Mục lục
Trẻ sơ sinh nên bắt đầu ăn dặm khi bắt đầu được khoảng 6 tháng tuổi. Lúc này, trẻ đã có thể ngồi dậy và không còn phản xạ đẩy thức ăn ra khỏi miệng. Ăn dặm có nghĩa là bố mẹ cho trẻ ăn các loại thực phẩm khác không phải sữa, cho trẻ ăn thức ăn dạng đặc và thức ăn dạng viên. Vậy có nên cho trẻ bú sau khi ăn dặm hay không?
1. Tìm hiểu về quá trình ăn dặm của trẻ
Ăn dặm không có nghĩa là trẻ sẽ ngừng bú hoàn toàn. Ăn dặm bắt đầu khi trẻ có thể bổ sung các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Quá trình ăn dặm sẽ kết thúc khi trẻ hoàn toàn không bú sữa mẹ nữa. Các bà mẹ có thể quyết định ngừng cho con bú khi trẻ được 6 hoặc 12 tháng tuổi, thậm chí trước đó. Một số bà mẹ có thể thấy bắt đầu nghĩ đến việc cai sữa và cho trẻ ăn dặm khi chuẩn bị trở lại làm việc. Ngược lại, những đứa trẻ thậm chí có thể bắt đầu việc ăn dặm trước khi mẹ của chúng sẵn sàng, nhưng điều này ít phổ biến hơn.
Các tổ chức y khoa trên thế giới đều thống nhất rằng nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc vào khoảng sáu tháng. Việc bú sữa mẹ tốt nhất nên được tiếp tục trong khi cho trẻ ăn dặm cho đến ít nhất 12 tháng. Một số lợi ích sức khỏe cho trẻ khi được ăn dặm đúng độ tuổi được khuyến cáo như sau:
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa
- Hạn chế nguy cơ sặc thức ăn vào đường thở
- Giúp hệ tiêu hóa và thận trưởng thành hơn
- Giảm nguy cơ dị ứng như hen suyễn và chàm
Các bà mẹ không nên quá lo lắng về thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Trẻ sẽ cho chúng ta các gợi ý về việc chúng đã sẵn sàng cho việc ăn dặm khi có các biểu hiện sau:
- Trẻ có thể ngồi dậy vững
- Phản xạ đẩy lưỡi đưa thức ăn ra ngoài xuất hiện
- Trẻ có thể nhai
- Trẻ có thể gắp thức ăn và cho vào miệng
Để bắt đầu cho trẻ ăn dặm một cách an toàn và hiệu quả, bố mẹ nên lưu ý các điều sau:
- Đảm bảo mọi thứ dùng để cho trẻ ăn đều sạch sẽ
- Bắt đầu bằng cách cho trẻ ăn từng lượng nhỏ, một hoặc hai muỗng cà phê thức ăn mỗi ngày
- Nghiền hoặc sử dụng máy xay để chế biến thức ăn và trộn với sữa mẹ đã vắt ra hoặc nước đun sôi để nguội
- Cho trẻ ăn khi trẻ được thư giãn
- Đun kỹ thức ăn, để nguội và thử trước khi cho trẻ ăn
- Cho ăn theo tốc độ của bé và cho phép chúng làm quen với các khẩu vị và nhiều kết cấu thức ăn khác nhau
- Không sử dụng lại thức ăn thừa
- Không thêm thức ăn vào bình sữa của trẻ vì điều này có thể làm hỏng răng và gây sặc
2. Một số loại thực phẩm bổ sung cho trẻ trong quá trình ăn dặm
Thức ăn thích hợp cho việc ăn dặm của trẻ bao gồm:
- Gạo trẻ em
- Cà rốt nghiền, khoai tây hoặc bông cải xanh
- Trái cây nghiền như chuối, táo hầm hoặc lê
- Thịt bò, thịt cừu hoặc thịt gà
Theo đó, cha mẹ cần chú ý không thêm đường hoặc muối vào thức ăn của trẻ. Khi trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, bố mẹ có thể giới thiệu các loại thức ăn mới như:
- Bánh mì, mì ống và ngũ cốc ăn sáng có chứa gluten
- Trứng nấu chín kỹ
- Phô mai tiệt trùng
- Sữa chua
Bố mẹ nên cho bé làm quen với nhiều khẩu vị khác nhau ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm bạn không nên cho trẻ ăn như:
- Thức ăn có vị mặn vì thận của bé không thể đối phó với muối
- Mật ong, vì nó là đường và không phù hợp với trẻ sơ sinh dưới một tuổi
- Đậu phộng
- Pho mát chưa tiệt trùng
- Trứng sống
- Thức ăn có đường
3. Nên cho trẻ bú đến khi nào?
Một số người nhầm lẫn rằng bắt đầu cho trẻ ăn dặm đồng nghĩa với việc ngừng bú mẹ hoàn toàn. Đôi khi các bà mẹ nhầm tưởng rằng họ cần phải ngừng cho con bú khi không cần thiết. Việc cho con bú là một cách tuyệt vời để duy trì sự thân mật trong quá trình lớn lên của trẻ. Nếu phải quay trở lại công việc, người phụ nữ có thể vắt sữa cho con tại nơi làm việc và thiết lập giờ cho trẻ bú trực tiếp từ vú mẹ vào các khoảng thời gian đặc biệt như đầu ngày và cuối ngày. Hoặc nếu bạn phải đi công tác xa, bạn có thể vắt sữa để sẵn. Khi bị ốm, không phải lúc nào bạn cũng cần phải ngừng cho con bú mà hãy tham khảo lời khuyên của bác sĩ về vấn đề này.
