Mục lục
Tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong cao do COVID-19 thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý nền mạn tính như suy thận, tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, bệnh gan, tai biến mạch máu não... đặc biệt nhất là các bệnh lý hô hấp, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn. Vậy, người bệnh hen suyễn cần lưu ý gì khi thực hiện điều trị tại nhà khi tình hình dịch bệnh đang căng thẳng?
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Th.S BS Vũ Thị Mai - Bác sĩ Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
Theo một số nghiên cứu cho thấy bệnh hen suyễn không làm tăng khả năng nhiễm COVID-19, tuy nhiên, nếu người mắc hen suyễn bị nhiễm virus, họ có thể gặp phải các biến chứng nặng hơn những người không bị hen suyễn rất nhiều do suy hô hấp bởi tổn thương phổi và do co thắt phế quản, tăng bài tiết bởi bệnh hen.
Cùng với các phương pháp phòng ngừa dịch bệnh, người bệnh hen suyễn cần đặc biệt lưu ý các phương pháp điều trị sai lầm sau đây:
1. Tự ý ngưng dùng thuốc có chứa steroid
Steroid là một thành phần quan trọng trong thuốc điều trị hen suyễn, có vai trò trong kiểm soát bệnh và ngừa cơn hen cấp. Tuy nhiên khi có những lo ngại về việc steroid trong thuốc hít hen suyễn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc hoặc tăng nặng triệu chứng với các trường hợp mắc COVID-19, nhiều bệnh nhân hen suyễn đã ngưng sử dụng steroid. Tuy nhiên thuốc hít chứa steroid chủ yếu có tác dụng tại chỗ và không có khả năng làm giảm miễn dịch ở bệnh nhân hen. Ngừng dùng thuốc kiểm soát sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ phát triển cơn hen kịch phát. Trong đại dịch hiện nay, việc điều trị đợt cấp có thể sẽ yêu cầu đến phòng cấp cứu hoặc chăm sóc tích cực, nơi bệnh nhân có nguy cơ tiếp xúc với người mắc COVID-19 cao hơn nhiều. Vì vậy, theo một cách nào đó, bằng cách tiếp tục kiểm soát bệnh hen suyễn ổn định, có thể giúp người bị hen suyễn giảm cơ hội tiếp xúc với COVID-19.
2. Sử dụng chung bình xịt hen
Bệnh hen không phải là bệnh lây truyền nhưng có yếu tố di truyền nên trong nhà có thể có nhiều người mắc bệnh. Khi có nhiều người mắc bệnh trong 1 gia đình, nhiều người có thói quen sử dụng chung 1 bình xịt. Đây là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Không nên dùng chung bình xịt vì khi ngậm trong miệng có thể chứa mầm bệnh truyền từ người này sang người khác, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra
3. Tự mua thuốc mà không đi khám, uống thuốc không chính thống
Do tâm lý e ngại đến bệnh viện trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều người mắc hen suyễn có thể tự ý mua thuốc hoặc sử dụng lại thuốc theo đơn cũ, tuy nhiên việc kiểm soát bệnh trong khi giảm tối đa nguy cơ bất lợi của thuốc điều trị mang lại đòi hỏi bệnh nhân cần được điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Việc dùng các loại thuốc không chính thống, tự ý điều trị hầu hết đều không mang lại kết quả tốt, thậm chí còn làm bệnh tăng nặng thêm.
4. Tự giảm liều thuốc hoặc bỏ hẳn khi bệnh cải thiện
Một số người nghĩ rằng thuốc này nhiều tác dụng phụ nên không tuân thủ liều dùng của bác sĩ. Một số trường hợp khác, khi đã thấy tình trạng bệnh cải thiện, họ sẽ ngưng hoặc bỏ hẳn thuốc vừa vì nguyên nhân nghĩ bệnh đã khỏi, vừa nghĩ sẽ giúp hạn chế các tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra với cơ thể. Tuy nhiên hen phế quản là bệnh mạn tính, không khỏi hoàn toàn được mà chỉ có thể điều trị ổn định. Giai đoạn ổn định của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc tuân thủ điều trị là rất quan trọng. Việc tự giảm liều hoặc ngưng thuốc sẽ khiến viêm đường thở tăng trở lại, tăng nguy cơ có đợt cấp tái diễn hoặc dai dẳng.
5. Không tiêm vắc xin COVID-19 khi đang bị hen suyễn
Một số người mắc hen suyễn lo lắng rằng mắc hen suyễn có thể tiêm vắc xin COVID-19 không? Tiêm vắc xin COVID-19 có thể ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn không? Theo CDC (Mỹ) và tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO) bệnh nhân mắc hen phế quản ổn định, có thể tiêm được vắc xin như thông thường.
Sau khi tiêm vắc xin, người bệnh hen suyễn vẫn nên tiếp tục thực hiện các phương pháp điều trị bệnh tại nhà, đồng thời kết hợp với những lưu ý, chỉ dẫn của chuyên viên y tế đối với một số phản ứng của vắc xin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Các bệnh nhân hen suyễn được xác định là F0 nhưng không có tình tiết tăng nặng, được cho phép cách ly và điều trị tại nhà cần kết hợp song song cả thuốc điều trị hen suyễn và các thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin cần lưu ý cho người mắc bệnh hen suyễn trong việc phòng ngừa và điều trị trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Do được xếp vào loại bệnh lý nền nghiêm trọng với COVID-19 nên khi có bất cứ dấu hiệu bất thường, người bệnh nên liên hệ ngay với các trung tâm y tế để được hỗ trợ kịp thời.
- Hen suyễn có phải bệnh lây truyền không?
- Kế hoạch tiêm Vaccine Covid-19 ở Việt Nam của Bộ Y tế
- Công dụng thuốc Asmaact 4mg