Mục lục
Chuẩn bị trước khi mang thai là việc làm chủ động cần thiết để giúp mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh. Có rất nhiều việc phải làm, trong đó có uống vitamin, tiêm phòng, khám sản, kiểm soát cân nặng, v.v.
1. Uống vitamin
Chuẩn bị mang thai cần bổ sung các loại vitamin thiết yếu, trong đó quan trọng nhất là axit folic làm giảm nguy cơ dị tật trong những tuần đầu của thai kỳ, ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung vitamin tổng hợp trước khi có ý định mang thai để giúp mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh.
2. Tiêm phòng bệnh
Tiêm vắc xin phòng bệnh là một khâu quan trọng trong quá trình chuẩn bị mang thai, điều này không chỉ giúp mẹ và thai nhi có một thai kỳ khỏe mạnh mà còn tạo kháng thể bảo vệ trẻ trong những tháng đầu khi chưa đủ tuổi tiêm vắc xin.
Một số loại vắc xin được khuyên dùng cho phụ nữ chuẩn bị mang thai là vắc xin phòng cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván, ung thư cổ tử cung, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm gan B. Trong quá trình mang thai có thể tiêm thêm mũi VAT để ngừa uốn ván rốn trẻ sơ sinh. Lưu ý, các loại vắc xin nên tiêm cách thời điểm mang thai tối thiểu 3 tháng đề phòng nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.
3. Ngừng biện pháp tránh thai
Cơ quan sinh sản cần có một khoảng thời gian nhất định để hồi phục lại bình thường sau khi ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai. Vì vậy, trước thời điểm có kế hoạch mang thai vài tháng bạn nên ngừng tất cả các biện pháp như thuốc tránh thai hàng ngày, dụng cụ tử cung, que cấy dưới da, thay vào đó chỉ sử dụng bao cao su để tiếp tục tránh thai cho đến khi cơ quan sinh sản sẵn sàng để mang thai trở lại.
4. Khám sản
Để chuẩn bị trước khi mang thai, bạn cần đi khám sản, làm xét nghiệm tổng quát để nắm được tình hình sức khỏe chung, kết hợp thăm khám bộ phận sinh dục để xác định có hay không bệnh lý phụ khoa và mức độ bệnh. Từ đó, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về cách điều trị, khoảng thời gian dự kiến có thể mang thai trở lại, v.v.
5. Xét nghiệm sàng lọc
Xét nghiệm sàng lọc sẽ giúp hai vợ chồng biết được có hay không những rủi ro tiềm ẩn về gen di truyền của cả hai trước khi có kế hoạch mang thai. Từ đó, bác sĩ sẽ cho lời khuyên và cách thức điều trị để có thể sinh con với tỷ lệ dị tật thấp nhất.
Bạn cũng có thể xét nghiệm máu tìm kháng thể rubella, nếu không có thì bạn nên tiêm phòng vắc xin Rubella để tạo kháng thể gián tiếp cho con, giúp con phòng căn bệnh nguy hiểm này.
6. Điều trị bệnh mãn tính
Chuẩn bị cho kế hoạch mang thai, bạn cần chế ngự tốt các bệnh lý mãn tính mắc phải như cao huyết áp, tiểu đường, lupus, hen suyễn, động kinh, bệnh tuyến giáp. Bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn, theo dõi điều trị, và xác định thời điểm tốt nhất để sẵn sàng cho việc mang thai.
7. Không rượu bia, thuốc lá
Việc uống rượu bia, thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và các biến chứng thai kỳ khác. Do đó, một trong những việc làm cần thiết khi chuẩn bị mang thai là tránh xa các sản phẩm này.
8. Kiểm soát cân nặng
Thừa cân, béo phì trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sản giật, sảy thai, dị tật bẩm sinh. Do đó, để chuẩn bị trước khi mang thai, bạn cần duy trì cân nặng vừa phải, có thể qua nhiều hình thức như tập thể dục hoặc ăn kiêng.
9. Vấn đề tài chính
Để chuẩn bị mang thai bạn nên bàn bạc với chồng và các thành viên khác trong gia đình vì việc mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ rất tốn kém và gây đảo lộn các sinh hoạt hàng ngày. Tất cả các chi phí về chăm sóc thai sản, hậu sản, chăm con nhỏ có thể khiến bạn bị sốc tinh thần nếu không chuẩn bị trước.
- Kiểm tra trước mang thai: Các câu hỏi bạn sẽ được hỏi khi thăm khám
- Chẩn đoán trước sinh bệnh lý đơn gen
- Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sàng lọc ung thư đại trực tràng ở các nhóm dân số trong thời điểm dịch bệnh Covid-19