Mục lục
Gia vị là thành phần quan trọng để nâng cao hương vị, sự hấp dẫn cho món ăn. Việc cho trẻ thử nghiệm với nhiều loại gia vị có thể mở rộng khẩu vị và giúp trẻ tập ăn tốt hơn. Tuy nhiên, việc cho bé ăn hạt nêm và một số loại gia vị có thể chứa nhiều muối nên cha mẹ cần thực hiện nghiêm ngặt với liều lượng phù hợp.
1. Lợi ích của việc cho trẻ ăn gia vị
Từ khi bú sữa mẹ, trẻ đã có cơ hội được tiếp xúc với nhiều loại hương vị qua sữa. Điều này thực sự có thể giúp phát triển sở thích của trẻ đối với thức ăn có hương vị.
Theo đó, việc giới thiệu các hương vị đậm đà từ sớm trong các bữa ăn dặm cho trẻ là điều cần thiết vì khả năng tiếp nhận của các bé với các mùi vị mới sẽ giảm dần khi chúng lớn hơn. Việc mở rộng khẩu vị của trẻ từ khi còn nhỏ hy vọng sẽ giúp trẻ đánh giá cao sự lựa chọn các loại thức ăn lành mạnh, chưa qua chế biến và có hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, trong số các loại gia vị dùng cho trẻ, nên tránh dùng muối và đường để thêm vào món ăn cho trẻ, nhằm giúp trẻ cảm nhận vị giác “một cách tự nhiên”.
Như vậy, khi biết cách lựa chọn loại gia vị thích hợp và an toàn cho trẻ, chúng sẽ đem lại các lợi ích như sau:
- Thêm hương vị và mùi thơm cho thức ăn mà không cần thêm muối, đường hay bột ngọt;
- Tăng sự trải nghiệm vị giác đa dạng cho trẻ, giúp trẻ hào hứng khi tiếp nhận các hương vị mới hơn và việc thưởng thức các hương vị khác nhau sẽ giúp trẻ đón nhận thức ăn mới dễ dàng hơn;
- Một số gia vị có tính chất dược lý, mang lại lợi ích cho sức khỏe và có thể giúp giữ ấm, chống lạnh cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch.
2. Có nên cho trẻ ăn hạt nêm không?
“Có nên cho bé ăn hạt nêm” là sự băn khoăn của không ít cha mẹ khi lần đầu chuẩn bị thức ăn dặm cho trẻ và nếm thấy chúng quá nhạt nhẽo.
Thành phần chính yếu của hạt nêm là muối và câu trả lời từ phía các bác sĩ nhi khoa hay chuyên gia dinh dưỡng sẽ là không, tốt nhất là hoàn toàn không nêm muối vào thức ăn của bé ngay khi bắt đầu ăn dặm cho đến trước 12 tháng tuổi. Trước khi được 6 tháng tuổi, trẻ sẽ nhận tất cả lượng muối cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Sau khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ vẫn không cần thêm muối vào thức ăn dạng nấu sẵn hoặc đóng gói thương mại. Tuy nhiên, cho đến khi trẻ được 12 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho bé ăn hạt nêm nhưng trẻ cần ít hơn 1g muối mỗi ngày. Ngay cả khi cảm thấy thức ăn cho trẻ có vị nhạt, hãy nhớ rằng hầu hết các loại thực phẩm tự nhiên đều có chứa một ít muối và việc dùng hạt nêm cho bé ăn dặm có thể không tốt cho sức khỏe của bé.
Nhu cầu muối ở trẻ được hướng dẫn như sau:
- Trẻ em nhỏ hơn 1 tuổi: không ăn quá 1g muối hoặc 0,4g natri mỗi ngày;
- Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi: Nên ăn ít hơn 2g muối hoặc 0,8g natri mỗi ngày;
- Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi: Nên ăn ít hơn 3g muối hoặc 1,2g natri mỗi ngày.
Để so sánh với hướng dẫn lượng muối khuyến cáo của người lớn là ăn không quá 6g muối hoặc 2,4g natri mỗi ngày nhưng hầu hết đều vượt quá hướng dẫn này.
Như vậy, khi cho bé ăn hạt nêm một cách không kiểm soát, có thể gây hại cho thận của bé. Quan trọng hơn, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi trẻ được bổ sung muối vào chế độ ăn khi còn nhỏ quá sớm, trẻ sẽ có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn khi trưởng thành. Ngoài ra, thói quen ăn mặn có được từ thời thơ ấu sẽ tiếp tục bền vững đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, nếu bé đã quen với thức ăn mặn ở độ tuổi này, bé có thể sẽ tiếp tục muốn ăn mặn sau này.
