Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Chuyên khoa II - Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chửa trứng là một trong những nguyên nhân gây sảy thai hay gặp, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời chửa trứng có thể tiến triển thành chửa trứng ác tính và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sản phụ. Vậy chứa trứng ác tính là gì, có những đặc điểm như thế nào?
1. Chửa trứng ác tính là gì?
- Chửa trứng đa số là lành tính, khi đó thai trứng nằm trong lòng tử cung.
- Chửa trứng ác tính hay còn gọi là ung thư tế bào nuôi là khi mô thai trứng xâm lấn vào trong cơ tử cung, gây nên các hậu quả nghiêm trọng như gây thủng tử cung, chảy máu, xâm lấn ra các tạng xung quanh tử cung trong tiểu khung và ổ bụng, hoặc di căn xa ( như đến âm đạo, phổi, não...) tạo những khối u ác tính.
2. Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi của chửa trứng
Nguyên nhân chính xác của chửa trứng cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn, tuy nhiên đã có nhiều bằng chứng cho thấy là do sự bất thường trong quá trình thụ tinh, dẫn đến các bất thường của bộ nhiễm sắc thể.
Quá trình thụ tinh bình thường diễn ra giữa một noãn bình thường và một tinh trùng bình thường tạo nên một thai nhi bình thường
Quá trình thụ tinh bất thường của noãn và tinh trùng biểu hiện các hình thái sau:
- 1 noãn bất thường (noãn không có nhân hoặc nhân không hoạt động) thụ tinh với 1 hoặc 2 tinh trùng cùng lúc gọi là chửa trứng toàn phần
- 1 noãn bình thường thụ tinh với 2 tinh trùng cùng lúc hoặc 1 tinh trùng tự nhân đôi gọi là chửa trứng bán phần.
Các yếu tố thuận lợi của chửa trứng
- Sản phụ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi
- Mang thai nhiều lần
- Sản phụ có bất thường ở tử cung như các khối u, ung thư tử cung, sẹo tử cung..
- Sản phụ có mức sống thấp, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu sắt, acid folic, vitamin A..
Các yếu tố làm tăng nguy cơ chửa trứng bình thường thành chửa trứng ác tính như:
- Nồng độ quá cao của β-hCG)
- Khối u lớn ở tử cung
- Nang buồng trứng lớn hơn 6 cm trong mang thai
- Có biểu hiện tiền sản giật: Tăng huyết áp, protein niệu
- Nghén nặng khi mang thai
- Tuyến giáp to, hoặc biểu hiện cường giáp
- Chảy máu nhiều, thiếu máu nặng
3. Các biểu hiện của chửa trứng ác tính
3.1 Biểu hiện thể hiện đang có thai
- Tắt kinh, nghén và xét nghiệm beta HCG tăng cao
- Nghén: Thường nghén rất nặng, nôn nhiều, ăn vào lại nôn, nôn ra mật xanh, mật vàng, người gầy sút.3
3.2 Biểu hiện thai bất thường
- Tử cung to không tương xứng với tuổi thai, có trường hợp chửa trứng mới 2-3 tháng mà tử cung đã to như người có thai bình thường 5- 6 tháng.
- Không thấy thai máy
- Ra máu âm đạo: Hay xảy ra từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 16 của thai kỳ, máu đen hoặc đỏ, dai dẳng, ít một, có thể tự cầm trong một thời gian ngắn. Do mất máu nên thai phụ mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt, hay bị hoa mắt chóng mặt
- Khám: không nghe tim thai, không sờ được thai
- Siêu âm: Không thấy phôi thai, hình ảnh lỗ chỗ như tổ ông hoặc chỉ thấy 1 phần bánh rau bình thường
- Beta hcG tăng rất cao trên 100.000 m UI/ml
3.3 Các biểu hiện khác
- Biểu hiện của tiền sản giật: Phù, tăng huyết áp thai kỳ, protein niệu.
