Mục lục
- 1. 1. Có kinh nguyệt sớm gây ảnh hưởng gì không?
- 2. 2. Các nguyên nhân gây hiện tượng có kinh nguyệt sớm
- 2.1. 2.1. Các nguyên nhân sinh lý gây có kinh nguyệt sớm
- 2.1.1. 2.1.1. Kinh nguyệt ở tuổi dậy thì hoặc ở giai đoạn tiền mãn kinh
- 2.1.2. 2.1.2. Tâm trạng lo lắng, căng thẳng
- 2.1.3. 2.1.3. Tránh thai bằng phương pháp nội tiết tố
- 2.1.4. 2.1.4. Tác dụng phụ của thuốc khiến bạn có kinh nguyệt sớm
- 2.1.5. 2.1.5. Chế độ ăn uống chưa hợp lý, vận động thể thao cường độ cao
- 2.2. 2.2. Các nguyên nhân bệnh lý gây có kinh nguyệt sớm
- 2.1. 2.1. Các nguyên nhân sinh lý gây có kinh nguyệt sớm
- 3. 3. Làm gì khi có kinh nguyệt sớm?
- 4. Đánh giá
Có kinh nguyệt sớm thường do sự thay đổi nội tiết tố. Nếu hiện tượng này thỉnh thoảng mới xảy ra thì không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng có kinh nguyệt sớm xảy ra thường xuyên thì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa nghiêm trọng.
1. Có kinh nguyệt sớm gây ảnh hưởng gì không?
Chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới được tính từ ngày đầu ra máu kinh của tháng này cho tới ngày đầu ra máu kính của tháng kế tiếp. Chu kỳ kinh nguyệt thường dài khoảng 28 ngày, nhưng cũng có trường hợp kéo dài 25-35 ngày. Trong đó, số ngày có kinh nguyệt khoảng 2-7 ngày. Ngày có kinh nguyệt có thể sớm hoặc muộn hơn 3-5 ngày. Do đó, bạn có thể nhận biết có kinh nguyệt sớm khi chu kỳ ngắn hơn 21 ngày.
Có kinh nguyệt sớm thường có nguyên nhân từ sự thay đổi nội tiết tố. Nếu hiện tượng này thỉnh thoảng mới xảy ra thì không cần quá lo lắng, vì sự biến động trong chu kỳ kinh nguyệt là bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng có kinh nguyệt sớm xảy ra thường xuyên thì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa nghiêm trọng. Khi đó bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, điều trị kịp thời.
2. Các nguyên nhân gây hiện tượng có kinh nguyệt sớm
Các nguyên nhân gây hiện tượng có kinh nguyệt sớm thường được chia làm hai nhóm đó là các nguyên nhân sinh lý và bệnh lý.
2.1. Các nguyên nhân sinh lý gây có kinh nguyệt sớm
2.1.1. Kinh nguyệt ở tuổi dậy thì hoặc ở giai đoạn tiền mãn kinh
Kinh nguyệt ở tuổi dậy thì thường không ổn định, các bạn gái thường gặp hiện tượng có kinh nguyệt sớm do nội tiết tố và buồng trứng hoạt động chưa ổn định. Tình trạng này thường kéo dài trong 2-3 năm đầu hành kinh. Những bạn nữ dậy thì sớm cũng thường gặp hiện tượng có kinh nguyệt sớm.
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh cũng thường có chu kỳ kinh không đều, có thể hiện tượng có kinh nguyệt sớm hoặc muộn. Do đây cũng là giai đoạn nồng độ nội tiết tố có nhiều biến động, làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
2.1.2. Tâm trạng lo lắng, căng thẳng
Khi cơ thể căng thẳng sẽ tác động lên tuyến thượng thận, kích thích tăng tiết hormone cortisol. Hormone cortisol giúp cơ thể chống stress, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng miễn dịch,... giúp cơ thể thoải mái hơn. Tuy nhiên, hormone cortisol cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản sinh các nội tiết tố nữ như estrogen và progesterone. Sự rối loạn của các nội tiết tố này sẽ gây rối loạn kinh nguyệt và có thể dẫn đến hiện tượng có kinh nguyệt sớm.
