Mục lục
Trám răng là một thủ thuật được sử dụng rộng rãi trong nha khoa để phục hình những răng bị mẻ, sâu. Hiện nay có nhiều chất liệu trám răng khác nhau, mỗi loại có những ưu, nhược điểm riêng để đáp ứng nhu cầu và sở thích đa dạng của khách hàng.
1. Trám răng là gì?
Sâu răng có thể hình thành do thói quen thường xuyên sử dụng đồ ăn và thức uống có nhiều đường, không đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Những khu vực bị hư hỏng vĩnh viễn này có thể gây ra những lỗ nhìn thấy trên răng, vết bẩn màu nâu hoặc đen, khiến răng nhạy cảm, đau nhói.
Trám răng là thay thế các bộ phận của răng bị hư hỏng và ngăn ngừa sâu răng tiến triển hơn. Mặc dù trám răng thường là vĩnh viễn, nhưng ban đầu nha sĩ có thể điều trị sâu răng bằng cách trám tạm thời. Trám răng tạm thời sẽ không tồn tại lâu và không phải là giải pháp vĩnh viễn, bạn sẽ cần lên lịch tái khám với nha sĩ để thay thế miếng trám tạm thời bằng miếng trám vĩnh viễn.
2. Các loại chất liệu trám răng
2.1. Trám răng Composite
Trám răng composite là vật liệu trám răng được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Chúng được làm bằng thủy tinh hoặc thạch anh trong nhựa. Nha sĩ có thể chọn cách trám composite nếu kích thước lỗ sâu răng của bạn nhỏ đến trung bình hoặc răng của bạn phải nhai nhiều. Đây cũng có thể là một lựa chọn tốt cho những người ngại làm răng, vì composite có thể được kết dính tại chỗ, có nghĩa là ít phải khoan hơn.
- Ưu điểm: Nha sĩ có thể ghép màu của miếng trám composite gần với màu răng của bạn. Chất liệu composite cũng khá bền, thường có thể được hoàn thành trong một lần, có thể được sử dụng để sửa các lỗ sâu nhỏ hay cả những hư hỏng lớn hơn, chỉ nhạy cảm với nhiệt độ trong thời gian ngắn sau khi trám.
- Nhược điểm: Vật liệu trám composite có thể bị ố vàng hoặc đổi màu theo thời gian, giống như răng của bạn.
2.2 Trám răng GIC (Glass ionomer Cement)
Trám răng GIC được làm bằng axit acrylic và bột thủy tinh mịn.
- Ưu điểm: Chúng có thể có màu để hòa hợp với những chiếc răng lân cận của bạn. Chúng cũng có thể được thiết kế để giải phóng một lượng nhỏ florua, giúp ngăn ngừa các lỗ sâu răng hình thành.
- Nhược điểm: Những miếng trám này có thể bị vỡ, vì vậy chúng không phải là lựa chọn tốt cho những bề mặt phải nhai nhiều. Ngoài ra, chúng có thể không thích hợp với những lỗ sâu răng lớn. Thay vào đó, nha sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng nó cho một lỗ sâu gần đường viền nướu của bạn hoặc để trám giữa các răng.
2.3. Trám răng bằng sứ
- Ưu điểm: Màu sắc gần giống với răng của bạn. Những vật liệu này giữ được lâu và rất cứng.
- Nhược điểm: Không được sử dụng phổ biến. Bạn sẽ cần nhiều lần đến gặp nha sĩ để phục hình răng sứ và chi phí có thể cao hơn các lựa chọn khác.
2.4 Chất trám Amalgam
Đây là loại chất trám được sử dụng phổ biến nhất trong nhiều năm và chúng vẫn được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Các nha sĩ đã sử dụng vật liệu này để trám răng trong hơn một thế kỷ. Những chất trám này kết hợp bạc, thiếc, đồng và thủy ngân. Chúng rất bền và có thể kéo dài khoảng 15 năm
- Ưu điểm: Chúng bền lâu và tương đối rẻ. Quá trình trám tương đối đơn giản vì nha sĩ không phải lo lắng về việc giữ cho răng sạch và khô trong quá trình lắp đặt. Chúng cũng có chi phí thấp hơn so với các vật liệu khác được sử dụng trong phục hình răng.
- Nhược điểm: Amalgam có màu bạc, vì vậy người khác có thể nhìn thấy chúng khi bạn cười. Ngoài ra, bạn có thể tạm thời nhạy cảm với nóng hoặc lạnh sau khi trám răng.
Nha sĩ của bạn có thể đề nghị amalgam nếu lỗ sâu của bạn nằm ở răng hàm sau, vì nó có khả năng nhai tốt. Một số người có thể lo ngại về độ an toàn của thủy ngân trong hỗn hống, nhưng Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cho biết vật liệu này an toàn.
2.5. Chất liệu trám răng bằng vàng
Loại chất liệu trám răng này thực ra là hợp kim của vàng và một số kim loại khác.
- Ưu điểm: Chắc chắn và không có khả năng bị hỏng hoặc ố vàng.
- Nhược điểm: Màu sắc sẽ không phù hợp với răng của bạn, vì vậy nó thường được sử dụng cho răng sau hoặc sâu răng không lộ ra ngoài. Ngoài ra, nó có thể tương đối đắt tiền.
Trám răng là một phương pháp được ưa chuộng bởi nó vừa đơn giản, nhanh chóng, lại ít gây đau đớn cho người bệnh và chi phí cũng tương đối hợp lý. Dựa trên ưu, nhược điểm của các loại chất liệu trám răng khác nhau, khách hàng có thể lựa chọn trám răng bằng gì sao cho phù hợp nhất với nhu cầu và sở thích của bản thân.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com
- Khi nhổ răng kiêng ăn gì cho đỡ đau, nhanh lành?
- Tiêu xương răng: Những điều cần biết
- Đau răng, rụng răng ở người cao tuổi