Mục lục
Thảo quyết minh là dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền với nhiều công dụng như hạ huyết áp, an thần, kháng khuẩn, kháng nấm. Vậy thảo thuyết minh sử dụng như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất?
1. Tổng quan về cây thảo quyết minh
Thảo quyết minh là loại cây thảo hay cây bụi nhỏ với chiều cao trung bình khoảng 30 – 90 cm. Đặc điểm của cây thảo quyết minh như sau:
- Cây có thân cành nhẵn.
- Lá cây mọc so le, kép và thường có 2 – 4 lá chét.
- Mùa ra hoa của cây vào khoảng tháng 5 và tháng 6, hoa màu vàng tươi mọc từ 1 – 3 bông ở kẽ lá.
- Mùa ra quả của cây vào khoảng tháng 9 đến tháng 11, quả có hình dạng như quả đậu, màu nâu vàng bóng, dài khoảng 12 – 14 cm. Quả thuyết minh chứa khoảng 25 hạt hình trụ xiên và hai đầu thắt lại.
Cây thảo quyết minh thường được lấy hạt dùng làm thuốc. Quả sau khi thu hái về đem phơi khô rồi tách lấy hạt đem phơi hoặc sấy khô. Trước khi sử dụng trong y học, hạt thảo quyết minh được sao bằng lửa nhỏ và chia thành hai loại là sao vàng và sao cháy.
2. Đặc điểm của hạt thảo quyết minh
Hạt thảo quyết minh còn có tên gọi khác là muồng lạc, muồng ngủ, đậu ma... Chúng có tên khoa học là Cassia tora L, thuộc họ đậu Fabaceae.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy thảo quyết minh chứa thành phần chính là anthranoid như chrysophanol, physcion, obtusin, chryssobutusin, rubrofusarin, chrysophanol-1-β-gentiobiosid, chrysophanic axit-9-anthron. Ngoài ra, loại hạt này còn chứa chất nhầy, protid, chất béo và sắc tố.
3. Thảo quyết minh có công dụng gì?
3.1. Công dụng của thảo quyết minh theo y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, thảo quyết minh tươi hơi đắng, có vị nhạt. Sau khi sơ chế bằng cách sao vàng dược liệu này có vị đắng, ngọt, hơi mặn, tính mát, quy vào các kinh can và thận.
Dược liệu thảo quyết minh có tác dụng an thần, hạ huyết áp, nhuận tràng, lợi thủy, thông tiện, can hòa và tán phong nhiệt. Kết quả các nghiên cứu cho thấy các dạng bào chế thảo thuyết minh cho cường độ tác dụng khác nhau, cụ thể như sau:
- Thảo quyết minh sao cháy có tác dụng hạ huyết áp và an thần mạnh hơn dạng sao vàng.
- Thảo quyết minh dạng sống có tác dụng hạ huyết áp và an thần yếu hơn nhưng tác dụng nhuận tràng, tẩy xổ loại mạnh nhất.
Về công dụng, thảo quyết minh được dùng điều trị tăng huyết áp, táo bón, đau đầu mất ngủ, bệnh chàm, bệnh ngoài da do nấm và các bệnh về mắt như viêm võng mạc, quáng gà, viêm kết mạc cấp tính...
3.2. Công dụng của thảo quyết minh theo y học hiện đại
Nghiên cứu của dược lý hiện đại cho thấy thảo quyết minh có các tác dụng như sau:
- Tác dụng an thần: Nghiên cứu tác dụng của thảo quyết minh trên thỏ bằng đường uống cho thấy tác dụng an thần. Kết quả điện não đồ của thỏ tăng thành phần sóng chậm, giảm sóng nhanh, giảm hoạt hóa các tế bào thần kinh của vỏ não và thể lưới.
- Tác dụng nhuận tràng: Kết quả các nghiên cứu cho thấy thành phần anthranoid của thảo quyết minh làm tăng sự co bóp của ruột, từ đó kích thích quá trình tiêu hóa trong cơ thể, tăng tác dụng nhuận tràng giúp cho việc đại tiện được dễ dàng, giúp phân mềm không lỏng và điều trị táo bón.
- Tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn: Cao lỏng cồn từ hạt thảo quyết minh có tác dụng kìm hãm sự phát triển của các loại vi khuẩn như bạch hầu, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn, vi khuẩn thương hàn, phó thương hàn. Bên cạnh đó, cao lỏng nước của thảo quyết minh có tác dụng ức chế một số loại nấm gây bệnh ngoài da.
- Tác dụng hạ lipid máu: Nghiên cứu tác dụng của thảo quyết minh trên động vật cho thấy loại hạt này có vai trò trong việc hạn chế hình thành mảng xơ vữa động mạch, hạ triglycerid máu và cholesterol máu toàn phần, hạ huyết áp, kiểm soát nồng độ lipid trong máu.
4. Liều dùng và các lưu ý khi dùng thảo quyết minh
4.1. Liều dùng thảo quyết minh
Liều dùng thông thường của thảo quyết minh khoảng từ 5 – 10 g trong ngày, dùng dưới dạng thuốc bột, thuốc sắc, thuốc viên hoặc có thể kết hợp với một số vị thuốc khác. Tuy nhiên, liều dùng cụ thể của thảo quyết minh phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và tình trạng bệnh mắc phải. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này trong điều trị.
4.2. Một số lưu ý khi sử dụng thảo quyết minh
Khi sử dụng dược liệu thảo quyết minh trong điều trị, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Thảo quyết minh không được sử dụng cho người bệnh có tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng (tiêu chảy).
- Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy sử dụng thảo quyết minh là an toàn đối với phụ nữ có thai. Vì vậy, dược liệu này được sử dụng trong điều trị chứng mất ngủ ở phụ nữ có thai.
- Thảo quyết minh có thể tương tác với các thuốc cũng như thực phẩm mà bạn đang sử dụng. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng trong điều trị.
5. Bài thuốc y học cổ truyền từ thảo quyết minh
Một số bài thuốc y học cổ truyền có chứa thảo quyết minh như sau:
- Bài thuốc điều trị nấm da, hắc lào: Bạn dùng 20 g thảo thuyết minh đem ngâm trong 5 ml dấm và khoảng 40 – 50 ml rượu. Thời gian ngâm trong khoảng 10 ngày, cồn tạo thành dùng bôi lên vùng da cần điều trị.
- Bài thuốc chữa đau mắt đỏ, viêm kết mạc cấp tính, sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhiều: Đem sắc hỗn hợp gồm 9g thảo quyết minh, 9g dã cúc hoa, 6g mạn kinh tử, 6g mộc tặc. Nước sắc được dùng uống trong ngày.
- Bài thuốc điều trị cao huyết áp, đau đầu: Dùng dược liệu thảo quyết minh sao vàng, giã dập, ngâm với nước sôi nóng và để nguội đem uống thay nước khi khát.
- Bài thuốc điều trị mất ngủ, tim hồi hộp, cao huyết áp: Đem sắc hỗn hợp 20g thảo quyết minh, 15g mạch môn và 6g tâm sen sao. Nước sắc được dùng uống trong ngày.
Như vậy, thảo quyết minh là loại dược liệu có nhiều công dụng trong y học, đặc biệt là trong các bài thuốc y học cổ truyền điều trị các bệnh tăng huyết áp, nấm da, mất ngủ... Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn bạn nên nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
- Chế độ tiết thực cho bệnh nhân 60 tuổi bị tăng huyết áp
- Các tác dụng phụ có thể gặp của thuốc Dipsope 5
- Công dụng thuốc Clevidipine