Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thái Bình - Bác sĩ ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Lá lách là cơ quan nằm ngay dưới lồng xương sườn bên trái của bạn. Có nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, bệnh gan và một số bệnh ung thư có thể gây ra lách to hay còn gọi là cường lách. Cường lách thường không gây ra triệu chứng và chỉ vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc do bệnh khác. Do đó, để điều trị cường lách bác sĩ cần tập trung giải quyết bệnh dẫn đến triệu chứng cường lách này.
1. Vai trò của lá lách đối với cơ thể
Lá lách là một phần của hệ thống bạch huyết và hoạt động như một mạng lưới bảo vệ cơ thể để chống lại nhiễm trùng. Các tế bào bạch cầu được sản xuất trong lá lách tiêu diệt và loại bỏ vi khuẩn, mô chết và sinh vật lạ khi chúng xâm nhập vào máu. Lá lách cũng duy trì các tế bào máu như tiểu cầu, hồng cầu khỏe mạnh; tiểu cầu giúp cho quá trình đông máu. Lá lách lọc máu và loại bỏ các tế bào máu bất thường từ máu.
Lá lách bình thường có kích thước bằng nắm tay của bạn và bác sĩ thường không thể cảm thấy lá lách khi khám bụng bằng tay. Nhưng một số bệnh có thể khiến lá lách sưng lên và to gấp nhiều lần kích thước bình thường của nó. Do lá lách có liên quan đến nhiều chức năng trong cơ thể, nên khi các cơ quan khác bị bệnh thì sẽ ảnh hưởng lá lách.
Một khi lá lách bị to ra sẽ ảnh hưởng đến từng chức năng quan trọng của cơ quan này. Cường lách gây giảm tiểu cầu và hồng cầu trong máu do khi lá lách bị to ra sẽ lọc các tế bào hồng cầu, tiểu cầu bình thường cũng như những tế bào bất thường. Các tế bào hồng cầu và tiểu cầu bị tắc trong lá lách cuối cùng gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của chính nó.
2. Nguyên nhân dẫn đến cường lách
Nguyên nhân của cường lách có thể do nhiễm trùng, xơ gan và các bệnh gan khác, bệnh máu có dấu hiệu tế bào máu bất thường, có vấn đề về hệ thống bạch huyết hoặc các bệnh khác.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến của cường lách:
Nhiễm trùng
- Nhiễm virus, ví dụ bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (mononucleosis) do các virus Epstein-Barr (EBV).
- Nhiễm ký sinh trùng, chẳng hạn như bệnh toxoplasmosis.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, như viêm nội tâm mạc.
Ung thư
- Bệnh bạch cầu, một loại ung thư trong đó các tế bào bạch cầu thay thế các tế bào máu bình thường.
- Ung thư hạch là bệnh ung thư ở hệ bạch huyết.
Các nguyên nhân khác
- Các bệnh viêm như bệnh sarcoidosis hay còn gọi là u hạt, bệnh lupus ban đỏ và viêm khớp dạng thấp
- Chấn thương, như chấn thương trong các môn thể thao mang tính đối kháng.
- Ung thư đã di căn đến lá lách.
- Nang, là một túi chứa chất lỏng nhưng không phải ung thư.
- Áp xe lớn có chứa mủ do nhiễm vi khuẩn.
- Bệnh Gaucher, bệnh amyloidosis hoặc bệnh dự trữ glycogen.
3. Đối tượng dễ mắc bệnh cường lách
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh cường lách ở mọi lứa tuổi, nhưng một số nhóm nhất định có nguy cơ cao hơn, bao gồm:
- Trẻ em và người lớn bị nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
- Những người mắc bệnh Gau Gauer, bệnh Niemann-Pick và một số rối loạn chuyển hóa di truyền khác ảnh hưởng đến gan và lá lách.
- Những người sống hoặc đi du lịch đến những khu vực có bệnh sốt rét lưu hành.
4. Cường lách có nguy hiểm không?
Các biến chứng nguy hiểm khi mắc bệnh cường lách gồm:
- Nhiễm trùng. Người bệnh khi bị cường lách dẫn đến giảm số lượng tế bào hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu trong máu, đây đều là các hàng rào bảo vệ cơ thể khi có vi trùng xâm nhập do đó khi bị giảm số lượng các tế bào này, người bệnh sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và tần suất mắc thường xuyên hơn. Ngoài ra, còn có biến chứng thiếu máu và dễ chảy máu.
- Vỡ lá lách. Ngay cả khi khỏe mạnh, bản chất lá lách là tạng đặc, giòn và dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong các vụ tai nạn xe hơi. Khả năng vỡ lớn hơn khi lá lách bị to ra giống như trong bệnh cường lách. Khi lá lách bị vỡ có thể gây chảy máu nặng vào khoang bụng và đe dọa tính mạng.
Một khi, bệnh nhân có những dấu hiệu của cường lách cần đi khám sớm tránh nguy cơ vỡ lách nguy hiểm tính mạng. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các chuyên gia giỏi và trang thiết bị hiện đại nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời nhất tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, medicinenet.com, mayoclinic.org
- Áp xe lách: Chẩn đoán và điều trị
- Lách to: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Lách được chỉ định cắt bỏ trong những trường hợp nào