Mục lục
Thống kê của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cho biết: Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch chiếm hơn 10%, tiếp đó là tiểu đường lớn hơn 7%. Số còn lại đứng đầu trong danh sách là người mắc bệnh hô hấp mãn tính, còn ở người bình thường là 0,9%. Điều đó cho thấy nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Chu Hoàng Vân - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
1. COVID-19 khiến bệnh rối loạn nhịp tim trở nên nghiêm trọng hơn
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Chu Hoàng Vân - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, qua theo dõi và thống kê trên thế giới, diễn biến của bệnh COVID-19 có thể âm thầm lúc đầu và khi nặng hơn có thể ảnh hưởng đến hô hấp đầu tiên, những biến chứng tim mạch dẫn đến cái chết nhanh hơn, nhiều hơn là do suy hô hấp đơn thuần (đó là những biến chứng viêm cơ tim, suy tim, nhồi máu cơ tim, ngừng tim ...).
Lý do người bệnh tim mạch mắc COVID-19 tử vong cao là bởi khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ kích hoạt bệnh tim tiềm ẩn và gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, hội chứng mạch vành cấp tính, suy tim cấp. Bên cạnh đó, chức năng tim đã suy yếu, người bệnh vốn đã khó thở, mệt mỏi vì bệnh tim mạch sẵn có, nay lại càng khó thở hơn vì COVID-19 gây hội chứng viêm phổi cấp, khiến họ không đủ sức chống chọi với dịch bệnh. Nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiến triển bệnh của họ sẽ nặng hơn, khả năng hồi phục cũng khó khăn so với người bình thường.
Đặc biệt, người nhiễm COVID-19 còn làm tăng nặng tình trạng rối loạn nhịp tim ở người bệnh tim mạch. Theo báo cáo trên tạp chí Y Khoa Hoa Kỳ, qua nghiên cứu hồ sơ của 138 bệnh nhân nhập viện vì nhiễm COVID-19 cho biết gần 17% người bị rối loạn nhịp tim và hơn 7% bị tổn thương tim cấp tính, bao gồm: ngừng tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp tính và viêm cơ tim.
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm COVID-19, Bộ Y tế có khuyến cáo tất cả người dân hạn chế tối đa ra ngoài, luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc ít nhất 2m, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, thường xuyên vệ sinh nhà cửa,... Với bệnh nhân tim mạch, cần thực hiện thêm các khuyến cáo sau:
- Sử dụng và dự phòng đầy đủ thuốc theo đơn;
- Giữ huyết áp và mỡ máu trong giới hạn mục tiêu;
- Uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38.5 độ;
- Nên ưu tiên khám bệnh tại nhà khi có vấn đề về sức khỏe;
- Tập thể dục tại nhà để nâng cao sức khỏe.
Giảm lo lắng, căng thẳng, giữ tâm lý thoải mái. Có thể nói, rối loạn nhịp tim là chứng bệnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi yếu tố tâm lý, cảm xúc và môi trường. Chính vì vậy giữ tâm lý thư giãn, thoải mái là một trong những yếu tố giúp ngăn chặn tình trạng tăng nhịp tim xảy ra. Bạn có thể làm điều này bằng cách hít sâu thở chậm, nghe nhạc, ngồi thiền và không nên đọc quá nhiều tin rác về dịch COVID-19. Thay vào đó bạn nên nghe nhạc, xem hài, chương trình giải trí...
2. Bệnh nhân rối loạn nhịp tim có nên tiêm vắc-xin COVID-19 không?
Theo PGS Chu Hoàng Vân, hiện KHÔNG có chống chỉ định tuyệt đối khi tiêm vắc-xin COVID-19. Hơn nữa, những người có bệnh lý nền này nếu không tiêm vắc-xin mà bị nhiễm COVID-19 thì sẽ rất nặng, nặng hơn những người khác.
Người bệnh có điều kiện đủ để tiêm vắc-xin COVID-19 được an toàn là:
- Bệnh tim mạch phải trong giai đoạn dùng thuốc ổn định (không cấp tính);
- Chỉ tiêm vắc-xin trong điều kiện ở cơ sở bệnh viện (có điều kiện cấp cứu, hồi sức);
- Đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu. Cần cung cấp cho Bác sĩ biết chỉ số INR gần nhất (chỉ số đo thời gian đông máu ), (loại thuốc chống đông đang dùng, nếu trong phạm vi cho phép từ # 2-2.5), bệnh nhân nên duy trì thuốc chống đang dùng hàng ngày khi tiêm vắc-xin COVID-19. Đảm bảo mũi tiêm bắp sâu và chú ý băng tại chỗ tiêm cẩn thận hơn;
- Riêng huyết áp, mạch, khi vào tiêm vắc-xin COVID-19 thì nhiều người hay bị tăng so với bình thường. Nên mang theo thuốc huyết áp đang dùng và có thể bổ sung theo tư vấn của bác sĩ, liên quan đến con số tăng của huyết áp và mạch tại thời điểm tiêm và nên được theo dõi sau tiêm chặt chẽ trước khi về;
- KHÔNG có tiền sử sốc phản vệ dị ứng với thuốc trước đây (nếu có cần khám tư vấn bác sĩ chuyên khoa dị ứng trước tiêm).
Với bệnh nhân tăng huyết áp, PGS Chu Hoàng Vân khuyến cáo: Bệnh nhân tăng huyết áp cũng như các bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch mạn tính khác có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng thậm chí tử vong cao hơn khi mắc Covid 19. Vì vậy, đây là nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm chủng sớm để ngăn ngừa xuất hiện các biến cố nặng đó.
Cần lưu ý: Trong thời gian tiêm chủng (trước và sau tiêm) vẫn tiếp tục duy trì thuốc huyết áp, không được ngừng thuốc.
- Khó thở kèm đau tức ngực sau khi tiêm vacxin Covi-19 có sao không?
- Các phản ứng phụ sau khi tiêm vacxin Covid-19 AstraZeneca?
- Bà bầu ho nhiều hậu covid uống thuốc gì?