Mục lục
Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Da bị ngứa là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu khiến bạn muốn gãi. Ngứa có thể là một triệu chứng của một số loại ung thư, nhưng cũng có thể là phản ứng với các phương pháp điều trị ung thư.
1. Những bệnh ung thư nào có thể khiến da bị ngứa
Nghiên cứu năm 2018 trên 16.000 người trong Hệ thống Y tế Johns Hopkins chỉ ra rằng những bệnh nhân bị ngứa toàn thân có nhiều khả năng bị ung thư hơn những bệnh nhân không ngứa. Các loại ung thư thường gặp nhất liên quan đến ngứa bao gồm:
- Ung thư da: Da hay bị ngứa là một trong những dấu hiệu ung thư da phổ biến nhất. Nguyên nhân là bởi ung thư da được xác định do một điểm mới hoặc thay đổi trên da. Trong một số trường hợp, ngứa ngáy có thể là lý do khiến vết đó được chú ý.
- Bệnh ung thư tuyến tụy: Những người bệnh ung thư tuyến tụy có thể khiến da bị ngứa. Tuy nhiên, ngứa không phải là triệu chứng trực tiếp của ung thư. Vàng da có thể phát triển do khối u gây tắc mật và các hóa chất trong mật có thể xâm nhập vào da và gây ngứa.
- Lymphoma: Ngứa là một triệu chứng phổ biến của ung thư hạch da, u lympho tế bào T và u lympho Hodgkin. Ngứa ít phổ biến hơn ở hầu hết các loại ung thư hạch không Hodgkin. Nguyên nhân gây ngứa có thể do các hóa chất tại hệ thống miễn dịch tiết ra để phản ứng với các tế bào ung thư hạch.
- Bệnh đa hồng cầu: Trong bệnh đa hồng cầu, ngứa có thể là một dấu hiệu ung thư. Ngứa có thể đặc biệt rõ ràng sau khi tắm nước nóng.
- Ung thư đường mật
- Ung thư túi mật
- Ung thư gan
2. Những phương pháp điều trị ung thư nào gây ngứa?
Ngứa do điều trị ung thư có thể là một phản ứng dị ứng. Một số phương pháp điều trị ung thư liên quan đến ngứa lâu dài bao gồm:
- Hóa trị liệu
- Xạ trị
- Bortezomib (Velcade)
- Brentuximab vedotin (Adcetris)
- Ibrutinib (Imbruvica)
- Interferon
- Interleukin-2
- Rituximab (Rituxan, MabThera)
Ngứa cũng có thể do liệu pháp hormone điều trị ung thư vú , chẳng hạn như:
- Anastrozole (Arimidex)
- Exemestane (Aromasin)
- Fulvestrant (Faslodex)
- Letrozole (Femara)
- Raloxifene (Evista)
- Toremifene (Fareston)
- Tamoxifen (Soltamox)
3. Các lý do khác khiến da bạn có thể bị ngứa
Da bị ngứa không có nghĩa là bạn bị ung thư. Có khả năng bạn bị ngứa do một nguyên nhân nào đó phổ biến hơn. Ví dụ như:
- Da khô: Da quá khô có thể bị ngứa dữ dội. Nếu ngứa do da khô, bác sĩ da liễu có thể khuyên bạn nên thực hiện một số thay đổi trong việc chăm sóc da và sử dụng một lượng lớn kem dưỡng ẩm.
- Bọ cắn: Khi bị muỗi đốt, nguyên nhân gây ngứa da thường rõ ràng và cơn ngứa có xu hướng biến mất nhanh chóng. Khi bọ sống trên da, cơn ngứa có thể kéo dài và không thể kiểm soát được. Các loại bọ có thể gây ngứa lâu dài bao gồm rệp, chấy và ve (ghẻ).
- Phản ứng dị ứng da: Da của chúng ta có thể phát triển một phản ứng dị ứng với nhiều chất. Một trong những chất phổ biến nhất có thể gây ra phản ứng dị ứng trên da là niken, chất này được tìm thấy trong nhiều sản phẩm mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Các sản phẩm có chứa niken bao gồm điện thoại di động, đồ trang sức, gọng kính, khóa kéo và khóa thắt lưng.
- Phản ứng với thực vật hoặc sinh vật biển: Thực vật như cây thường xuân độc nổi tiếng với việc gây phát ban ngứa, nhưng nó không phải là loại cây duy nhất có thể làm như vậy. Nếu bạn không biết rằng một loại cây gây ngứa cho bạn, thì tình trạng ngứa có thể tồn tại lâu dài. Sinh vật biển cũng có thể khiến bạn bị phát ban ngứa sau khi ở trong nước.
- Vấn đề về dây thần kinh: Khi một dây thần kinh không hoạt động bình thường, nó có thể gây ngứa da. Nếu có tổn thương dọc theo dây thần kinh do bệnh tật hoặc chấn thương, có thể khiến da bị ngứa. Cơn ngứa này có xu hướng xảy ra ở một nơi trên cơ thể bạn và bạn không thấy phát ban. Các bệnh có thể gây ra loại ngứa này, bao gồm đột quỵ, đa xơ cứng.
4. Da bị ngứa, khi nào đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn cho rằng ngứa có thể là một dấu hiệu ung thư, hãy đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và có hướng xử lý kịp thời. Các triệu chứng ngứa da nên đi khám bao gồm:
- Ngứa kéo dài hơn 2 ngày
- Nước tiểu của bạn sẫm màu như màu trà
- Da của bạn chuyển sang màu vàng
- Bạn gãi da cho đến khi nó bị loét hoặc chảy máu
- Phát ban nặng hơn khi bôi thuốc mỡ hoặc kem
- Da c đỏ tươi hoặc có mụn nước đóng vảy
- Có mủ hoặc dịch tiết ra từ da có mùi khó chịu
- Không thể ngủ qua đêm vì ngứa
- Dấu hiệu của một phản ứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở , phát ban hoặc sưng mặt hoặc cổ họng
Tóm lại, có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ngứa. Trong một số trường hợp, nó có thể là triệu chứng của một số loại ung thư hoặc điều trị ung thư. Nếu bạn bị ung thư và cảm thấy ngứa ngáy bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để đảm bảo rằng đó không phải là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định nguyên nhân cụ thể và đưa ra một số gợi ý về cách giảm ngứa.
Tài liệu tham khảo:
- 10 reasons your skin itches uncontrollably and how to get relief. (n.d.). aad.org/public/diseases/itchy-skin/skin-itches-uncontrollably
- Ahern K, et al. (2012). Pruritus in cutaneous T-cell lymphoma: A review. ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3618025/
- Chronic myeloproliferative disorders. (2017). rarediseases.info.nih.gov/diseases/9319/chronic-myeloproliferative-disorders
- Is itching a sign of cancer? (2016). blog.dana-farber.org/insight/2016/08/is-itching-a-sign-of-cancer/
- Itching. (2015). cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/skin-problems/itching.html
- Itching. (n.d.). cancer.unm.edu/cancer/cancer-info/cancer-treatment/side-effects-of-cancer-treatment/less-common-side-effects/skin-reactions/itching/
- Tìm hiểu về bệnh đa hồng cầu nguyên phát
- Xét nghiệm Hematocrit
- Hỏi đáp: Nổi cục cứng ở má phải, hàm phải có phải dấu hiệu ung thư?