Mục lục
Có nên cho trẻ dùng xe tròn tập đi không? Là băn khoăn của không ít cha mẹ đang có con nhỏ trong giai đoạn tập đi. Theo đó, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên sử dụng xe tập đi cho bé vì có thể gây ra nhiều rủi ro. Vậy thực hư có nên cho trẻ đi xe tập đi không? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có thông những thông tin hữu ích!
1. Trẻ học đi như thế nào?
Hầu hết trẻ sơ sinh đều vượt qua các mốc sau trước khi tự bước đi:
- Lăn trên sàn
- Ngồi
- Bò, leo hoặc níu vào đồ vật để đứng lên
- Di chuyển xung quanh đồ vật cố định xung quanh
Điều này có nghĩa là trẻ sơ sinh cần dành nhiều thời gian để học hỏi và thực hành các hoạt động này để có thể bước đi.
2. Có nên cho trẻ dùng xe tập đi?
Một số cha mẹ tin rằng xe tập đi rất hữu ích cho trẻ sơ sinh vừa hỗ trợ con tập đi và vui đùa. Tuy nhiên, đây không phải là điều đúng đắn bởi dụng cụ này có thể nguy hiểm và làm chậm quá trình phát triển của con bạn.
Bắt đầu từ khi trẻ 6 tháng tuổi, các con rất thích đứng thẳng và thích di chuyển để có thể khám phá và làm chủ mọi thứ. Tuy nhiên, cha mẹ có thể sử dụng các dụng cụ khác vừa an toàn vừa giúp con đứng thẳng, chẳng hạn như tập với giá đứng cố định.
Nhiều phụ huynh mua thiết bị này vì cho rằng xe tập đi giúp bé tập đi nhanh hơn. Tuy nhiên, điều ngược lại mới đúng. Xe tập đi không giúp em bé phát triển khả năng đi bộ mà gây cản trở hoặc trì hoãn quá trình phát triển và đạt được những cột mốc vận động quan trọng. Thời gian bé ngồi xe tập đi càng nhiều thì càng bị chậm phát triển hơn.
Xe tập đi có thể mang lại cho người chăm sóc cảm giác an toàn giả tạo và khiến họ nghĩ rằng không cần quan sát em bé quá nhiều. Vì vậy, phụ huynh được khuyến nghị nên nói không với xe tập đi cho bé.
Thực tế, xe tập đi có thể làm chậm quá trình phát triển vận động (đi bộ) của bé. Bởi con sẽ bỏ lỡ việc thực hành các chuyển động lặp đi lặp lại quan trọng cần thiết trước khi tập đi. Trẻ sơ sinh có xu hướng sử dụng ngón chân khi ngồi xe tập đi, điều này làm căng cơ chân và cản trở sự phát triển đi lại bình thường. Sau khi ra khỏi khung xe tập đi, chúng thường muốn tiếp tục sử dụng các ngón chân của mình theo cách tương tự, và đó không phải là cách để trẻ có thể bước đi.
Khi con ngồi và tự kéo mình lên, chúng đang học cách giữ thăng bằng. Em bé không biết cách giữ thăng bằng trong xe tập đi, làm chậm việc học kỹ năng quan trọng này. Sử dụng xe tập đi cũng đồng nghĩa với việc dành ít thời gian hơn cho tay và đầu gối ở tư thế trườn hoặc bò. Kiểu vận động này rất quan trọng để phát triển khả năng chịu trọng lượng cơ thể của cả xương chậu và vai.
Ngoài ra, cần có nhiều chuyển động quan trọng khác khi trẻ đang phát triển kỹ năng đi bộ, nhưng trẻ có ít cơ hội thực hành những động tác này trên xe tập đi hơn so với khi tập đi trực tiếp trên sàn.
