17-01-2024 11:23

Chương trình điều trị phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Chương trình điều trị phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Ngày nay, phẫu thuật thay khớp háng toàn phần cho những người bị hư chỏm xương đùi, thoái hóa chỏm vô khuẩn hay thoái hóa khớp háng mức độ nặng đã trở nên phổ biến. Nhờ kỹ thuật này mà nhiều bệnh nhân được phục hồi chức năng khớp háng, có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, để đạt được kết quả sau phẫu thuật, ngoài chỉ định đúng, kỹ thuật mổ tốt thì việc luyện tập, phục hồi chức năng thay khớp háng rất quan trọng vì nó giúp người bệnh quay trở lại với cuộc sống thường nhật nhanh chóng, an toàn và độc lập.

1. Giải phẫu học

Khớp háng là một trong những khớp lớn nhất của cơ thể, gồm có khối cầu và ổ chảo. Ổ chảo được tạo thành bởi ổ cối, là một phần của xương chậu lớn. Khối cầu là chỏm xương đùi, đầu trên của xương đùi (xương ống).
Các bề mặt xương của khối cầu và ổ chảo được bao phủ bởi sụn khớp mô trơn láng làm đệm lót cho các đầu xương để giúp chúng cử động dễ dàng.
Bao quanh khớp háng là lớp mô mỏng gọi là màng hoạt dịch. Ở khớp háng khỏe mạnh, lớp màng này tiết ra một lượng dịch nhỏ giúp bôi trơn sụn khớp và giảm thiểu gần như toàn bộ sự ma sát trong cử động khớp háng. Các dải mô gọi là dây chằng (bao khớp hông) nối khối cầu vào ổ chảo và tạo sự vững chắc cho khớp.

phục hồi chức năng thay khớp háng
Giải phẫu học khớp háng bình thường

2. Nguyên nhân thường gặp gây hư hỏng khớp háng

2.1 Thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng dạng bệnh lý khớp do tuổi tác làm hao mòn và hư hỏng sụn khớp, thường xảy ra ở người cao tuổi và đặc biệt hay gặp ở những người có tiền sử gia đình bị viêm khớp. Phần sụn khớp làm đệm lót cho các xương ở khớp háng bị bào mòn, khi đó đầu xương đùi sẽ ma sát với ổ cối và làm vỡ sụn khớp gây hẹp khe khớp, đau và dẫn đến cứng khớp.

2.2 Viêm khớp dạng thấp

Đây là bệnh tự miễn trong đó màng hoạt dịch bị viêm và dày lên. Tình trạng viêm mãn tính này có thể làm tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, từ đó gây đau và cứng khớp.

2.3 Thoái hóa viêm khớp sau chấn thương

Tình trạng này có thể xảy ra sau khi gãy hoặc tổn thương khớp háng nặng. Đầu xương đùi bị vỡ, sụn khớp có thể bị hư tổn, gây đau và cứng khớp theo thời gian.

2.4 Hoại tử chỏm vô mạch

Đây là tình trạng hư hỏng chỏm xương đùi do thiếu cung cấp máu nuôi đến chỏm xương đùi. Việc thiếu máu có thể làm cho bề mặt xương bị lún xuống, hẹp khe khớp và gây cứng khớp.

2.5 Cấu tạo bất thường ở khớp háng hoặc chi dưới

Một số trẻ sơ sinh và trẻ em có các cấu tạo bất thường ở khớp háng hay chi dưới. Mặc dù, các vấn đề này có thể đã được điều trị thành công trong thời thơ ấu, nhưng vẫn có thể gây hư khớp về sau.

3. Các chỉ định phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

3.1. Đau

Lý do thường gặp nhất để người bệnh tới gặp bác sĩ là bị đau. Đau khớp háng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đa số bệnh nhân đau nhiều khi đi lại, dần dần đau tăng lên ngay cả khi nghỉ ngơi và ban đêm, khi cử động hoặc đứng lâu. Vị trí đau hay gặp nhất là mặt trước đùi, nếp bẹn, lan xuống dưới mặt trước trong đùi, đôi khi có thể xuống tận khớp gối, ra sau mông hoặc vùng mấu chuyển xương đùi.

3.2. Hạn chế vận động

  • Giảm khả năng vận động khớp háng ngày càng tăng dần và ảnh hưởng đến các động tác sinh hoạt hàng ngày như khó ngồi xổm, khó buộc dây giày, khó đi vệ sinh, khó mặc quần áo...
  • Động tác gấp háng thường còn tốt, trong khi các động tác dạng, khép háng và đặc biệt là xoay bị ảnh hưởng rất sớm.
  • Bệnh nhân thường đi lại khó khăn, đi khập khiễng do khớp háng chịu trọng lực cơ thể nhiều nhất.

