Mục lục
Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất là một rối loạn nhịp thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh biểu hiện với tình trạng nhịp tim nhanh bất thường, nếu không được điều trị có thể gây những biến chứng nguy hiểm.
1. Cơn nhịp nhanh trên thất kịch phát là gì?
Nhịp nhanh kịch phát trên thất (PSVT) là một trong những bất thường về nhịp tim khá thường gặp, đặc trưng bởi các cơn nhịp tim rất nhanh so với bình thường. Nguyên nhân bắt nguồn từ tâm nhĩ nay đường truyền nhĩ thất.
Bình thường, tín hiệu đầu tiên phát ra xung động là ở nút xoang, sau đó truyền xung động qua hết tâm nhĩ, khiến cho tâm nhĩ co bóp. Sau đó sẽ qua nút nhĩ thất truyền xuống tâm thất, thông qua bo his và mạng lưới purkinje để qua hết tâm thất và khiến tâm thất co bóp. Các xung động truyền của xung động sẽ tương ứng với sự co bóp cơ tim, bình thường cơ chế tạo nhịp này từ 60 đến 90 lần/ phút, tương ứng với nhịp tim bình thường. Khi bất thường xảy ra do bất thường các xung động này hay bất thường đường truyền sẽ gây ra bất thường sự co bóp cơ tim.
Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất là một trong những ví dụ khá điển hình của rối loạn nhịp tim ở trẻ em. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả những người không có bệnh về tim. Trong cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất xuất hiện một đường truyền bất thường khác ngoài đường truyền nhĩ thất. Đường truyền này khiến cho tim tăng nhịp, gây ra cơn nhịp nhanh.
2. Phân loại cơn nhịp nhanh trên thất
Cơn nhịp nhanh trên thất được chia thành 3 loại hay gặp bao gồm:
- Tim nhanh do vào lại nút nhĩ thất: Đây là hình thái thường gặp nhất ở người lớn, đối với trẻ em dạng này thường gặp đứng thứ 2. Trường hợp này xảy ra khi do đường truyền kép chức năng hay trong phạm vi cạnh nút nhĩ thất có một điểm phát xung bất thường. Các xung động sẽ thông qua điểm bất thường và vòng lại gây cơn nhịp nhanh trên thất.
- Nhịp nhanh nhĩ: Trên tâm nhĩ xuất hiện thêm một số điểm phát xung điện bất thường. Các xung động này đủ mạnh để có thể tạo ra được một xung động qua nút nhĩ thất. Từ đó các xung động này sẽ gây ra những nhịp đập nhanh hơn với bình thường.
- Hội chứng W.P.W( wolff parkinson white): Đây là tình trạng chủ yếu gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cơn nhịp nhanh xuất phát do đường truyền phụ. Nghĩa là ngoài đường truyền chính thông qua nút nhĩ thất thì trong hội chứng W.P.W thì có một đường truyền phụ khác xuất hiện, đường truyền xung động này nhanh hơn thông quan nút nhĩ thất.
Như vậy, cơn nhịp nhanh trên thất kịch phát ở trẻ nhỏ thường gặp nhất là do hội chứng WPW gây ra. Đa số hội chứng này do nguyên nhân tự phát và một số trường hợp do nguyên nhân thứ phát như bệnh cơ tim phì đại, một số bệnh cơ tim khác...
3. Dấu hiệu nhận biết cơn nhịp nhanh trên thất ở trẻ em
- Cơn nhịp nhanh trên thất có những biểu hiện theo từng cơn cho nên trẻ có thể có tiền sử xuất hiện cơn nhịp nhanh trước đó.
- Cơn nhịp nhanh xuất hiện khoảng thời gian ngăn, xuất hiện đột ngột và cũng hết đột ngột. Trong cơn thấy các biểu hiện như mệt, đau ngực, khó thở, hồi hộp, sờ thấy mạch nhanh, trẻ quấy khóc, bứt rứt, vật vã, mồ hôi nhiều, nôn, nặng có thể co giật và ngất.
- Thăm khám: Thấy mạch rất nhanh, thở nhanh, một số trường hợp khám thấy diện tim đập lớn. Nghe phổi có thể thấy rale ẩm.
4. Cách chẩn đoán cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất ở trẻ em
Ngoài những biểu hiện lâm sàng thì để xác định thì cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng.