- Biểu hiện cường giáp: Tuyến giáp to, tăng hormon giáp
- Biểu hiện của xâm lấn và di căn như: Khối ở tử cung, thủng tử cung, di căn âm đạo tạo nên các nhân di căn ở âm đạo, thường là các nhân tím, ở thành trước âm đạo, di căn não, phổi gây triệu chứng ở các cơ quan này.
Chẩn đoán chửa trứng và chửa trứng ác tính chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, biểu hiện trên siêu âm và xét nghiệm Beta HcG.
4. Các biến chứng của chửa trứng ác tính
- Các biến chứng của chửa trứng ác tính hay gặp như: Sảy thai, chảy máu nặng gây thiếu máu thậm chí là sốc mất máu, thủng tử cung, vỡ tử cung do thai trứng ăn sâu vào lớp cơ tử cung, xâm lấn và di căn vào các tạng xung quang tiểu khung như âm đạo, niệu quản gây dày dính, nhiễm trùng, áp xe..
- Trong trường hợp di căn xa đến các cơ quan như phổi, não, hạch, mạch máu gây nên các biến chứng tại cơ quan đó như ho máu, khó thở, tắc mạch, động kinh...
5. Điều trị chửa trứng ác tính như thế nào?
- Nguyên tắc điều trị chửa trứng ác tính
Lấy tối đa thai trứng ra khỏi cơ thể, kết hợp điều trị hóa chất để diệt mô thai trứng ác tính
- Phương pháp cụ thể:
- Lấy thai trứng ra khỏi cơ thể bằng cách nạo hút trứng hoặc phẫu thuật xẻ cơ tử cung để lấy khối mô trứng đối với các trường hợp còn nhu cầu sinh con, được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm, có thể cần nạo hút nhiều lần để đảm bảo lấy hết thai trứng.
- Phẫu thuật cắt tử cung được chỉ định trong các trường hợp: Bệnh nhân đã lớn tuổi (≥ 40 tuổi) và đủ con; hoặc có các biến chứng như xâm lấn rộng vào tử cung gây chảy máu nặng; hoặc điều trị hóa chất không hiệu quả.
- Điều trị hóa chất
- Chất được dùng đầu tiên thường là: Methotrexate kết hợp Folinic Acid.
- Các hóa chất khác có thể được dùng nếu liệu trình đầu tiên thất bại như: EMA-CO, EMA-EP,.... có thể dùng đơn hóa trị liệu hoặc đa hóa trị liệu tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý bệnh nhân.
- Theo dõi điều trị
- Chửa trứng ác tính điều trị như ung thư, bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ và định kỳ
- Bệnh nhân sẽ được xuất viện khi xét nghiệm beta hCG trong máu trở về bình thường. sau đó bệnh nhân bắt buộc theo dõi định kỳ beta hCG ít nhất 2 năm sau đó để phát hiện sớm các trường hợp tái phát hoặc di căn xa.
- Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và xử trí kịp thời, đúng phác đồ.
6. Phòng bệnh chửa trứng ác tính như thế nào?
Các biện pháp sản phụ có thể áp dụng để dự phòng chửa trứng ác tính
- Không mang thai khi quá trẻ hoặc quá già, không mang thai nhiều lần, không nạo phá thai nhiều lần, điều trị tốt các bệnh lý phụ khoa, khối u ở tử cung trước khi mang thai, chế độ dinh dưỡng chăm sóc đầy đủ khi mang thai, lối sống lành mạnh ( không thuốc lá, chất kích thích, tránh tiếp xúc tia xạ...)
- Khám, theo dõi sát trong thai kỳ, sớm phát hiện các biểu hiện bất thường ngay từ sớm để xử trí kịp thời.
- Sau nạo hút thai trứng bao lâu mới được mang thai lại?
- Theo dõi beta HCG sau hút thai trứng: Những điều cần biết
- Thai trứng hình thành thế nào?