Tuy nhiên, chỉ định thay khớp háng toàn phần chỉ được đặt ra khi bệnh nhân:

  • Đau khớp háng liên tục, kéo dài cả khi nghỉ ngơi, dù ban ngày hay ban đêm;
  • Cứng khớp háng làm hạn chế khả năng di chuyển đi lại
  • Các phương thức điều trị hỗ trợ khác từ thuốc kháng viêm, vật lý trị liệu hoặc dụng cụ hỗ trợ đi bộ vẫn không đủ để giảm đau.
  • Bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng nặng giai đoạn IV
  • Bệnh nhân bị bệnh lý tiêu chỏm xương đùi giai đoạn muộn (độ 3 và 4)
  • Bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi hay vỡ chỏm xương đùi do chấn thương . . .
  • Đã thay khớp háng nhưng gặp biến chứng hoặc không đạt kết quả như mong muốn

XEM THÊM: Thay khớp háng - Giải pháp tối ưu cho người bị tiêu chỏm xương đùi nặng

4. Chương trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Tập càng sớm sau phẫu thuật càng dễ đạt được tầm vận động khớp và tránh được các biến chứng do nằm lâu. Chính vì vậy mà người bệnh phải bắt đầu tập luyện ngay khi tỉnh dậy trong phòng hồi sức. Tập luyện sớm còn giúp tăng tuần hoàn, giảm sưng phù chân mổ, tránh biến chứng tắc mạch. Để đạt được mục đích trong tập luyện, cần có sự hiểu biết, sự nỗ lực bản thân người bệnh trong suốt thời gian phục hồi và sự giúp đỡ tận tình của kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
Kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ đến hướng dẫn tại giường bệnh, thông thường 2 lần trong một ngày, mỗi lần tập khoảng 30 – 45 phút.

4.1. Mục đích cần đạt được trước khi xuất viện

  • Người bệnh biết để tránh các tư thế xấu dễ gây trật khớp háng nhân tạo
  • Lấy lại sức mạnh các cơ quanh khớp háng và khớp gối bên chân đau
  • Ngăn ngừa các biến chứng do nằm lâu ngày trên giường như: tắc mạch, viêm phổi, loét da, nhiễm trùng đường tiểu, teo cơ, cứng khớp
  • Khớp gối gập và duỗi bình thường, tránh hiện tượng cứng khớp gối.
  • Người bệnh biết cách sử dụng nạng hoặc khung đi hỗ trợ. Như vậy người bệnh có thể tự đi lại trong phòng và tự đi vệ sinh mà không sợ té ngã.
  • Người bệnh phải biết cách tập độc lập các bài tập để khi xuất viện có khả năng tự tập tại nhà vì chương trình tập luyện còn kéo dài vài tháng.

4.2 Những điểm cần lưu ý khi tập vật lý trị liệu

  • Khuyến khích người bệnh tập các động tác vận động khớp chủ động
  • Tập chậm rãi, tập theo nhịp thở tức là vừa hít thở đều đặn vừa tập
  • Phải chú trọng bài tập gồng cơ và phải tăng dần bài tập chủ động
  • Nếu phẫu thuật thay khớp háng toàn phần có xi măng: đi lại chống hai nạng hoặc chống khung, chân bệnh có thể chống chân chịu lực hoàn toàn. Thời gian đi nạng từ 3 đến 4 tuần.
  • Nếu phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không có xi măng: đi lại chống hai nạng hoặc chống khung, chân đau có thể chống chịu lực một phần sức nặng của cơ thể. Thời gian đi nạng lâu hơn, thông thường 8 đến 12 tuần.
  • Dùng một chiếc gối chèn giữa hai chân khi nằm nghỉ ngơi hoặc khi ngủ để tránh hiện tượng khép chéo hai chân gần nhau.
  • Nẹp bất động khớp gối (nẹp Zimmer): có thể dùng hoặc không dùng, tùy thuộc vào bác sĩ phẫu thuật sử dụng đường mổ vào khớp háng phía trước hay phía sau.

4.3 Chuẩn bị trước mổ

Trước khi mổ, mỗi bệnh nhân nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ sau:

  • Khung tập đi: 01 cái hoặc nạng 01 đôi.
  • Giày bata đế kếp hoặc tất chống trượt: 01 đôi.
  • Tất áp lực: 01 đôi

4.4 Chương trình tập luyện cụ thể sau phẫu thuật

1. Ngày thứ nhất

  • Tập vận động cổ chân, nhất là động tác gập mu chân: Người bệnh nằm trên giường, hít thật sâu và gập mu cổ chân, giữ yên tư thế gập trong 5 giây, sau đó thở ra và thả lỏng cổ chân, nghỉ ngơi 5 giây rồi tập lại động tác đó. Tập liên tục như vậy khoảng 20 lần
  • Tập nâng thẳng chân: Người bệnh nằm trên giường, hít sâu đồng thời nâng thẳng chân mổ lên cách mặt giường khoảng 40 cm. Động tác này giúp tăng cường sức mạnh cơ
  • Tập ngồi dậy: Kỹ thuật viên vật lý trị liệu hoặc người nhà phụ giúp nâng người bệnh ngồi dậy trên giường, hoặc ngồi dậy bỏ hai chân ra khỏi thành giường. Ngồi sớm giúp bệnh nhân thoải mái hơn và tránh biến chứng viêm phổi, tắc mạch. Nếu người bệnh lớn tuổi thì ngày thứ nhất chỉ tập ngồi dậy tư thế Fowler (kê cao phần thân người ở tư thế 45 độ so với mặt giường )
  • Tập thở: sử dụng những dụng cụ hổ trợ cho người bệnh tập thở. Người bệnh tập hít thở sâu, dung tích phổi sẽ tăng lên.
  • Tập gồng cơ bụng: giúp cho người bệnh tự tiểu tiện dễ dàng

phục hồi chức năng thay khớp háng
Bài tập phục hồi chức năng thay khớp háng ngày thứ nhất

