Mục lục
Chất béo, cùng với protein và carbohydrate, tạo nên thành phần cốt lõi của chế độ ăn uống hằng ngày. Dù có nhiều nguồn gốc khác nhau, chất béo đều được tiêu hóa dưới dạng các axit béo và thực hiện chức năng. Theo đó, mỡ lợn cũng là một loại chất béo. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại lo lắng “có nên cho bé ăn mỡ lợn” vì sự khác biệt về cấu trúc giữa các loại chất béo ban đầu có thể liên quan đến những tác động đến sức khỏe mà mỗi loại chất béo có thể mang lại.
1. Tại sao chất béo lại quan trọng đối với sức khỏe trẻ em?
Chất béo là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ em nói chung vì nhiều lý do:
- Cung cấp năng lượng: Chất béo là chất dinh dưỡng có hàm lượng năng lượng cao nhất trong số các chất dinh dưỡng đa lượng. Thành phần này giúp cung cấp nhiều hơn gấp đôi lượng calo mỗi gam so với protein hoặc carbohydrate (9kcal / g cho chất béo so với ~ 4kcal / g cho cả protein và carbohydrate). Đối với trẻ nhỏ, điều này rất quan trọng vì trẻ luôn cần nhiều năng lượng để hỗ trợ sự phát triển bình thường theo tuổi.
- Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển: Chất béo là một phần cấu trúc quan trọng của nhiều tế bào trong cơ thể. Tùy thuộc vào cấu trúc của chất béo, thành phần này có ảnh hưởng khác nhau đến nhiều quá trình sinh học quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển và hoạt động bình thường của trẻ nhỏ. Trong đó, bộ não đặc biệt giàu chất béo - khoảng 60% bộ não là chất béo
- Nguồn dinh dưỡng: Thực phẩm chứa nhiều chất béo như các sản phẩm từ sữa, cá (kể cả cá dầu), các loại hạt, quả hạnh, dầu ô liu và bơ cung cấp nhiều loại sinh tố và chất đa lượng, vi lượng cần thiết. Đây là những loại thực phẩm quan trọng đối với trẻ em đang phát triển.
- Hỗ trợ hấp thu vitamin: Có một số loại vitamin (A, D, E và K) gọi là “vitamin tan trong chất béo ” hay “ vitamin tan trong dầu”. Có nghĩa là chúng được hấp thụ tốt hơn nhiều khi được tiêu thụ cùng với một lượng chất béo nhất định trong chế độ ăn uống. Do đó, khi trẻ được cung cấp nhiều nguồn chất béo lành mạnh trong bữa ăn hằng ngày, trẻ có thể hấp thu các vitamin nêu trên tốt hơn.
- Cung cấp các axit béo thiết yếu: Có một số loại chất béo không bão hòa đa mà cơ thể không thể tự sản xuất được. Có nghĩa là chúng phải được lấy từ chế độ ăn uống hằng ngày. Nếu không có những chất béo này, các chức năng sinh lý nhất định sẽ hạn chế, ví dụ đông máu, chữa lành vết thương và phản ứng viêm, miễn dịch.
2. Các loại chất béo từ thực phẩm
Chế độ ăn ít chất béo đã được khuyến khích là tốt cho sức khỏe để giúp mọi người giảm cân. Tuy nhiên, khái niệm này cần cân nhắc đối với trẻ nhỏ, khi trẻ luôn đòi hỏi được cung cấp các chất cân đối để phát triển toàn diện. Dù vậy, hiểu biết về các loại chất béo từ thực phẩm sẽ giúp cha mẹ lựa chọn sản phẩm bổ dưỡng và phù hợp cho trẻ.
- Chất béo không bão hòa: được tìm thấy trong thức ăn từ thực vật và cá, như cá hồi, bơ, ô liu và quả óc chó, và các loại dầu thực vật. Những chất béo này rất tốt cho sức khỏe tim mạch, đặc biệt là khi được sử dụng thay cho chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Chất béo bão hòa: được tìm thấy trong thịt và các sản phẩm động vật khác, chẳng hạn như mỡ lợn, mỡ bò, bơ và pho mát. Chất béo bão hòa cũng có trong dầu cọ và dầu dừa. Ăn quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng mức cholesterol trong máu và tăng khả năng mắc bệnh tim mạch về lâu dài.
- Chất béo chuyển hóa: được tìm thấy trong bơ thực vật dạng thanh hay một số loại thực phẩm chế biến sẵn như đồ ăn nhanh, bánh quy và bánh ngọt và đồ chiên. Giống như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa có thể làm tăng cholesterol và tăng khả năng mắc bệnh tim.
3. Loại chất béo nào tốt cho trẻ em?
Như đại diện của chất béo, các loại dầu và mỡ tốt để lựa chọn làm thức ăn cho trẻ em là từ trong thịt động vật, cá và chất béo trong rau, quả hạch và ngũ cốc hoặc chúng có thể được thêm vào thực phẩm trong lúc nấu ăn hay dưới dạng nước xốt.
Cụ thể là chất béo tốt là chất béo từ sữa chất lượng lấy từ bò ăn cỏ, chẳng hạn như bơ, kem và sữa nguyên chất. Bên cạnh đó, chất béo tốt cũng đến từ nguồn chất béo tự nhiên từ mỡ động vật, gia cầm và cá được cho ăn đúng cách. Những chất béo động vật này cung cấp vitamin A, vitamin D và cholesterol thích hợp cần thiết cho sự phát triển của não và thị lực của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, chất béo động vật cũng cung cấp các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo khác, hỗ trợ hệ thống miễn dịch như glycosphingolipid. Dầu cá như dầu gan cá tuyết cũng cung cấp các axit béo omega-3 quan trọng hay như vitamin A và D.