Bắt đầu cho trẻ ăn dặm là thời điểm giảm dần lượng sữa mẹ cung cấp cho trẻ nhưng không phải cắt bỏ hoàn toàn. Một cách lý tưởng là việc ăn dặm nên bắt đầu khi trẻ 6 tháng tuổi và kéo dài cho đến khi sữa mẹ được thay thế hoàn toàn bởi các loại thức ăn đặc. Nhiều chuyên gia khuyên rằng các bà mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu tiên và có thể kéo dài liên tục trong 2 năm đầu đời của trẻ trước khi cai sữa hoàn toàn.
Nếu bạn cảm thấy không thể tiếp tục cho con bú sữa mẹ cho đến thời điểm 6 tháng và muốn thử cai sữa chủ động, hãy bắt đầu bằng cách cắt bỏ một cữ bú mỗi ngày và thay thế bằng một bình sữa công thức. Tốt nhất, hãy cắt bỏ cữ bú giữa ngày, chú ý vệ sinh tốt khi chuẩn bị thức ăn. Có thể trẻ bú ít sữa mẹ từ bình bú trong thời gian đầu và đừng ép chúng uống nhiều sữa hơn nhu cầu. Có thể người phụ nữ sẽ nhận thấy ngực căng và mềm khi cơ thể thích nghi với việc tiết ra ít sữa hơn. Nếu điều này trở nên khó chịu, hãy thử vắt một ít sữa mẹ để giảm bớt cảm giác khó chịu mà không kích thích cơ thể tiết ra nhiều hơn.
Khi trẻ bắt đầu được cung cấp thức ăn đặc vào khoảng sáu tháng, bạn sẽ thấy rằng các cữ bú của con tự nhiên trở nên ít thường xuyên hơn theo thời gian. Trong vòng một năm, trẻ có thể sẽ giảm vài cữ bú mỗi ngày và được bổ sung bằng các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ lành mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cắt giảm nhiều hơn nữa, hãy thực hiện dần dần. Chỉ nên cho trẻ uống sữa bò cho đến khi trẻ được ít nhất một tuổi.
Ngoài ra, nếu bạn lựa chọn để trẻ quyết định thời điểm ngừng bú mẹ một cách tự nhiên, quá trình cai sữa có thể diễn ra chậm hơn và từ từ. Trong nhiều tháng, những lần bú của trẻ có thể sẽ ngắn hơn và ít thường xuyên hơn. Lúc này, cơ thể người phụ nữ sẽ có nhiều thời gian để thích nghi, vì vậy sẽ không gặp phải tình trạng căng sữa khó chịu nào. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy khó khăn về mặt tình cảm, vì vậy hãy dành thời gian cho những giây phút âu yếm và gắn kết cùng trẻ.
4. Ăn dặm và sức khỏe của bà mẹ
Khi ngừng cho con bú, các bà mẹ nên thực hiện từ từ. Bằng cách này, trẻ có thể dần quen với sự thay đổi trong thói quen, chế độ ăn uống và cơ thể người phụ nữ cũng có thời gian làm quen với việc không tạo sữa.
Nếu quyết định cai sữa đến từ phía người mẹ và bắt đầu trước khi trẻ được 6 tháng tuổi, bạn có thể cần tạo sự thoải mái bằng cách cho trẻ bú tiếp sữa mẹ bằng bình bú hoặc cốc. Sự âu yếm của người mẹ dành cho trẻ vẫn được duy trì mà không cần phụ thuộc vào vú mẹ. Phương pháp cai sữa và bắt đầu cho trẻ ăn dặm có thể được lựa chọn khác nhau tùy từng gia đình, trong đó phụ thuộc nhiều nhất vào tuổi của đứa trẻ. Đến tháng thứ 7-8, trẻ có thể học cách uống bằng cốc.
Tuổi của trẻ cũng quyết định xem nên thay thế sữa mẹ bằng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh hay sữa bò. Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng không nên uống sữa bò, vì vậy chúng cần được thay thế sữa mẹ bằng sữa công thức.
Đối với các bà mẹ, nếu ngừng cho con bú một cách nhanh chóng, vú của họ có thể căng sữa và rất khó chịu. Để ngăn tình trạng vú căng sữa, bạn có thể cần phải chủ động vắt sữa vừa đủ để thoải mái. Nếu vắt quá nhiều, sữa vẫn sẽ được sản xuất và quá trình cai sữa có thể mất nhiều thời gian hơn. Một số bà mẹ lựa chọn phương pháp chuyển từ việc bú hằng ngày sang vài ngày một lần để tránh vú căng sữa, trước khi ngừng cho con bú hoàn toàn. Sau khi trẻ ngừng bú, mẹ có thể bị nổi cục ở vú trong vòng 5-10 ngày. Một cục u đau có thể cho thấy một ống dẫn sữa bị tắc hoặc gợi ý tình trạng viêm vú. Khi đó hãy thử xoa bóp các cục u hoặc vắt một lượng nhỏ sữa. Điều này có thể làm giảm kích thước và cảm giác khó chịu.
Trong trường hợp các khối u vú gây đau đớn và không biến mất sau 24 giờ hoặc người mẹ bắt đầu cảm thấy các triệu chứng giống như cúm, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Nếu trẻ lớn hơn sáu tháng và phát triển tốt, bạn có thể quyết định cai sữa ban đêm trong khi vẫn cho con bú vào ban ngày. Mặt khác, nếu bạn cảm thấy thoải mái với việc cho con bú đêm thì không cần vội vàng loại bỏ các cữ bú đêm. Bạn có thể chọn những gì phù hợp nhất cho bản thân và bé yêu của mình.
- Chế độ dinh dưỡng cho bé 1 tuổi
- Đắp mặt nạ sữa tươi không đường mỗi ngày có tốt không?
- Sữa vừa hết hạn có còn an toàn?