Mục lục
Đánh cảm hay đánh gió cho trẻ em là một trong những phương pháp dân gian dùng để chữa bệnh đã có từ rất lâu. Người xưa quan niệm rằng đánh gió cho trẻ em giúp loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể và giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Vậy trong y học, có nên đánh gió cho trẻ em?
1. Phương pháp đánh gió cho trẻ em là gì?
Đánh gió hay đánh cảm, cạo gió là phương pháp điều trị đông y phổ biến ở nước ta, thường được kết hợp với việc xông hơi, xoa bóp, thậm chí châm cứu, thuốc hay dưỡng sinh. Đây là phương pháp đơn giản không cần đến sự tham gia của nhân viên y tế và thường được áp dụng trong nhiều gia đình vì tính an toàn và rẻ tiền, dễ thực hiện của nó. Mục đích của phương pháp đánh gió cho trẻ em là loại bỏ các độc tố trong cơ thể, giúp trẻ nhanh khỏi bệnh và cảm thấy dễ chịu hơn.
Mặc dù không có nhiều nghiên cứu khoa học đánh giá khả năng chữa trị của phương pháp đánh gió cho trẻ em, nhưng nó vẫn phát triển và lưu truyền trong cuộc sống hằng ngày. Trong đông y, phương pháp đánh cảm được đánh giá có những tác dụng sau:
- Đả thông khí huyết, kinh mạch
- Thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể
- Tăng cường việc thải độc tố ra ngoài
- Giãn cơ, thư giãn
- Loại bỏ mệt mỏi
Đánh cảm cho trẻ em thường được thực hiện trong các tình huống:
- Khi cảm cúm: đau đầu, sốt, hắt hơi, tắc mũi, ớn lạnh, sợ gió
- Khi đau đầu, đau lưng đơn thuần
- Chóng mặt
- Mệt mỏi, sốt
- Khi bị cảm nắng: cảm giác nặng đầu, khô miệng, khát, ra mồ hôi, nước tiểu ít, vàng đậm, họng đỏ
2. Có nên đánh gió cho trẻ dưới 1 tuổi?
Mặc dù nhiều người tin vào hiệu quả của phương pháp đánh cảm và áp dụng cho nhiều đối tượng ở mọi lứa tuổi, các chuyên gia về đông y cho rằng không nên đánh cảm cho trẻ em nói chung, đặc biệt những đứa trẻ dưới 1 tuổi.
Bố mẹ không nên áp dụng phương pháp đánh cảm cho trẻ em nói chung vì những nguy cơ sau:
- Da của trẻ em là làn da non nớt, rất nhạy cảm và mỏng manh. Trong khi đó, động tác đánh cảm chủ yếu là lực ma sát, tạo ra nhiệt lượng lớn. Điều này sẽ gây ra các tổn thương trên da của bé như chảy máu, xung huyết, tạo sẹo, thậm chí nhiễm trùng.
- Đánh gió cho trẻ em thường áp dụng trong các trường hợp trẻ có biểu hiện cảm cúm. Khi đó, thông thường trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao. Triệu chứng này có thể trầm trọng hơn nếu đánh gió cho trẻ em vì nó sản sinh ra nhiệt lượng khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn. Trẻ sốt cao kéo dài không được chữa trị sẽ đối diện với nhiều nguy cơ như co giật, hôn mê.
- Ở đối tượng là trẻ nhỏ, diễn tiến bệnh thường xuất hiện đột ngột và diễn tiến nhanh. Nếu bố mẹ đặt quá nhiều niềm tin vào phương pháp đánh gió cho trẻ mà làm chậm trễ việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế có thể nguy hiểm. Tỷ lệ biến chứng và nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ sẽ tăng cao.
3. Một số phương pháp chăm sóc trẻ bị cảm lạnh
Trong nhiều trường hợp, bố mẹ có thể tự điều trị cảm lạnh cho trẻ tại nhà. Lưu ý không nên đánh gió cho trẻ em để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Một số phương pháp sau là gợi ý cách chăm sóc trẻ mà bố mẹ có thể thực hiện ở nhà để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn:
- Cho trẻ uống nhiều nước. Bổ sung đủ lượng dịch là nguyên tắc rất quan trọng để phòng tránh biến chứng mất nước. Sữa công thức hoặc sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ nhỏ. Khuyến khích bé bổ sung đủ lượng chất lỏng thông thường. Cho bé uống thêm các loại chất lỏng khác là không cần thiết đối với trẻ ở trong độ tuổi bú mẹ hoàn toàn. Nếu đang cho con bú sữa mẹ, hãy duy trì và tăng cường lượng sữa cung cấp cho trẻ. Sữa mẹ cung cấp thêm khả năng bảo vệ trẻ khỏi một số tác nhân gây bệnh nhờ sự có mặt của kháng thể trong sữa mẹ.