Dầu tốt cho trẻ là những loại dầu được chiết xuất sẵn từ các loại trái cây như dầu ô liu, dầu cọ, dầu dừa, các loại hạt, quả hạnh... theo truyền thống chưa qua tinh chế. Một số loại dầu này được gọi là dầu omega-3, dầu omega-6 và một số khác là dầu omega-9 vì giàu các axit béo thiết yếu này cho sức khỏe trẻ nhỏ.
Chính vì vậy, các loại chất béo tốt cho trẻ em nên được lấy từ nhiều nguồn đa dạng khác nhau. Không một loại mỡ hoặc dầu nào có thể phù hợp với mọi mục đích. Trẻ em cần đủ chất béo bão hòa ổn định, đủ chất béo hoặc dầu không bão hòa đơn và một lượng vừa đủ, cân bằng hợp lý các axit béo thiết yếu, chủ yếu đến từ dầu omega-3 và omega-6 cho sự phát triển toàn diện.
4. Có nên cho bé ăn mỡ lợn không?
Mỡ lợn cũng là một ví dụ của chất béo cần hiện diện trong chế độ ăn. Trong khi đang tìm kiếm những thực phẩm có lợi cho sức khỏe của con, không ít cha mẹ lo lắng “có nên cho bé ăn mỡ lợn”.
Bởi lẽ, hầu hết mọi người đều cho rằng việc cho bé ăn mỡ lợn là không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đó là một trong những lầm tưởng phổ biến về mỡ lợn được một số người truyền tai nhau. Trong khi đó, sự thật là nên cho bé ăn mỡ lợn vì đây là một trong những thực phẩm có lợi, mang lại nhiều lợi ích đặc biệt là tốt cho trẻ em.
Dưới đây là những lý do nên cho trẻ ăn mỡ lợn với những lợi ích của mỡ lợn như sau:
4.1 Làm nguồn chất béo thay thế
Trong thời đại ngày nay, lấy lý do sức khỏe, hầu hết mọi gia đình sử dụng dầu ăn hoặc bơ để nấu ăn. Tuy nhiên, cả hai thành phần này đều có hàm lượng chất béo cao trong khi thành phần chất béo trong mỡ lợn lại thực sự thấp hơn.
Không giống như chất béo bão hòa, mỡ lợn chứa chất béo không bão hòa đơn, cung cấp chất béo tốt cho cơ thể. Hơn nữa, mỡ lợn còn có thể được dùng để làm bánh quy, bánh nướng tại nhà... qua đó giúp bổ sung chất béo lành mạnh cho trẻ.
4.2 Giàu vitamin D
Mỡ lợn hoàn toàn có khả năng mang lại một số lợi ích sức khỏe cho mọi người khi được thêm vào chế độ ăn uống một cách cân đối, khoa học. Bên cạnh các dưỡng chất đem lại như những loại chất béo khác, mỡ lợn còn chứa nhiều Vitamin D, giúp duy trì mức phốt pho và đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh canxi trong máu.
Thật vậy, canxi và phốt pho rất cần thiết để cấu tạo, làm dài ra và duy trì xương khỏe mạnh cho trẻ nhỏ. Do đó, khi cho bé ăn mỡ lợn, điều này sẽ làm cho xương của trẻ chắc khỏe hơn và duy trì sự chắc khỏe trong thời gian dài hơn. Đây là một trong những ưu điểm của việc ăn mỡ lợn của trẻ em hơn hẳn các nguồn chất béo khác. Vì vậy, hãy thêm mỡ lợn vào bữa ăn của con để trẻ tận dụng lợi ích này.
4.3 Cung cấp dinh dưỡng
Việc sử dụng mỡ lợn làm nguồn chất béo duy nhất đã được nghiên cứu trong công thức cho trẻ sinh non khỏe mạnh. Kết quả là thành phần này cũng được hấp thụ hiệu quả, an toàn như hỗn hợp chất béo / dầu thực vật từ sữa bò thông thường trong một công thức đối chứng. Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy các bằng chứng khả quan về sự phát triển bình thường khi trẻ sơ sinh được cung cấp mỡ lợn.
Theo đó, các kết quả này trả lời cho băn khoăn của cha mẹ là “có nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mỡ lợn” hay không. Như vậy, khi trẻ đến tuổi ăn dặm, cha mẹ hoàn toàn có thể thêm một ít mỡ lợn như một nguồn cung cấp chất béo trong các khẩu phần ăn dạng đặc cho trẻ.
Tóm lại, với những lợi ích của mỡ lợn nói riêng hay chất béo nói chung đem lại, cha mẹ có thể được giải quyết những băn khoăn “có nên cho bé ăn mỡ lợn”. Thay vào đó, cho bé ăn mỡ lợn khi lựa chọn nguồn thực phẩm hằng ngày sẽ đảm bảo nguồn dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, sự tuân thủ đa dạng thức ăn, lấy chất béo từ các nguồn khác nhau, vẫn là điều cần thiết trong xây dựng bữa ăn lý tưởng cho trẻ.
- Metformin là thuốc trị bệnh tiểu đường
- Trẻ em có nên bổ sung Omega-3?
- Tác dụng làm đẹp của dầu ô liu