- Điện tim (ECG): Đây là xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh. Trên điện tim thấy tần số tim khoảng từ 150 đến 300 lần/phút. Sóng P có thể thấy hoặc không và có thể trước hay sau phức bộ QRS. Phức bộ QRS T có thể bình thường hay giãn rộng.
- Xquang ngực thẳng: Có thể thấy bóng tim to.
- Nếu nghi ngờ tình trạng sốc thì cần làm thêm xét nghiệm như sinh hóa máu, công thức máu, điện giải đồ, tổng phân tích nước tiểu.
5. Điều trị cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất ở trẻ em như thế nào?
Nhịp nhanh kịch phát trên thất hiếm khi đe dọa tính mạng, nếu cơn nhịp nhanh không thường xuyên và cơn xuất hiện ngắn thì không cần điều trị. Trường hợp các cơn xuất hiện thường xuyên và khó kiểm soát nếu không điều trị thì cơn nhịp nhanh có xu hướng tăng số cơn và nếu kéo dài sẽ có những nguy cơ ảnh hưởng tới chức năng tim.
Mục tiêu điều trị cơn nhịp nhanh trên thất ở trẻ gồm điều trị để cắt cơn nhịp nhanh, điều trị duy trì ngăn ngừa các cơn tái phát và điều trị nguyên nhân.
5.1 Điều trị cắt cơn
Theo dõi điện tim bằng monitor và xử lý bằng một số biện pháp kích thích dây thần kinh X như sau:
- Phản xạ lặn: Được áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi. Cần chuẩn bị một đường truyền tĩnh mạch để phòng ngừa trường hợp nhịp xuống chậm quá hay ngừng thở. Thực hiện bằng cách cho nước đá vào một găng tay, buộc kín lại đặt lên mặt trẻ trong vòng 20 giây.
- Nghiệm pháp xoa xoang cảnh: Áp dụng cho trẻ lớn hơn. Trẻ nằm ngửa, cổ duỗi và quay cổ sang một bên. Người thực hiện dùng hai ngón tay 2 và 3 đặt vào vị trí xoang cảnh và cảm nhận mạch cảnh đập, vừa ấn nhẹ vừa xoa khoảng 15-20 giây, quanh sát ECG, ngừng nếu như nhịp đã chậm lại. Đầu tiên làm bên phải, nếu thất bại chờ 2 phút rồi làm lại bên trái.
- Nghiệm pháp valsava: Được áp dụng cho những trẻ lớn, có thể hợp tác khi yêu cầu thực hiện. Trẻ hít một hơi thật sâu sau đó yêu cầu trẻ thở ra và rặn mạnh giống như động tác khi đại tiện, phồng miệng và một tay đang bịt mũi lại. Giữ nguyên động tác này trong khoảng 10 giây, theo dõi điện tim và yêu cầu bệnh nhân hít thở bình thường. Thực hiện động tác nếu như cơn nhịp nhanh chưa được kiểm soát.
5.2 Điều trị phòng ngừa
- Những trường hợp trẻ xuất hiện cơn không thường xuyên, dễ kiểm soát cơn và không kèm theo các biểu hiện nặng như ngất thì không cần điều trị cắt cơn.
- Nếu trẻ cơn nhịp nhanh thường xuyên hơn, nhưng không kèm theo các biểu hiện nặng thì bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc uống để ngừa cơn xuất hiện như chẹn kênh beta, chống loạn nhịp...
- Nếu như trẻ lên cơn thường xuyên, các biểu hiện nặng trong cơn và điều trị thuốc thất bại thì thường được điều trị ngừa cơn bằng sóng cao tần. Phương pháp này sử dụng năng lượng tạo ra từ sóng năng lượng tần số, rồi tiến hành đốt những phần mô tim được xác định chính là nguyên nhân gây rối loạn điện tim. Phương pháp này có hiệu quả cao và hiện nay được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Những trường hợp nếu xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh thì cần phối hợp điều trị thêm nguyên nhân để ngăn ngừa cơn nhịp nhanh trên thất tái phát.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất ở trẻ em không đe dọa tính mạng nếu như các biểu hiện nhẹ và cơn xuất hiện không thường xuyên. Tuy nhiên, nó làm tăng nguy cơ suy tim, đau thắt ngực và những biến chứng tim mạch khác. Do đó, nếu có những biểu hiện của bệnh thì việc điều trị nên thực hiện càng sớm càng tốt.
- Tổng quan về bệnh U nhày nhĩ (Atrial Myxoma)
- Đau nhói ngực trái khi gặp stress là sao?
- Điều trị nhồi máu não