2. Ngày thứ 2

  • Tiếp tục tập vận động cổ chân và tập nâng thẳng chân
  • Tập dạng chân: Nằm trên giường, dạng chân khoảng 40 độ với gối thẳng
  • Tập duỗi gối và gập gối không nâng đỡ: Người bệnh ngồi dậy, để 2 chân ra ngoài thành giường cho gập khớp gối nhẹ nhàng. Hít thật sâu đồng thời nâng cẳng chân lên sao cho gối duỗi thẳng, giữ nguyên tư thế đó trong 5 giây. Sau đó thở ra và thả lỏng cho khớp gối gập lại nhẹ nhàng, nghỉ ngơi 5 giây sau đó tập lại khoảng 20 lần

3. Ngày thứ 3 đến hết tuần lễ đầu

Tập đi lại bằng nạng hoặc khung hổ trợ: Đến ngày thứ ba, người bệnh bắt đầu tập đi lại, thông thường phải có hai nạng hoặc khung hổ trợ. Người lớn tuổi nên đi lại bằng khung tập đi vì khung có bốn chân nên ít bị trượt té hơn so với đi nạng. Chân mổ được phép chống chịu lực trong lúc đi lại. Thời gian đi nạng tuỳ thuộc vào loại khớp sử dụng

4. Các tuần lễ sau

Người bệnh tiếp tục tập các bài tập gập và dạng háng đến khi tầm vận động khớp đạt được như mong đợi là duỗi thẳng gối, gập háng 90 độ, dạng háng 40 độ. Vào những dịp tái khám, bác sỹ sẽ đánh giá tầm vận động khớp và sẽ chỉ dẫn những động tác khác nhằm đạt được tầm vận động tối đa

5. Từ tuần lễ thứ tư

Người bệnh bắt đầu tập những động tác tăng cường sức cơ như tập đạp xe tại chổ. Lúc đầu đạp với sức căng nhẹ sau đó tăng dần tùy theo tình trạng của mình

phục hồi chức năng thay khớp háng
Bài tập phục hồi chức năng thay khớp háng từ tuần lễ thứ tư

4.5 Những động tác nên và không nên làm trong sinh hoạt hàng ngày

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo giúp giảm đau cho người bệnh và cải thiện chức năng của khớp háng vốn đã bị hư trước đó. Cho nên khớp háng nhân tạo không bao giờ hoàn thiện như khớp thật của con người. Vì vậy để bảo vệ tốt khớp nhân tạo, người bệnh nên lưu ý để tránh một số động tác sinh hoạt hàng ngày như sau:

1.Không nên gập đùi vào bụng hoặc gập lưng xuống quá nhiều làm cho góc đùi và thân người nhỏ hơn 90 độ

  1. Không nên ngồi trên những chiếc ghế không có tay vịn, vì như thế người bệnh rất khó khăn khi đứng dậy
  2. Không nên đứng lên trong tư thế này (tức là đứng lên trong lúc hai chân ở phía trước)

Trước khi đứng dậy, người bệnh phải đặt chân đang mổ ở phía trước ghế, chân kia ở phía dưới ghế, hai tay vịn lên thành ghế để đứng dậy.

  1. Khi nằm nên dang hai chân, không nên khép chân mổ vào sát với trục giữa thân người. Không được ngồi bắt chéo chân
  2. Khi nằm ngủ nghiêng sang bên lành thì nên kẹp một chiếc gối ôm vào giữa hai chân, không nên nằm như thế này
  3. Khi đi vệ sinh: không nên ngồi trên bồn cầu thấp mà phải ngồi trên bồn cầu cao
  4. Không nên cúi người quá thấp để nhặt vật dụng sinh hoạt hay mang tất vớ

Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần cho những người bị hư chỏm xương đùi, thoái hóa chỏm vô khuẩn hay thoái hóa khớp háng mức độ nặng đã trở nên phổ biến. Nhờ kỹ thuật này mà nhiều bệnh nhân được phục hồi chức năng khớp háng, có thể đi lại và sinh hoạt bình thường.

XEM THÊM:
  • Phòng ngừa trật khớp háng sau thay khớp háng
  • Trường hợp nào cần mổ thay khớp háng nhân tạo?
  • Phương pháp điều trị đau khớp háng trái như thế nào?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan