Tháng 8/2021, Tạp chí Ung thư Quốc tế đã đăng tải công trình nghiên cứu về ung thư đại trực tràng của nhóm tác giả từ chương trình nghiên cứu Polyp và Ung thư Đại trực tràng Việt Nam (VinCAPR) của Hệ thống Y tế Vinmec, Trường đại học VinUni, phối hợp với các đồng nghiệp tại Trung tâm Y khoa Đại học Pittsburgh và Trung tâm Y khoa Đại học Vanderbilt (Hoa Kỳ). Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chỉ ra rằng thiếu cân có thể là nguy cơ gây polyp đại trực tràng.
Công trình nghiên cứu mang tên “Mối liên quan giữa chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI) và Polyp tuyến ống đại trực tràng: Kết quả thu được từ một nghiên cứu Bệnh – Chứng tại Việt Nam”.
Bối cảnh nghiên cứu dựa trên thực trạng ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư hay gặp nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Polyp tuyến ống là tổn thương tiền ung thư rất quan trọng. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào xác định các yếu tố nguy cơ liên quan tới tình trạng polyp và ung thư đại trực tràng.
Nhóm các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu bệnh – chứng ghép cặp, so sánh giữa 1.149 trường hợp polyp tuyến ống đại trực tràng và 1.145 ca chứng. Các ca bệnh – chứng này được lựa chọn từ chương trình sàng lọc và chủ động phòng chống ung thư đại trực tràng tại cộng đồng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tại Việt Nam, do Vinmec tiến hành, bao gồm 103.542 người trong độ tuổi 40-75 tuổi ở Hà Nội.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu cân (Chỉ số khối cơ thể - BMI nhỏ hơn 18,5) có liên quan tới nguy cơ polyp đại trực tràng. Đặc biệt nguy cơ polyp cao hơn từ 2,4 đến 3,5 lần ở nhóm nam giới có tình trạng thiếu cân, có hút thuốc lá, không có hoạt động thể chất hàng tuần hoặc có các rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến hệ tim mạch.
Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chỉ ra rằng thiếu cân có thể là nguy cơ của polyp đại trực tràng. Kết quả này là cơ sở đưa ra các khuyến nghị duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường, bỏ hút thuốc và tăng cường vận động thể lực cho các chương trình phòng tránh polyp và ung thư đại trực tràng.
Công bố này là một trong những bài báo khoa học đầu tiên của chương trình nghiên cứu Polyp và Ung thư Đại trực tràng Việt Nam (VinCAPR) do Hệ thống Y tế Vinmec: VinCAPR đã thực hiện sàng lọc cộng đồng miễn phí hướng tới 672.742 người dân từ 40 tuổi trở lên ở 6 quận, huyện của Hà Nội bao gồm Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Oai và Chương Mỹ từ tháng 1 năm 2018 đến hết tháng 10 năm 2019. Nghiên cứu đã nhận được các kết quả đáng chú ý, bao gồm:
- 103.542 người dân đã tham gia quá trình sàng lọc 2 bước: Xét nghiệm hóa miễn dịch phát hiện máu ẩn trong phân (iFOBT) và nội soi đại tràng toàn bộ cho những người có kết quả xét nghiệm iFOBT dương tính (tất cả đều hoàn toàn miễn phí).
- 80.330 người đã hoàn thành xét nghiệm iFOBT, tỷ lệ dương tính là 6,1%.
- Trong số 4.887 người dương tính iFOBT, 2.287 người đã nội soi đại trực tràng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Tỷ lệ ung thư phát hiện trong các ca nội soi là 3,5%, tỷ lệ polyp tuyến ống là 40,9%. Những trường hợp polyp có nguy cơ đã được xử lý cắt polyp tại chỗ, nhằm giảm thiểu khả năng tiến triển thành ung thư sau này.
Dựa trên chương trình sàng lọc, VinCAPR đã tiến hành nghiên cứu bệnh – chứng về polyp và ung thư đại trực tràng nhằm phát hiện những yếu tố nguy cơ về thói quen, lối sống và di truyền đối với polyp và ung thư đại trực tràng. Chương trình VinCAPR cũng đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu của hơn 80.000 người tham gia sàng lọc và ngân hàng mẫu sinh học bao gồm mẫu máu, mẫu niêm mạc miệng, mẫu mô, mẫu nước tiểu và mẫu phân từ những người tham gia nghiên cứu.
Đây sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu trong tương lai. Trước mắt, VinCAPR đang tiếp tục phân tích dữ liệu tìm mối tương quan trên toàn hệ gen (GWAS) sử dụng các mẫu DNA của các ca bệnh – chứng của nghiên cứu để tìm các gen có mối liên quan với polyp và ung thư đại trực tràng trên quần thể người Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu thu được sẽ đóng góp thêm hiểu biết về những yếu tố nguy cơ cũng như cơ chế sinh học của bệnh, từ đó góp phần xây dựng chiến lược phòng tránh ung thư đại trực tràng hiệu quả.
Về Tạp chí Ung thư Quốc tế (International Journal of Cancer - IJC): Đây là tạp chí chính thức của Hiệp hội Phòng chống Ung thư Quốc tế (Union for International Cancer Control – UICC). UICC được thành lập từ năm 1933 tại Geneva. Hiện nay, UICC có hơn 1.200 tổ chức thành viên tại 172 quốc gia trên thế giới, đại diện của các hiệp hội ung thư lớn, bộ y tế và các nhóm bệnh nhân, bao gồm các nhà hoạch định chính sách có tầm ảnh hưởng, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia về phòng chống và kiểm soát ung thư. Tạp chí IJC có đối tượng độc giả trên toàn cầu, mỗi năm nhận được hơn 3.000 bản thảo bài báo ở nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan tới các nghiên cứu ung thư. Tạp chí IJC thuộc nhóm Q1 (top 25%) các tạp chí trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư với hệ số ảnh hưởng/tác động (Impact Factor) năm 2020 là 7,396. |
---|
- Bệnh tiền sản giật - Những điều mẹ bầu cần biết
- Bệnh giun tocoxara: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng chống
- Cắt dây rốn chậm lợi hay hại cho trẻ?