Mục lục
Trẻ em ở giai đoạn 6 – 9 tháng tuổi bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên. Tuy nhiên quá trình này có thể diễn ra chậm hơn ở một số bé. Tình trạng chậm mọc răng được gây ra bởi nhiều nguyên nhân và cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì vậy mà nhiều bậc cha mẹ thường băn khoăn là có cách nào giúp trẻ nhanh mọc răng không? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ trả lời câu hỏi trên.
1. Trẻ chậm mọc răng do nguyên nhân gì?
Những chiếc răng đầu đời của trẻ được gọi là răng sữa. Chúng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và tính thẩm mỹ của hàm răng vĩnh viễn về sau. Thông thường quá trình mọc răng sữa kéo dài từ giai đoạn 6 tháng đến 30 tháng tuổi. Tuy nhiên ở một số trẻ quá trình mọc răng diễn ra chậm hơn so với các bạn cùng tuổi. Trường hợp trẻ đến giai đoạn 1 tuổi nhưng chưa có dấu hiệu mọc răng sữa thì cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tìm hiểu nguyên nhân và các cách giúp trẻ nhanh mọc răng. Theo đó, chậm mọc răng ở trẻ có thể do những nguyên nhân như sau:
- Trẻ sinh thiếu tháng hoặc cân nặng không đạt tiêu chuẩn;
- Chế độ dinh dưỡng hàng ngày không bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D cho quá trình tạo xương, răng;
- Người thân trong gia đình từng có tiền sử chậm mọc răng;
- Trẻ bị suy giảm hoạt động tuyến giáp cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm mọc răng;
- Thiếu enzym có công dụng giúp mầm răng tách và chồi ra khỏi nướu;
Trẻ bị mắc các bệnh lý như sâu răng, viêm nha chu...
2. Yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ răng
Nhận biết các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển hệ răng của trẻ sẽ giúp cha mẹ có những biện pháp phòng ngừa cũng như xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhanh mọc răng.
2.1. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống đầy đủ và đảm bảo các chất dinh dưỡng sẽ giúp cho hệ răng của trẻ phát triển vững chắc. Không những vậy, chế độ dinh dưỡng của mẹ khi mang thai cũng ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển hệ răng của trẻ. Bởi vì mầm răng sữa và mầm răng vĩnh viễn đã được hình thành trong bào thai từ tuần thứ 8 của thai kỳ. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng của mẹ cần bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D, chất khoáng... để giúp tạo hệ xương và răng cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với quá trình tạo nướu, răng của trẻ; làm chậm quá trình mọc răng. Giai đoạn 3 năm đầu đời là thời kỳ quan trọng mà chế độ dinh dưỡng luôn cần phải được đảm bảo, bởi ở giai đoạn này quá trình khoáng hóa lớp men của răng diễn ra và ảnh hưởng đến quá trình mọc răng (sự phát triển của răng trước khi mọc và trong quá trình mọc của hệ răng).
2.2. Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng
Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng làm cho cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng, khoáng chất cần cho sự hình thành và phát triển hệ răng trong cơ thể.
2.3. Trẻ không thích uống sữa hoặc ít uống sữa
Sữa là nguồn bổ sung hàm lượng lớn canxi cho sự phát triển răng, xương của trẻ nhỏ. Vì vậy, tình trạng trẻ không uống đủ lượng sữa làm ảnh hưởng đến quá trình mọc răng và phát triển hệ răng của cơ thể.
2.4. Không được tiếp xúc nhiều với ánh sáng
Ánh sáng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển xương răng của trẻ.
3. Cách giúp trẻ nhanh mọc răng
Mọc răng chậm có thể dẫn đến các tác động tiêu cực như đau nhức nhiều khi răng mọc, khả năng nhai giảm làm ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày, tăng nguy cơ nói ngọng... Vì vậy, để giảm các nguy cơ trên các bậc cha mẹ có thể tham khảo một số cách giúp trẻ nhanh mọc răng như sau:
3.1. Mát xa nướu
Mẹ hãy đặt trẻ nằm trên giường, dùng ngón tay đã rửa sạch để xoa bóp nướu của trẻ một cách nhẹ nhàng. Phương pháp này sẽ giúp kích thích mầm răng sữa nhanh chóng trồi lên khỏi lợi, giảm đau cho trẻ khi răng mọc lên. Mát xa nướu cũng có thể được thực hiện trong trường hợp trẻ bị khó ngủ hay khóc đêm.
