Mục lục
Tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều có nhu cầu ăn uống khác nhau. Điều này có nghĩa là trẻ có thể tự điều chỉnh bằng cách ăn nhiều hay ít. Tuy nhiên, hiểu biết về nhu cầu dinh dưỡng cũng như hệ tiêu hóa của trẻ sẽ giúp cho cha mẹ nuôi dưỡng con khỏe mạnh và thông minh hơn.
1. Đặc điểm hệ tiêu hóa của trẻ
Hệ tiêu hóa của trẻ, nhất là trong giai đoạn sơ sinh, vẫn còn là một bí ẩn đối với các chuyên gia y tế. Lý do là nghiên cứu về đường tiêu hóa đòi hỏi cần có các thủ thuật xâm lấn, tuy nhiên thường không được thực hiện trên trẻ sơ sinh nếu không có bệnh lý.
Tuy vậy, với những gì đã biết, hệ tiêu hóa của trẻ khác với người lớn về nhiều mặt, từ các đặc điểm giải phẫu cũng như chức năng. Cụ thể:
- Miệng: Ở trẻ nhỏ, lưỡi lớn hơn so với khoang miệng và các miếng mỡ thừa ở hai bên lưỡi giúp trẻ bú hiệu quả.
- Thực quản: Ở trẻ sơ sinh, thực quản dài chỉ khoảng 1⁄2 so với người lớn. Trong cổ họng, nắp thanh quản nằm trên vòm miệng mềm để bảo vệ đường thở khi nuốt.
- Dạ dày: Trẻ sơ sinh có thể tích dạ dày chỉ chứa khoảng 20 ml (chỉ hơn 1 muỗng canh) chất lỏng. Điều này giải thích tại sao trẻ cần ăn vài giờ một lần. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dạ dày của trẻ nhỏ làm trống nhanh hơn gấp đôi sau bữa ăn bằng sữa mẹ so với bữa ăn bằng sữa công thức. Điều này giải thích vì sao trẻ bú sữa công thức ngủ lâu hơn và sâu hơn trẻ bú mẹ, giúp kéo dài thời gian hơn giữa các lần cho ăn.
- Ruột non: Chiều dài ruột non của trẻ sơ sinh cũng chỉ khoảng 1⁄2 so với người lớn. Một đặc điểm chính ở hệ tiêu hóa của trẻ ngay sau khi sinh là tính thấm của ruột non tăng lên trong một thời gian ngắn và sau đó giảm xuống khi các khoảng trống trên thành đóng lại. Vì vậy, trẻ được khuyến khích cho bú sữa mẹ càng sớm càng tốt để hấp thu tối ưu các kháng thể, tăng cường miễn dịch bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật.
- Ruột già: Đoạn ruột này đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh hơn nhiều so với ở người lớn. Đây có thể là cách cơ thể bù đắp cho sự hấp thụ hạn chế diễn ra ở ruột non trong giai đoạn sơ sinh.
- Đi phân: Phân đầu tiên đi ra được gọi là phân su, có tính đặc, dính và màu đen hoặc xanh đậm. Sau khi phân su được đào thải ra ngoài, cha mẹ sẽ nhận thấy phân của trẻ mềm hơn người lớn. Điều này là do trẻ chỉ uống sữa mẹ hoặc sữa công thức trong khoảng 6 tháng đầu đời. Chế độ ăn uống của trẻ không chỉ hoàn toàn là chất lỏng mà còn chứa một lượng không đáng kể chất xơ và không có protein rắn (chẳng hạn như trong thịt và trứng). Khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc, phân của trẻ cũng sẽ trở nên rắn hơn.
2. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em theo từng giai đoạn
2.1. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 0-6 tháng tuổi
Trong 6 tháng đầu, sữa mẹ và sữa công thức sẽ cung cấp tất cả các nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Hệ tiêu hóa ở trẻ em khác nhau nhưng lịch ăn cho trẻ sơ sinh đến trẻ 6 tháng tuổi có thể giống như sau:
- Trẻ sơ sinh có khả năng ăn 60 đến 80 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi lần từ 2-3 giờ một ngày (mặc dù có thể khó biết trẻ đang ăn bao nhiêu nếu cho con bú sữa mẹ).