Bên cạnh đó, để giúp hạn chế ăn mặn cho bé, cha mẹ cũng không nên cho bé ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như thức ăn nhanh, khoai tây chiên, bánh quy, súp và mì ăn liền, bánh mì kẹp thịt, thịt chế biến sẵn, các dạng thực phẩm đóng hộp có thêm muối hay các loại gia vị không tốt như nước sốt và tương ớt.
Tuy vậy, nếu cảm thấy thức ăn của trẻ quá nhạt nhẽo, cha mẹ hãy sử dụng các loại gia vị và thảo mộc thay cho muối như tỏi, gừng, nghệ, thì là và rau mùi để có thể thêm hương vị cho thực phẩm một cách an toàn.
3. Các loại gia vị phù hợp cho trẻ
Nếu em bé đã được bú sữa mẹ hoàn toàn, hãy nhớ rằng trẻ đã được trải nghiệm hương vị của thức ăn từ người mẹ. Vì vậy, các loại gia vị này sẽ thực sự quen thuộc và có thể trở thành hương vị thú vị cho em bé. Nếu mẹ giới thiệu các loại gia vị từ chế độ ăn uống thông thường của mình cho trẻ, trẻ có thể sẽ chấp nhận dễ dàng nhất.
Ngoại trừ muối và đường, các loại gia vị phù hợp cho trẻ nhỏ gồm có:
- Nghệ: Loại gia vị này được biết đến với đặc tính chống viêm. Đây là loại gia vị có màu vàng cam tươi và là một trong những thành phần chính trong hầu hết các loại bột cà ri. Nếu bé chưa quen, hãy bắt đầu với nhúm nhỏ bột cà ri vào một trong những món mặn của trẻ, chẳng hạn như đậu lăng, đậu Hà Lan hoặc cà rốt, khiến món ăn có hương vị khác biệt thường ngày.
- Quế: Loại gia vị làm ấm quen thuộc này không chỉ là món khoái khẩu của nhiều người mà còn rất giàu chất chống oxy hóa, tốt cho tâm trạng và có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn. Rắc một ít bột quế lên bột yến mạch, chuối nghiền hoặc bí hầm cho trẻ sẽ khiến mùi vị món ăn trở nên hấp dẫn hơn.
- Bạc hà: Loại thảo mộc phổ biến này được tìm thấy trong hầu hết các chế độ ăn và cả uống. Theo đó, bạc hà không chỉ làm tăng hương vị của thực phẩm mà còn làm dịu cơn đau dạ dày và có đặc tính kháng vi-rút và kháng khuẩn. Hãy thử thêm một ít bạc hà tươi vào sinh tố trái cây hoặc sữa chua của trẻ, trẻ sẽ thích thú tận hưởng.
- Húng quế: Chứa nhiều chất chống oxy hóa, tốt cho đường ruột, có lợi cho da, tâm trạng và tiêu hóa, húng quế là một lựa chọn lý tưởng ngay từ các bữa ăn đầu tiên cho trẻ nhỏ. Loại gia vị này còn có thể dễ dàng kết hợp với các món mặn như khi làm nước sốt cà chua hoặc cả món ngọt như với dâu tây xay nhuyễn.
- Gừng: Gừng mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe, nhưng có lẽ một trong những lợi ích tốt nhất cho trẻ nhỏ là khả năng giúp làm dịu các vấn đề chức năng đường ruột, từ đầy hơi đến khó tiêu. Bào một chút gừng tươi để thêm vào nước hoa quả xay nhuyễn như đào, mận hoặc mận hay bột gừng có thể được sử dụng trong ngũ cốc và bánh nướng, cha mẹ sẽ đem lại những trải nghiệm vị giác cho trẻ đầy mới lạ.
Tóm lại, khẩu vị của trẻ nhỏ và người lớn là hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế, khi cho rằng thức ăn cho trẻ nhạt nhẽo, cha mẹ cho bé ăn hạt nêm có thể dẫn tới dư thừa muối và gây hại cho trẻ. Vì vậy, không được dùng hạt nêm cho bé ăn dặm mà nên trì hoãn đến khi trẻ tròn 1 tuổi. Trong thời gian này, cha mẹ có thể thử các loại gia vị khác ngoại trừ muối và đường, vừa giúp làm tăng hương vị cho món ăn, vừa tốt cho sức khỏe.
Nguồn tham khảo: amaraorganicfoods.com, nuby-uk.com, ovuline.com, babycenter.in
- Ăn tỏi đen có tác dụng gì? Ai không nên ăn tỏi đen?
- Ăn tỏi mọc mầm có độc không?
- Ăn tỏi tốt cho quý ông