17-01-2024 12:44

Chơi một trò chơi - Học nhiều kỹ năng

Chơi một trò chơi - Học nhiều kỹ năng

Bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - Chuyên viên Âm ngữ trị liệu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City

Nhiều trẻ em rất thích chơi các loại đồ chơi là phương tiện giao thông như: xe ô tô, tàu hỏa, máy bay... Với một chiếc xe ô tô đồ chơi, bạn nghĩ rằng, bạn và con sẽ chơi được bao nhiêu cách? Và với chiếc ô tô này, con của bạn có thể học được bao nhiêu kỹ năng?

1. Dạy trẻ kỹ năng thông qua việc chơi cùng con

Với nhiều cha mẹ cảm thấy thật khó khi chơi cùng con. Lý do không phải vì họ không dành thời gian chơi cùng con hay không nương theo con mà bởi nguyên nhân:

  • Người lớn tập trung rất nhiều vào “chức năng” của món đồ chơi. Chẳng hạn: ô tô thì phải đi trên đường, ô tô phải chở động vật, bút dùng để viết (không phải là micro để hát),...
  • Người lớn phải “nhớ” lại cách mà họ đã từng chơi để “hướng dẫn” lại con. Hoặc một số người lớn lại không biết làm thế nào để sử dụng một món đồ chơi mới do chưa từng có trải nghiệm với nó.
  • Một số người lớn lại thường xuyên nhớ đến những trải nghiệm không mấy vui vẻ trước đây, khi họ chơi cùng con và vô tình con “từ chối” họ.
  • Người lớn nghĩ rằng, chơi là “phải” học một thứ gì đó rất cụ thể, chẳng hạn: học đếm, học màu,...
  • Một trong những lý do khá phổ biến nữa là con thường chơi theo kiểu của con mà không làm theo hướng dẫn của cha mẹ, điều này khiến cha mẹ cảm thấy khó để duy trì một hoạt động chơi cùng con.

Tuy nhiên, với trẻ em, chúng không nghĩ nhiều như vậy. Chơi chỉ đơn giản là chơi và chơi thì phải vui. Nếu cha mẹ hiểu được điều này thì lợi ích của việc chơi đùa không chỉ đơn giản là con học được số đếm, học được màu sắc mà con còn học được các trò chơi kỹ năng sống, trò chơi rèn luyện kỹ năng quan sát, trò chơi rèn kỹ năng bảo vệ bản thân hay các kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, những mục tiêu học tập này phải được tích hợp một cách khéo léo trong một hoạt động chơi vui vẻ.

2. Một số gợi ý hiệu quả để cha mẹ có thể chơi cùng con

2.1. Dạy nhận biết các phần của trò chơi

Bạn có thể giấu các phần của một bộ trò chơi (ví dụ: xe ô tô, mảnh ghép cầu, biển báo,...) ở những nơi khác nhau và cùng con chơi trò chơi “truy tìm kho báu” để tìm ra các phần còn thiếu của trò chơi. Sau mỗi lần tìm thấy một món đồ, bạn hãy hướng dẫn con gọi tên món đồ đó. Điều này giúp con học kỹ năng qua trò chơi rất nhiều.

trò chơi kỹ năng sống
Trò chơi kỹ năng sống với gợi ý dạy con nhận biết các phần của trò chơi

2.2. Cung cấp vốn từ vựng

Bạn hãy khuyến khích con gọi tên món đồ vật con cần trước khi bạn đưa nó cho con. Nếu con có một món đồ chơi lắp ghép, bạn cũng có thể dạy con gọi tên từng bộ phận của món đồ đó trước khi ghép chúng lại với nhau. Trong khi con chơi, bạn có thể làm mẫu sử dụng các câu bình luận đơn giản, phù hợp với khả năng hiểu và khả năng diễn đạt của con như: “ô tô đang đi chậm trên cầu”, “các bạn chờ tới lượt nhé”, “ôi bạn mèo bị ngã rồi, chúng ta cần gọi cho xe...”

