Mục lục
Một trong những chiến lược phòng chống COVID-19 cốt lõi được Bộ Y tế công bố là đẩy nhanh tốc độ bao phủ của vắc xin để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Đây là cho là “chìa khóa” giúp các nước chung sống với COVID-19.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Nguyễn Hải Hà, Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú nhi, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
1. Miễn dịch cộng đồng là gì?
Khi bạn tiêm vắc-xin, bạn đã bảo vệ bản thân và người xung quanh khỏi bệnh truyền nhiễm. Khái niệm này được gọi là miễn dịch cộng đồng.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) định nghĩa miễn dịch cộng đồng (tên tiếng Anh là Community immunity) là tình trạng trong đó có một tỷ lệ nhất định người dân có miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng và/ hoặc đã mắc bệnh này trước đó) nhằm phòng tránh các bệnh lây từ người sang người.
Hiểu nôm na càng nhiều người trong cộng đồng được tiêm vắc-xin thì càng ít người dễ nhiễm bệnh. Ngay cả những đối tượng không hoặc chưa được tiêm phòng như trẻ sơ sinh và những người mắc bệnh mãn tính cũng sẽ được bảo vệ do các bệnh này có khả năng lây lan trong cộng đồng.
2. Vai trò của miễn dịch cộng đồng và vắc xin?
Vắc xin được thiết kế để bảo vệ những người được tiêm tránh mắc phải các bệnh truyền nhiễm do nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau gây ra, chẳng hạn như vi-rút và vi khuẩn.
Tiêm vắc-xin ở diện rộng đã giúp con người thanh trừ hoàn toàn một loại virus gây ra bệnh đậu mùa. Tuy nhiên nếu không tiếp tục tiêm vắc-xin này thì có khả năng trong tương lai, bệnh đậu mùa sẽ xuất hiện trở lại.
Một trong những lý do quan trọng giúp chương trình tiêm vắc-xin thành công đó là do miễn dịch cộng đồng. Khi tỷ lệ người trong cộng đồng đã tiêm vắc-xin đủ cao thì chuỗi nhiễm trùng sẽ bị phá vỡ và khả lây lan các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng sẽ bị chặn đứng. Ngược lại, khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, dẫn tới có nhiều người dễ mắc bệnh hơn và ảnh hưởng của miễn dịch cộng đồng có thể bị phá vỡ hoặc suy giảm, dẫn đến gia tăng khả lây lan của bệnh và tạo ra các đợt bùng phát dịch.
Các nhà khoa học có thể xác định tỷ lệ tiêm chủng phải đạt được bao nhiêu thì mới thiết lập được miễn dịch cộng đồng dựa trên mầm bệnh có thể di chuyển nhanh như thế nào và tác động của mầm bệnh đến người dân ra sao.
Ví dụ với bệnh sởi: Do bệnh sởi rất dễ lây lan (một người nhiễm bệnh có thể lây truyền virus sởi trung bình cho từ 12 đến 18 người), nên ngưỡng bao phủ của vắc-xin để duy trì khả năng miễn dịch cộng đồng phải đạt khoảng 95%, có nghĩa là tối thiểu 95% người dân trong cộng đồng tiêm vắc-xin thì mới tạo ra được miễn dịch cộng đồng. Đối với bệnh bại liệt, thì chỉ cần khoảng 80% đến 85% người trong cộng đồng cần được tiêm phòng để duy trì khả năng miễn dịch cộng đồng.
3. Miễn dịch cộng đồng sau tiêm vắc xin COVID-19 kéo dài bao lâu?
Theo Bác sĩ Nguyễn Hải Hà, tiêm vaccine phòng Covid-19 là cách tốt nhất để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tùy vào mục tiêu và mô hình bệnh tật của từng quốc gia mà độ bao phủ của vắc xin cần đạt được từ 70-95% dân số để có được miễn dịch cộng đồng (nghĩa là số người dân ở nước đó được tiêm vắc xin đạt tối thiểu từ 70-95% trong tổng dân số), khiến virus không còn có thể lây lan đáng kể cho số người còn lại chưa tiêm.
Đối với những bệnh lý đã được khống chế bởi vắc xin (như sởi, bạch hầu, thủy đậu...) thì miễn dịch cộng đồng kéo dài khi độ bao phủ vắc xin duy trì đủ lớn.
Đối với đại dịch Covid-19, ngoài độ bao phủ của vắc xin thì hiệu lực vắc xin với những biến thể khác nhau của virus cũng ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng. Một số chuyên gia trên thế giới cho rằng khó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng sớm hiện nay do biến chủng mới Delta của nCoV có thể lây nhiễm trong cả người đã được tiêm chủng và bản thân người được tiêm chủng vẫn có thể khả năng lây lan virus cho người chưa tiêm vắc xin.
Theo thống kê của Bộ Y tế đến chiều 14/8/2021, Việt Nam đã tiêm 14.434.017 liều vắc xin COVID-19, trong đó tiêm 1 mũi là 13.078.340 liều, tiêm mũi 2 là 1.355.677 liều.
- Bà bầu tiêm vắc xin Covid-19 cần lưu ý gì?
- Kế hoạch tiêm Vaccine Covid-19 ở Việt Nam của Bộ Y tế
- Các đặc điểm của biến thể Omicron