3. Mối hiểm nguy của xe tập đi
Xe tập đi không được khuyến khích ở Úc và chúng bị cấm ở Canada. Thiết bị này được coi là không an toàn vì chúng di chuyển rất nhanh. Em bé của bạn cũng cao hơn khi đứng thẳng trên xe tập đi và có thể với tới những thứ mà chúng thường không thể tiếp cận.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nhi khoa, từ năm 1990 đến năm 2014, hơn 230.000 trẻ em dưới 15 tháng tuổi đã được điều trị tại các khoa cấp cứu của Hoa Kỳ vì chấn thương liên quan đến xe tập đi. Thậm chí, vào năm 2014, 2.000 trẻ mới biết đi phải nhập vào các phòng cấp cứu vì chấn thương do xe tập đi. Phần lớn thương tích xảy ra khi trẻ em bị ngã cầu thang trên xe tập đi, thường là chấn thương ở đầu hoặc cổ, đôi khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Những nguy cơ tiềm ẩn mà xe tập đi có thể mang lại bao gồm:
- Ngã xuống cầu thang
- Đâm vào thứ gì đó sắc nhọn hoặc cứng
- Lật úp trong khi di chuyển
- Bị lật đổ bởi một đứa trẻ khác lớn tuổi hơn
- Tăng cơ hội tiếp cận dây điện hoặc tủ đựng chén có các hóa chất độc hại
- Di chuyển nhanh chóng đến các khu vực nguy hiểm như lò sưởi, lò nướng hoặc hồ bơi
- Có thể với tới đồ uống nóng trên bàn hoặc các vật nguy hiểm khác
Mỗi năm, ở Úc có nhiều trẻ sơ sinh bị thương khi sử dụng xe tập đi. Một số trường hợp bị thương nặng do vết bỏng , vết cắt, chấn thương đầu, gãy xương, ngộ độc và đuối nước; một số thậm chí tử vong.
4. Hướng dẫn an toàn dành cho bé dùng xe tập đi
Mặc dù, trẻ có thể gặp phải những rủi ro lớn hơn so với những lợi ích mà xe tập đi đem lại nhưng cha mẹ đã quyết định mua thiết bị này thì cần lưu ý một số điều sau:
- Đảm bảo rằng xe tập đi tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm tiêu dùng.
- Luôn ở gần trẻ và lưu ý rằng chúng có thể di chuyển đến những nơi nguy hiểm chỉ trong một thời gian ngắn khoảng vài giây.
- Đảm bảo rằng xe tập đi chỉ có thể được sử dụng trên một bề mặt phẳng, không được phép tiếp cận với các bậc thang hoặc cầu thang.
- Chỉ sử dụng ở khu vực được bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ. Điều này có nghĩa là không để xe tập đi gần với các vật nguy hiểm như dây điện, đồ uống nóng, hóa chất tẩy rửa, bếp lửa, lò sưởi, hồ bơi hoặc nhà vệ sinh.
- Chọn xe tập đi có khóa để ngăn xe di chuyển khi bạn muốn và có cơ cấu phanh.
- Không sử dụng xe tập đi trước khi bé biết ngồi hoặc sau khi bé đã biết đi.
- Không đặt trẻ trong xe tập đi lâu hơn 15 phút.
Lưu ý: Các tiêu chuẩn đánh để đánh giá loại xe tập đi an toàn
- Có phanh để giúp ngăn rơi xuống cầu thang
- Có tờ cung cấp thông tin cụ thể về hướng dẫn an toàn
- Luôn giữ cho em bé trong tầm nhìn
- Chỉ sử dụng xe tập đi trên bề mặt phẳng, không có vật cản gây lật và tránh xa tất cả các vật có thể cháy thử
Cuối cùng, phụ huynh có thể tạo các điều kiện để hỗ trợ các con bước đi an toàn như: Dành nhiều thời gian trên sàn nhà; Đặt bé gần các đồ nội thất mềm để giúp bé vịn vào và tự đứng lên; Giới hạn một khu vực an toàn để bé có thể chơi và di chuyển.
- Trẻ té ngã có dấu hiệu giật mình, ngủ lơ mơ có nguy hiểm không?
- Hội chứng sau té ngã ở người cao tuổi
- Bị té ngã: Khi nào cần đi khám?