Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Đăng Tuân - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Nhiễm độc thủy ngân có thể gây ra nhiều tổn thương cho gan, não, phổi và thần kinh. Con người có thể bị nhiễm độc thủy ngân cấp tính hoặc mạn tính khi tiếp xúc, nuốt, hay hít phải hơi của kim loại này.
1. Nhiễm độc thủy ngân thường do nguyên nhân nào?
Thủy ngân là một kim loại ở thể lỏng, không tan trong nước và có thể dễ dàng bốc hơi ở nhiệt độ phòng. Nhiễm độc thủy ngân (hay còn gọi là ngộ độc thủy ngân) là một dạng ngộ độc kim loại do phơi nhiễm với thủy ngân dưới dạng nguyên tố, dạng bay hơi hoặc dạng muối vô cơ hoặc hợp chất hữu cơ.
Con người có thể bị nhiễm độc thủy ngân sau một thời gian phơi nhiễm với kim loại này, các dạng phơi nhiễm có thể gặp bao gồm: phơi nhiễm theo đường tiêu hóa do ăn các thực phẩm tự nhiên có chứa thủy ngân dạng muối vô cơ hoặc hợp chất hữu cơ như ăn ngừ vây dài (cá ngừ trăng), cá kiếm, cá mập, cá thu vua và cá ngói (đặc biệt được đánh bắt tại khu vực Vịnh Mexico)...; phơi nhiễm theo đường không khí do hít thủy ngân bay hơi (chuyển dạng hơi tại nhiệt độ phòng), là dạng nguy hiểm nhất và rất độc; phơi nhiễm do tiếp xúc trực tiếp qua da (dạng thủy ngân bay hơi) hoặc do trám răng bằng hỗn hống, hoặc tiếp xúc với thủy ngân trong môi trường xung quanh (do nghề nghiệp, sống gần nguồn phơi nhiễm).
Thực tế, những loài cá ở vị trí càng cao trong chuỗi thức ăn, cá săn mồi càng to, sống ở biển sâu, thì tích lũy thủy ngân hữu cơ trong chúng càng lớn hoặc các thực phẩm có vỏ như một số loài ốc.
Trong cuộc sống ngày càng hiện đại hiện nay, phơi nhiễm với thủy ngân cũng khá phổ biến do môi trường làm việc, hoặc tệ hơn là do tai nạn gây rò rỉ, làm hóa hơi và phát tán kim loại này ra môi trường xung quanh đặc biệt từ các nguồn nguyên liệu công nghiệp có chứa thành phần thủy ngân như nhiệt kế, áp kế, áp suất kế, van phao, công tắc thủy ngân, rơ le thủy ngân, sản xuất bóng đèn huỳnh quang và các thiết khác.
2. Dấu hiệu cơ thể bị nhiễm độc thủy ngân
Sau khi phơi nhiễm cấp tính với thủy ngân qua đường da, con người có biểu hiện ngộ độc cấp thủy ngân cấp trên da như dị cảm hoặc ngứa, rát, sưng, đau, hoặc cảm giác như côn trùng nhỏ bò trên hoặc dưới da, đổi màu da, và bong tróc da.
Nếu phơi nhiễm thủy ngân cấp tính qua đường khí (hít phải khí thủy ngân) hoặc đường ăn uống, người bị nhiễm độc có thể có các biểu hiện bị ra mồ hôi nhiều, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt và tăng huyết áp. Trẻ em bị ngộ độc có thể có má, mũi và môi đỏ hồng, rụng tóc, răng và móng, phát ban trên da trong thời gian ngắn, yếu cơ và tăng nhạy cảm với ánh sáng. Giải thích cho hiện tượng này là do thủy ngân gây ức chế không hồi phục các enzym (COMT – catechol O methyl transferase) cần thiết cho quá trình dị hóa catecholamine (là một chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh).
Trẻ em ngộc độc thủy ngân có thể biểu hiện má, mũi và môi đỏ hồng; rụng tóc, răng và mòng, phát ban thoáng qua, yếu cơ và tăng nhạy cảm với ánh sáng, ngoài ra có thể gặp rối loạn chức năng thận hoặc các dấu hiệu tâm thần kinh như mất cảm xúc, giảm trí nhớ hoặc mất ngủ.
3. Nhiễm độc thủy ngân gây bệnh gì?
Thủy ngân là nguyên tố (dạng lỏng) ít độc nhưng dạng khí và các hợp chất hữu cơ và muối vô cơ của nó thì lại vô cùng độc hại. Đây là nguyên nhân gây ra các tổn thương não và gan khi con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải.
Một trong những hợp chất độc nhất là Dimetyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài microlit rơi vào da có thể gây tử vong. Phơi nhiễm mức độ cao với methyl thủy ngân gây ngộ độc được gọi là bệnh Minamata, cơ chế gây bệnh là do chúng tấn công vào hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, đồng thời ảnh hưởng tới miệng, các cơ hàm mặt và răng. Phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não và gây tử vong. Ở phụ nữ mang thai, phơi nhiễm với methyl thủy ngân có thể gây ra sảy thai, khuyết tật, dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Nhiễm độc thủy ngân gây nhiều nguy hại đến cơ thể tùy theo con đường phơi nhiễm:
- Hít phải thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến bệnh nhân có các triệu chứng ho, khó thở, đau rát, cảm giác tức ngực, có thể sốt. Những triệu chứng này thường sẽ dịu bớt đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp, co giật và tử vong.
- Ăn phải thực phẩm có chứa thủy ngân hữu cơ, thường gặp nhất là ở các loại cá biển, gây nhiễm độc thủy ngân mạn tính. Biểu hiện thường xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần tùy thuộc vào lượng thủy ngân mà cơ thể hấp thụ phải. Biểu hiện của thần kinh là dị cảm, thất điều, bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, giảm thính giác và loạn vận ngôn, thu hẹp thị trường, rối loạn tâm thần, run cơ, rối loạn cử động, thậm chí có thể tử vong.
- Ngộ độc mạn do hít thủy ngân gây tam chứng kinh điển: viêm lợi và chảy nước miếng, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh. Trẻ em thường mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định, kém ăn, vẻ buồn bã.
- Nuốt phải thủy ngân vô cơ gây phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu. Trường hợp này thường chỉ hay gặp ở trẻ em khi nghịch ngợm không may nuốt phải pin đồng hồ. Sau vài ngày, bệnh có thể biến chuyển thành hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong.
Nhiễm độc thủy ngân gây nguy hại cho cơ thể nhưng có thể phòng tránh được bằng cách giảm thiểu phơi nhiễm với chúng. Trường hợp nhận thấy những dấu hiệu nhiễm độc, người bệnh cần áp dụng ngay các biện pháp tẩy độc ban đầu bằng rửa bằng xà phòng và nước sạch nếu là phơi nhiễm theo đường da và đến bệnh viện để kiểm tra ngay để được điều trị kịp thời, tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
- Hướng dẫn xử trí khi bị ngộ độc thủy ngân
- Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân
- Giải độc thủy ngân: Thông tin cần biết