- Trẻ 1 tháng tuổi có thể ăn khoảng 80 đến 120 ml mỗi 2-4 giờ một ngày.
- Trẻ 2 - 3 tháng tuổi có thể tiêu thụ 120 đến 150 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức sau mỗi 3-4 giờ một ngày.
- Trẻ 4 tháng tuổi thường tiêu thụ 150 đến 180 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức sau mỗi 4 - 5 giờ một ngày. Các chuyên gia thường khuyên nên đợi đến khi trẻ 6 tháng mới bắt đầu ăn dặm nhưng nếu bác sĩ nhi khoa cho biết trẻ đã sẵn sàng để bắt đầu ăn thức ăn đặc trong khoảng thời gian 4 tháng, hãy cho trẻ ăn 1 muỗng canh không quá 2 lần một ngày.)
- Trẻ 5 tháng tuổi có thể ăn từ 180 đến 200 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức sau mỗi 4 đến 5 giờ một ngày.
- Trẻ 6 tháng tuổi có thể ăn từ 200 đến 250 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi 4 đến 5 giờ một ngày, cũng như 1 đến 9 thìa chất rắn như ngũ cốc, trái cây và rau.
2.2. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 7 - 12 tháng tuổi
Khi trẻ được 7 tháng tuổi, nhiều trẻ đã phát triển sẵn sàng để ngủ suốt đêm mà không cần bú.
Trong khoảng từ 7 tháng đến 1 tuổi, trẻ vẫn nhận được phần lớn calo và chất dinh dưỡng cho trẻ từ sữa mẹ hoặc sữa công thức nhưng trẻ cũng sẽ tập làm quen với chế độ ăn dặm.
Dưới đây là chi tiết những gì trẻ có thể ăn từ 7 tháng tuổi đến 1 tuổi. Hãy nhớ rằng chế độ ăn uống và tần suất bữa ăn khác nhau ở mỗi em bé:
- Trẻ 7 và 8 tháng tuổi có thể ăn khoảng 700 đến 850 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày, cộng với 4 đến 9 thìa ngũ cốc, trái cây và rau quả cũng như 1 đến 6 muỗng canh thịt/ protein.
- Trẻ 9 đến 10 tháng tuổi có thể ăn khoảng 700 đến 850 ml sữa mẹ và sữa công thức mỗi ngày, cùng với 1/4 đến 1/2 cốc mỗi lần. ngũ cốc, trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm thịt/ protein.
- Trẻ 11 đến 12 tháng tuổi có thể uống 700 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày nhưng chế độ ăn của trẻ sẽ bao gồm nhiều chất rắn hơn: 1/2 đến 1 cốc từng loại ngũ cốc, trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm thịt/ protein.
2.3. Nhu cầu dinh dưỡng trẻ từ 1 tuổi
Khi được 1 tuổi, bé có thể chuyển sang sữa bò nguyên kem thay cho sữa mẹ hay sữa công thức. Điều quan trọng là cần sử dụng sữa nguyên kem vì trẻ dưới 2 tuổi cần bổ sung chất béo để phát triển trí não. Tuy vậy, trẻ 1 tuổi bú sữa mẹ sẽ có lợi khi tiếp tục bú mẹ miễn là cả mẹ và bé đều hài lòng với việc này. Tuy nhiên, dù là loại sữa gì, cần tránh cho trẻ bú quá nhiều sữa vì trẻ có thể không nhận đủ chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác.
Đối với việc cho trẻ ăn, trẻ từ 1 tuổi đã sẵn sàng tham gia cùng bàn ăn của gia đình với 3 cữ ăn chính trong ngày và 2 cữ ăn phụ. Trẻ nên ăn thức ăn từ tất cả các nhóm thực phẩm rau, trái cây, protein, ngũ cốc với khẩu phần khoảng 1⁄4 so với người lớn. Trong giai đoạn này, trẻ có thể kén ăn. Vì thế, cần cho trẻ quyết định món ăn yêu thích trong từng bữa với các các món ăn đầy màu sắc, hương vị và kết cấu khác nhau.
