chêm.
Trong các trường hợp tổn thương sụn chêm do chấn thương, vết rách sụn chêm trong thường có các loại sau:
- Rách dọc
- Rách ngang
- Rách vòng
- Rách vạt
- Rách hình mỏ
- Rách dạng quai xách
So với sụn chêm ngoài, rách sụn chêm trong thường gặp hơn vì nó dính chặt vào dây chằng chéo giữa sâu và bao khớp. Đồng thời, vì sụn chêm trong là một bộ phận giảm xóc đáng kể ở mặt trong của khớp gối và hấp thụ khoảng 50% cú sốc ở khoang giữa, khi bị chấn thương khớp gối như rách sụn chêm trong độ 2 thì việc khâu vá vết rách là rất cần thiết. Nếu không được sửa chữa, tải trọng đặt lên khoang trung gian của khớp gối mau chóng tăng lên, cuối cùng dẫn đến thoái hóa khớp và di chứng tàn phế.
3. Làm thế nào để chẩn đoán rách sụn chêm trong?
Việc chẩn đoán rách sụn chêm trong bắt đầu bằng tiền sử và khám sức khỏe. Nếu có một chấn thương cấp tính, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng chấn thương đã xảy ra như thế nào để giúp hiểu được những áp lực đặt lên đầu gối. Theo đó, nhận định chấn thương sụn chêm trong được xem là khá chắc chắn nếu có ba hoặc nhiều dấu hiệu như sau:
- Nhạy cảm đau tại một điểm trên đường khớp giữa
- Đau ở khu vực của đường khớp giữa khi tăng áp lực trên khớp gối hay khi co khớp gối
- Đau khi xoay ngoài bàn chân và cẳng chân khi gập đầu gối ở các góc khác nhau khoảng 70–90°
- Cơ tứ đầu suy yếu hoặc giảm hoạt động.
Với các ca đau đầu gối mãn tính, đặc điểm lần chấn thương ban đầu có thể không được nhớ rõ. Lúc này, sau khi khám sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang và MRI và để chẩn đoán xem bệnh nhân có bị rách sụn chêm trong hay không, mô tả đặc điểm để định hướng điều trị.
4. Cách điều trị đối với rách sụn chêm trong
4.1 Điều trị không phẫu thuật
Nếu rách sụn chêm trong độ 2 do có tổn thương thoái hóa hoặc nếu vết rách nhỏ, bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị bảo tồn, không phẫu thuật, như:
- Băng đầu gối
- Để chân nghỉ ngơi
- Thuốc chống viêm không steroid
- Dùng nẹp để ổn định đầu gối
- Vật lý trị liệu với chuyên gia để tăng cường lực đầu gối
4.2 Điều trị phẫu thuật
Nếu các triệu chứng không cải thiện khi sử dụng những phương pháp điều trị không phẫu thuật hoặc nếu vết rách mức độ nặng, như trong hầu hết các trường hợp rách sụn chêm trong độ 2, người bệnh có thể cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc cắt bỏ phần bị hư hỏng của sụn chêm.
Loại phẫu thuật được thực hiện phụ thuộc vào loại vết rách cũng như mức độ nghiêm trọng của vết rách. Ví dụ, nếu vết rách nằm ở vành ngoài của sụn chêm và có nguồn cung cấp máu tốt cho khu vực này, người bệnh có thể được sửa chữa. Nếu vết rách không phải là ở ngoại vi hoặc không thể sửa chữa được thì mảnh rách sẽ được lấy ra.
Như vậy, các loại phẫu thuật được tiến hành để điều trị rách sụn chêm bao gồm:
- Phẫu thuật sửa chữa: Phần bị rách của sụn chêm sẽ được khâu lại với nhau. Việc phục hồi sau sửa chữa sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với can thiệp cắt bỏ sụn chêm từ đầu, tuy nhiên, cách này có ưu điểm là bảo tồn được tối đa mô sụn.
- Cắt sụn: Trong quá trình cắt sụn, các mô bị hư hỏng của sụn chêm sẽ được cắt tỉa cẩn thận và loại bỏ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cố gắng loại bỏ chỉ các mô bị tổn thương để bảo tồn càng nhiều sụn càng tốt.
- Các phẫu thuật này đều được thực hiện theo phương pháp nội soi khớp, nghĩa là chúng được thực hiện bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu. Phẫu thuật nội soi tiến hành thông qua một số vết rạch nhỏ để tiếp cận phần bị tổn thương của sụn chêm. Hình ảnh bên trong khớp sẽ được chiếu trên màn hình, cho phép bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình xác định vị trí vết rách. Từ đó, các dụng cụ đặc biệt sẽ lần lượt được đưa vào để sửa chữa hoặc loại bỏ các mô bị tổn thương.
4.3 Hồi phục
Thời gian chức năng khớp gối hồi phục sau vết rách sụn chêm trong phụ thuộc vào loại vết rách, mức độ nghiêm trọng của vết rách và các phương pháp điều trị được sử dụng để sửa chữa các mô bị tổn thương.
Trong đó, nếu chỉ cần sử dụng phương pháp điều trị không phẫu thuật, quá trình hồi phục có thể mất từ sáu đến tám tuần. Ngược lại, nếu cần đến phẫu thuật chỉnh sửa như trong rách sụn chêm cấp độ 2, quá trình hồi phục có thể mất đến ba tháng đối với phẫu thuật sửa chữa trong khi chỉ khoảng ba đến bốn tuần đối với phẫu thuật cắt bỏ sụn.
Tóm lại, sụn chêm trong nằm ở phần giữa hoặc bên trong của đầu gối, đóng vai trò như một bộ giảm xóc và tạo sự ổn định cho đầu gối. Tuy rách sụn chêm trong có nhiều mức độ nhưng rách sụn chêm trong độ 2 thường nghiêm trọng và đòi hỏi can thiệp phẫu thuật. Sau đó, người bệnh cần sắp xếp thời gian nghỉ dưỡng hợp lý kết hợp các bài tập vật lý trị liệu theo giai đoạn nhằm mau chóng khôi phục chức năng khớp gối.
- Các vấn đề thường gặp ở khớp gối
- Điều trị và tập luyện ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối
- [Video] Điều trị và phòng ngừa thoái hóa khớp gối