3.2. Sử dụng khăn lạnh, ngậm vú giả lạnh
Mẹ có thể sử dụng khăn lạnh cho bé ngậm hoặc ngậm vú giả lạnh sẽ giúp kích thích quá trình mọc răng. Tuy nhiên việc sử dụng vú giả ngậm cần được hạn chế vì có nguy cơ cao dẫn đến các vấn đề lệch khớp cắn bẩm sinh như móm hoặc vẩu.
3.3. Phương pháp dùng lá hẹ
Lá hẹ có công dụng kháng viêm, giảm sưng. Việc dùng nước lá hẹ bôi vào phần lợi có công dụng kích thích trẻ mọc răng, giảm đau cho trẻ khi răng mọc lên. Các bước thực hiện như sau:
- Sử dụng lá hẹ tươi, đối với bé trai sử dụng 7 lá và đối với bé gái sử dụng 9 lá;
- Đem rửa sạch lá, xay nhuyễn và lọc lấy nước cốt;
- Thấm nước lá hẹ bằng tăm bông và bôi nhẹ nhàng lên vùng lợi. Lá hẹ có vị cay nên khi bôi có thể làm trẻ khó chịu và không hợp tác.
3.4. Cho trẻ tắm nắng
Tắm nắng với liều lượng thích sẽ giúp cơ thể tăng tổng hợp vitamin D, thúc đẩy trẻ mọc răng đúng độ tuổi. Khoảng thời gian thích hợp cho trẻ tắm nắng là từ 6 – 8 giờ sáng. Phương pháp được thực hiện an toàn và có công dụng chống thấp còi, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
3.5. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý hay trẻ mọc răng ăn gì để tốt cho sự phát triển của hệ răng là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Như đã trình bày ở trên, chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến quá trình mọc và phát triển răng của trẻ em. Theo đó, chế độ ăn uống cho trẻ ở giai đoạn mọc răng cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng sau:
Canxi: Chất khoáng chủ yếu cấu tạo nên hệ xương và răng của cơ thể. Các loại thực phẩm bổ sung nhiều canxi như sữa, các sản phẩm từ sữa (phô mai), tôm, cua, cá, sản phẩm từ đậu... Bên cạnh đó, để trẻ hấp thu hiệu quả canxi từ thức ăn, mẹ nên để con vui chơi hay tắm nắng khoảng 30 phút mỗi ngày;
Vitamin D: Loại vitamin giúp hấp thu canxi vào cơ thể. Nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu cho cơ thể là từ các tiền vitamin D ở dưới da dưới tác động quang hóa của ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó bổ sung vitamin D cho cơ thể có thể được thực hiện qua chế độ ăn uống bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D như trứng gà, các loại cá (cá hú, cá thu...)..
Photpho: Chất khoáng có hàm lượng trong cơ thể lớn thứ 2 sau canxi; photpho có chức năng hình thành, duy trì hệ xương răng của cơ thể được vững chắc. Chất khoáng này được cung cấp ở hầu hết các loại thức ăn, trong đó photpho chứa trong thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn trong thức ăn thực vật;
Magie: Chất khoáng này cùng với canxi tham gia vào quá trình khoáng hóa tạo xương và răng cho cơ thể. Các loại thực phẩm bổ sung nhiều magie có thể kể đến như các loại cá, rau xanh, các loại đậu, bơ, các loại hạt...
Vitamin C: Cơ thể không được bổ sung đủ hàm lượng vitamin C có thể dẫn đến thoái hóa tế bào ontop last. Tủy răng và nướu răng trở nên xốp làm nướu răng bị loét, viêm và dễ chảy máu chân răng, dẫn đến rụng răng. Loại vitamin này chứa nhiều trong các thực phẩm như bưởi, cam, chanh, quýt, xoài...
Vitamin A: Bên cạnh công dụng chống quáng gà, chống khô mắt, bảo vệ mắt thì vitamin A còn giúp cho sự phát triển bình thường của xương, răng, bảo vệ niêm mạc da và tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Các loại thực phẩm giàu vitamin A có thể kể đến như trứng, gan, thịt, sản phẩm từ sữa...
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho quá trình phát triển hệ xương, răng của cơ thể, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn các loại thức ăn như bánh, kẹo ngọt và các loại nước uống ngọt, có ga. Đồng thời, tạo thói quen khám răng định kỳ cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ chậm mọc răng để có thể phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng cũng như các bệnh lý liên quan, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
- Trẻ 12 tháng tuổi chưa mọc răng có phải bị bệnh gì không?
- Trẻ hay nôn trớ khi mọc răng sữa có sao không?
- Xuất hiện vệt đen khi trẻ đang mọc răng sữa có sao không?