3. Các chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong chế độ ăn của trẻ là gì?
Không có chất dinh dưỡng “không quan trọng” nhưng một số chất sẽ đóng vai trò lớn hơn trong chế độ ăn của trẻ so với những chất khác. Dưới đây là những chất dinh dưỡng cho trẻ để phát triển:
- Chất đạm: Trẻ vẫn nhận được hầu hết lượng protein cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tuy nhiên, sau 1 tuổi, trẻ cần bắt đầu thử các loại thực phẩm chứa nhiều protein khác, bao gồm trứng, thịt, gà, cá và đậu phụ. Thực phẩm giàu canxi (đặc biệt là pho mát sữa nguyên chất) và một số loại ngũ cốc cũng có thể cung cấp protein.
- Canxi: Cả sữa mẹ và sữa công thức đều cung cấp tất cả lượng canxi cần thiết cho bé trong năm đầu tiên. Các loại thực phẩm giàu canxi, thân thiện với trẻ nhỏ sau 1 tuổi là phô mai sữa nguyên chất và sữa chua nguyên kem là những thực phẩm bổ sung bổ dưỡng, ngon miệng.
- Ngũ cốc nguyên hạt và carbohydrate phức hợp: Những món yêu thích như bánh quy ăn dặm cho trẻ, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, mì ống sẽ cung cấp carbohydrate và bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết.
- Vitamin A, B, C và E: Các loại vitamin này thúc đẩy sự phát triển não và thần kinh khỏe mạnh cho trẻ, cũng như sự hoạt động và phát triển tốt của mắt, da và hệ thống miễn dịch. Bí quyết để cung cấp các sinh tố này vào chế độ ăn của con là cho trẻ ăn các loại thực phẩm đủ màu cầu vồng. Cà rốt và khoai lang chứa nhiều vitamin A; rau xanh, chuối và đậu chứa nhiều vitamin B; cà chua, dâu tây và dưa đỏ có đầy đủ C; các loại ngũ cốc rất giàu E.
- Chất béo: Trẻ nhận được hầu hết calo từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ nhận được tất cả chất béo và cholesterol cần thiết. Khi chuyển sang một chế độ ăn uống đa dạng hơn, cha mẹ cần chú ý bổ sung chất béo từ các thực phẩm phù hợp cho trẻ như phô mai tươi, sữa chua, quả bơ hoặc nấu với dầu hạt cải hoặc ô liu.
- Sắt: Trẻ bú bình nhận được đầy đủ chất sắt từ sữa công thức hơn trẻ bú sữa mẹ. Vì thế, bắt đầu từ khi trẻ được 4 tháng tuổi và nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, hãy tham vấn bác sĩ nhi khoa xem trẻ có cần uống thêm sắt bổ sung hay không. Khi bé biết ăn dặm, cách dễ dàng cung cấp chất sắt cho bé là nấu từ các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt, lòng đỏ trứng, mầm lúa mì, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, đậu.
- Axit béo omega-3: Một phần trong nhóm các axit béo thiết yếu, omega-3 (bao gồm DHA) rất cần thiết cho sự tăng trưởng, thị lực và sự phát triển trí não tối ưu của trẻ. Các loại thực phẩm có nhiều axit béo omega-3 cho trẻ là cá (như cá hồi), thịt, đậu phụ, dầu hạt cải và sữa chua, ngũ cốc và trứng giàu DHA.
Tóm lại, hệ tiêu hóa của trẻ có nhiều điểm khác biệt so với người lớn. Mỗi đứa trẻ lớn lên một cách toàn diện luôn đòi hỏi có một chế độ dinh dưỡng khoa học và được bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết như kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
- Khi nào trẻ có thể ăn cá?
- Các món ăn giàu dinh dưỡng cho bé
- Có nhất thiết phải dùng bột ăn dặm cho trẻ?