2.1.3. Tránh thai bằng phương pháp nội tiết tố
Các biện pháp tránh thai nội tiết hoạt động bằng cách giải phóng các nội tiết tố estrogen, progestin vào cơ thể phụ nữ để điều chỉnh hoặc ngăn ngừa sự rụng trứng. Nên các phương pháp tránh thai nội tiết như uống thuốc tránh thai, tiêm thuốc, miếng dán tránh thai, que cấy tránh thai, dùng thuốc tránh thai khẩn cấp,... đều có thể là nguyên nhân gây có kinh nguyệt sớm hoặc muộn.
2.1.4. Tác dụng phụ của thuốc khiến bạn có kinh nguyệt sớm
Một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm, thuốc tuyến giáp, Aspirin,... có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, gây hiện tượng có kinh nguyệt sớm hơn bình thường.
2.1.5. Chế độ ăn uống chưa hợp lý, vận động thể thao cường độ cao
Nếu chế độ ăn uống không khoa học, sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá, cơ thể thiếu chất, tăng cân, giảm cân đột ngột,... đều có thể gây rối loạn nội tiết tố, gây hiện tượng có kinh nguyệt sớm hơn bình thường.
Bên cạnh đó, việc luyện tập thể thao cường độ nặng đôi khi sẽ khiến cơ thể bị stress, mất năng lượng,... gây tăng đột biến hormone estrogen, xảy ra hiện tượng có kinh nguyệt sớm.
2.2. Các nguyên nhân bệnh lý gây có kinh nguyệt sớm
Tình trạng có kinh nguyệt sớm kèm với các triệu chứng như đau vùng chậu, đau thắt lưng, máu kinh ra quá ít hoặc quá nhiều, cơ thể suy nhược, mệt mỏi,... có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ như: Lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, polyp lòng tử cung, u xơ tử cung, viêm phần phụ,... Các bệnh lý tuyến giáp cũng có thể là gây rối loạn kinh nguyệt, trong đó bệnh cường giáp thường làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn, ít hơn. Còn suy giáp thường làm kéo dài kinh nguyệt, gây đau bụng nặng hơn.
3. Làm gì khi có kinh nguyệt sớm?
Để hạn chế sự thay đổi nội tiết tố gây có kinh nguyệt sớm, các chị em phụ nữ hãy:
- Ăn uống điều độ, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin, khoáng chất, tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, các thức uống chứa nhiều caffein,...
- Ngủ đủ giấc: Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, đảm bảo phòng ngủ đủ tối, yên tĩnh với mức nhiệt độ khiến cơ thể dễ chịu. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính bảng,... trước khi đi ngủ.
- Giữ tâm trạng lạc quan, vui vẻ. Khi gặp căng thẳng lo âu do công việc, học tập, các bạn nữ hãy thư giãn bằng cách nghe nhạc, tập yoga, trò chuyện với gia đình, bạn bè,...
- Xây dựng chế độ tập luyện hợp lý, khoa học giúp chị em phụ nữ khỏe mạnh, dẻo dai, ngăn ngừa tình trạng căng thẳng, rối loạn nội tiết.
Bên cạnh đó, để chủ động phòng ngừa các bệnh lý phụ khoa gây hiện tượng bất thường như có kinh nguyệt sớm, chị em nên khám phụ khoa theo định kỳ 3-6 tháng/lần để tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa.
- Cấy que tránh thai được 1 năm đầu núm vú bị đau nhức có sao không?
- 8 lựa chọn điều trị cho tăng sắc tố da
- Nguyên nhân và cách khắc phục rụng tóc nhiều ở tuổi 19?