- Hút mũi cho bé. Giữ cho đường mũi của trẻ được thông thoáng bằng các loại ống hút có bầu cao su. Bóp ống để đẩy hết không khí ra ngoài. Sau đó nhét đầu bóng có kích thước khoảng 6 đến 12 mm vào lỗ mũi của bé, hướng về phía sau và một bên thành mũi. Thả bóng, và giữ cố định dụng cụ trong lỗ mũi của bé để hút chất nhầy từ mũi của bé. Rút ống tiêm ra khỏi lỗ mũi của bé và đổ hết chất này vào khăn giấy bằng cách bóp nhanh bầu thuốc trong khi giữ đầu ống thuốc xuống. Lặp lại thường xuyên nếu cần cho từng bên mũi. Sau khi hút mũi cho bé, cần làm sạch ống hút bằng xà phòng và nước, để khô ráo trước khi sử dụng cho lần tiếp theo.
- Thử nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Bác sĩ của bé có thể đề nghị nhỏ nước muối sinh lý để làm ẩm đường mũi và làm lỏng chất nhầy đặc ở mũi. Bố mẹ có thể tìm mua nước muối sinh lý ở các hiệu thuốc gần nhà mà không cần đơn bác sĩ. Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi, đợi một khoảng thời gian ngắn rồi dùng bầu hút để hút chất nhầy ra khỏi từng lỗ mũi.
- Làm ẩm không khí. Đặt máy làm ẩm không khí trong phòng của bé có thể làm dịu triệu chứng nghẹt mũi. Bố mẹ cần thường xuyên thay mới nước hàng ngày và tuân thủ theo các hướng dẫn của nhà sản xuất để luôn giữ vệ sinh thiết bị.
Về mặt y khoa, không có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh cảm lạnh thông thường. Các phương pháp điều trị chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng mà bé gặp phải. Tương tự, phương pháp đánh gió cho trẻ em được lưu truyền trong dân gian cũng không có khả năng chữa bệnh mà còn có thể gây hại cho bé.
Hầu hết các trường hợp cảm lạnh thông thường đều thuyên giảm mà không cần điều trị, thường trong vòng một tuần đến 10 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Thuốc kháng sinh chỉ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và không có tác dụng chống lại vi rút gây cảm lạnh. Cố gắng làm cho bé dễ chịu hơn bằng các biện pháp như đảm bảo bé uống đủ nước, hút chất nhầy ở mũi và giữ không khí ẩm như đã kể trên. Thuốc không kê đơn nói chung nên tránh cho trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số loại thuốc mà trẻ có thể phải sử dụng để giảm các triệu chứng của một đợt cảm lạnh:
- Thuốc hạ sốt: Bố mẹ có thể sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường nếu cơn sốt khiến trẻ khó chịu. Tuy nhiên, những loại thuốc này không có khả năng giết chết các loại vi rút gây cảm lạnh. Sốt là một phần phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh. Để điều trị sốt hoặc đau ở trẻ em, hãy cân nhắc cho con bạn dùng thuốc hạ sốt và giảm đau không kê đơn của trẻ sơ sinh hoặc trẻ em như acetaminophen hoặc ibuprofen, sự thay thế an toàn hơn so với aspirin. Bố mẹ không được tự ý cho trẻ dưới 3 tháng tuổi uống acetaminophen khi không có sự đồng ý của bác sĩ. Không dùng ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc trẻ bị nôn liên tục và mất nước. Sử dụng các loại thuốc này trong thời gian ngắn nhất chỉ khi có triệu chứng sốt hoặc đau. Khi cho trẻ uống thuốc giảm đau, hãy tuân thủ các hướng dẫn về liều lượng một cách cẩn thận. Gọi cho bác sĩ của bạn nếu bạn có thắc mắc về liều lượng phù hợp cho bé. Trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc các triệu chứng giống như cúm không bao giờ được dùng aspirin. Lí do là bởi vì aspirin có liên quan đến hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng ở trẻ em như vậy.
- Thuốc ho và cảm lạnh: Thuốc ho và cảm lạnh không phải luôn an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn không điều trị được nguyên nhân gây ra bệnh cảm lạnh của trẻ, không những sẽ không làm bệnh này biến mất sớm hơn mà chúng còn có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Thuốc ho và thuốc cảm có khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm quá liều gây tử vong ở trẻ em dưới 2 tuổi. Không sử dụng thuốc không kê đơn, ngoại trừ thuốc hạ sốt và giảm đau, để điều trị ho và cảm lạnh ở trẻ em dưới 6 tuổi. Cũng nên cân nhắc tránh sử dụng những loại thuốc này cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Ho kéo dài cảnh báo bệnh lý gì? Có nguy hiểm không?
- Công dụng thuốc Hasalbu 2
- Cách dùng thuốc điều trị dự phòng hen phế quản