Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trung bình một chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sẽ lặp lại sau mỗi 25–35 ngày và số ngày hành kinh thường kéo dài 2–7 ngày. Nếu thời gian xuất hiện kinh nguyệt ngắn lại hay có kinh 2 lần trong 1 tháng có thể xem là một bất thường cần chú ý. Có 40–60% phụ nữ sẽ trải qua tình trạng bất thường này ít nhất một lần trong đời.
1. Nguyên nhân có kinh 2 lần trong 1 tháng là do đâu?
Nhiều phụ nữ khi gặp phải tình trạng này thường tự hỏi có kinh 2 lần trong 1 tháng là sao? Nguyên nhân có kinh liên tục là gì, có bất thường nào về sức khỏe sinh sản hay không? Trên thực tế, có kinh 2 lần trong 1 tháng có thể là bình thường trong một số trường hợp nhưng hoàn toàn có thể do bệnh lý gây ra.
1.1 Có kinh 2 lần trong 1 tháng là bình thường khi nào?
Mỗi người phụ nữ sẽ có độ dài của chu kỳ khác nhau, thông thường sẽ dao động trong khoảng 21–35 ngày, tuy nhiên vẫn có những chị em có chu kỳ vỏn vẹn 20 ngày hoặc thậm chí là ngắn hơn (hiếm gặp) tùy theo cơ địa. Kinh nguyệt đến sớm hoặc muộn hơn từ 3 - 5 ngày so với bình thường là không đáng lo ngại nếu tình trạng này không kéo dài.
Đối với phụ nữ có số ngày trong chu kỳ ngắn khoảng 21 ngày mà lại đột ngột có kinh nguyệt sớm từ 3 - 5 ngày thì hiện tượng có kinh 2 lần trong 1 tháng là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt liên tục đến sớm, chu kỳ thất thường thì lại là một vấn đề cần chú ý. Một số nguyên nhân từ bệnh lý hoặc lối sống có thể đã ảnh hưởng đến chu kỳ của chị em.
1.2 Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt do stress hoặc hưng phấn quá độ
Cơ thể chúng ta là một khối thống nhất và liên kết chặt chẽ với nhau, vì vậy quá trình phóng noãn chịu sự chi phối rất nhiều của hệ thống thần kinh trung ương và nội tiết khác nhau, trong đó có hormone tuyến giáp, vùng dưới đồi.
Khi người phụ nữ phải chịu một cú shock lớn trong cuộc sống hay gặp hưng phấn quá mức cũng sẽ đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng. Buồng trứng sẽ tiếp nhận sai các tín hiệu thần kinh và hormone dẫn đến việc phóng noãn hai lần. Nếu nguyên nhân là do tâm trạng chi phối thì việc có kinh 2 lần trong 1 tháng là vấn đề không nguy hiểm.
Phụ nữ cần điều chỉnh lại trạng thái tâm lý kết hợp với nghỉ ngơi, phân bổ thời gian làm việc hợp lý thì hiện tượng này sẽ không lặp lại vào chu kỳ tiếp theo.
1.3 Quên sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày
Phụ nữ quên uống thuốc tránh thai hàng ngày có thể dẫn đến tình trạng ra máu bất thường. Cơ thể đã quen với lượng hormone bổ sung hàng ngày để tránh mang thai vì vậy máu sẽ tự chảy khi lượng hormone bị ngưng đột ngột. Nếu xuất hiện tình trạng có kinh 2 lần trong 1 tháng và từng quên thuốc thì thuốc tránh thai rất có khả năng chính là nguyên nhân gây rối loạn.
Ngoài ra, dụng một số loại thuốc khẩn cấp có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng có kinh 2 lần trong 1 tháng.
1.4 Rối loạn nội tiết tố nữ
Những bé gái đang ở độ tuổi dậy thì hoặc phụ nữ vào giai đoạn tiền mãn kinh là những đối tượng có nguy cơ dễ bị rối loạn nội tiết tố nhất. Rối loạn dạng cường estrogen có thể dẫn đến tình trạng có kinh 2 lần trong 1 tháng, ngoài ra còn có thể kèm theo rong kinh, kinh nguyệt ra nhiều,..
1.5 Nguyên nhân bệnh lý
- Nữ giới mắc viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung... có thể xảy ra tình trạng ra máu như kinh nguyệt lần 2 lần trong 1 tháng.
- U xơ tử cung thường là khối u lành tính, tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời, u xơ tử cung có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có kinh nguyệt 2 lần trong 1 tháng thường xuyên là một dấu hiệu báo động. Ngoài ra, u xơ có thể gây đau nhức lưng, chướng bụng, thiếu máu, đau mỗi khi quan hệ và chảy máu tự phát không liên quan đến chu kỳ kinh.
- Polyp tử cung thường xuất hiện khá nhiều phụ nữ và có liên quan đến hormone. Polyp tử cung có thể gây ra hiện tượng chảy máu giữa các chu kỳ (dễ lầm tưởng với kinh nguyệt), đặc biệt khi các khối polyp bị va chạm vào như quan hệ mạnh.
- Tuyến giáp ít hoạt động hay hoạt động quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Tuyến giáp được điều hòa bởi hormone tại khu vực tuyến yên và vùng hạ đồi, cùng với hormone kiểm soát chu kỳ và quá trình rụng trứng, gây rối loạn kinh nguyệt.
- Kinh nguyệt bất thường có thể đến từ nguyên nhân ung thư buồng trứng, vì vậy nếu chu kỳ rối loạn kéo dài, chị em phụ nữ cần đến khám chuyên khoa, siêu âm, sinh thiết tử cung, phết tế bào cổ tử cung... để hỗ trợ chẩn đoán xác định nguyên nhân.
2. Có kinh 2 lần trong 1 tháng có thai không?
Thực tế, nếu chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện đồng nghĩa với việc phụ nữ không mang thai, niêm mạc tử cung bong tróc và chảy ra ngoài dưới dạng máu kinh nguyệt. Khi mang thai, thai vào tử cung làm tổ, vì vậy lớp niêm mạc tử cung sẽ được nuôi dưỡng và duy trì, hiện tượng kinh nguyệt sẽ tạm thời không xảy ra trong suốt thai kỳ.
Vì vậy, nếu thực sự là kinh nguyệt thì hiện tượng có kinh 2 lần trong 1 tháng, do bất kỳ nguyên nhân nào cũng chứng tỏ chị em không mang thai. Tuy nhiên, có rất nhiều chị em không phân biệt được máu báo mang thai với chu kỳ kinh nguyệt.
Khi trứng được thụ tinh sẽ vào tử cung để làm tổ, quá trình làm tổ sẽ khiến một ít niêm mạc tử cung bong tróc dẫn đến hiện tượng máu báo thai. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra và dễ nhầm lẫn như một chu kỳ kinh trong cùng 1 tháng. Vì vậy, để xác định có mang thai hay không, chị em nên sử dụng que thử nhanh hoặc đến bệnh viện để kiểm tra.
- Thế nào được gọi là rong kinh? Rong kinh có cảnh báo bệnh gì không?
- Bị rong kinh có nguy hiểm không?
- Sau đặt vòng tránh thai ra nhiều kinh nguyệt và dịch nhờn nên làm gì?