2.3. Làm theo các yêu cầu gồm nhiều bước

Tùy theo độ tuổi và năng lực của trẻ, bạn có thể đưa ra các yêu cầu bao gồm một hoặc nhiều bước để trẻ thực hiện. Việc này đòi hỏi trẻ phải có khả năng hiểu yêu cầu và nhớ đủ lâu để thực hiện đúng yêu cầu đó. Chẳng hạn:

  • Với trẻ 1-2 tuổi, bạn hãy đưa ra các yêu cầu bao gồm 1 thành phần. Ví dụ: “ô tô đâu rồi”, “con cho xe dừng lại”, “cho xe đi lên nào”, “chỉ cho mẹ ô tô”, “đưa bóng cho mẹ nào”,...
  • Với trẻ 2-3 tuổi, bạn hãy đưa ra các yêu cầu bao gồm 2-3 thành phần. Ví dụ: “cho gấu lên xe rồi chở đi”...
  • Với trẻ 3-4 tuổi, bạn hãy đưa ra các yêu cầu bao gồm 3-4 thành phần. Ví dụ: “đặt gấu lên xe, chở lên cầu rồi trượt xuống”...

2.4. Lần lượt từng bước

Bạn chỉ sử dụng một bộ đồ chơi và khuyến khích con chơi lần lượt cùng mình. Trong giai đoạn đầu dạy con chơi lần lượt, bạn hãy cho con nhiều lượt chơi hơn, còn bạn thì chơi thật nhanh lượt của mình. Điều này giúp con hiểu khái niệm “lần lượt chơi”. Bởi vì có rất nhiều trẻ em khi thấy người lớn chơi thì sợ rằng người lớn sẽ lấy mất đồ chơi nên thường không sẵn sàng chia sẻ đồ chơi của mình. Sau khi con đã quen với việc lần lượt, bạn có thể kéo dài thời gian trong lượt chơi của bạn và cuối cùng là chơi luân phiên cân bằng cùng nhau: con một lượt – mẹ một lượt.

2.5. Dạy số đếm

Bạn có thể làm mẫu đếm số lượng ô tô, số lượng chi tiết của bộ đồ chơi,... sau đó, hướng dẫn con đếm theo. Ở những lần chơi đầu tiên, bạn có thể chỉ đếm đến 3 rồi cho trẻ nhắc lại. Bạn đừng kỳ vọng rằng trẻ có thể đếm và trả lời đúng được số lượng ô tô mà bạn yêu cầu ngay lập tức, thay vào đó, hãy khiến trò chơi thật tự nhiên và vui vẻ để con có động lực tiếp tục trò chơi đếm số cùng bạn. Đây cũng là một trò chơi kỹ năng sống cho trẻ mầm non.

2.6. Dạy ngôn ngữ

Bạn có thể khuyến khích con dùng từ đơn (đối với trẻ 1 tuổi), cụm 2-3 từ (đối với trẻ 2 tuổi), câu đơn giản (đối với trẻ từ 3 tuổi) để thể hiện nhu cầu và ý tưởng chơi của mình. Nếu con nói chưa thực sự rõ ràng và đầy đủ, bạn hãy nói lại và làm mẫu câu mới cho con. Chẳng hạn, trẻ nói “muốn xe”, bạn có thể nói “con muốn xe”. Bên cạnh đó, bạn hãy chú ý đến việc dạy con sử dụng kết hợp cả lời nói và cử chỉ điệu bộ (mỉm cười, gật đầu, lắc đầu) để giao tiếp. Ngoài ra, bạn cũng nên hướng dẫn trẻ các khái niệm như: của con, của mẹ, của chị,...

2.7. Dạy các khái niệm

Việc dạy các khái niệm có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Trẻ sẽ học và dùng các khái niệm về màu sắc, hình dạng, tính chất,... để mô tả những gì trẻ nhìn thấy hoặc thể hiện nhu cầu của mình.

  • Về màu sắc: hãy khuyến khích trẻ xếp phân loại các nhóm đồ chơi có cùng màu sắc với nhau. Ví dụ: nhóm xe màu đỏ, nhóm xe màu xanh,...
  • Về kích cỡ/ hình dạng: Bạn có thể làm mẫu nhận xét về một đồ chơi (ví dụ: bánh xe này hình tròn, đường ray này cong,...). Bạn có thể tổ chức trò chơi “vật bí ẩn” bằng cách cho trẻ chạm vào đồ vật và mô tả đặc điểm của vật đó để bố/ mẹ đoán tên.
  • Khái niệm “đầu tiên, ở giữa, sau cùng”: Nếu con chơi tàu hỏa, bạn có thể giới thiệu với con lần lượt từng toa tàu. Nếu con chơi những đồ chơi khác, bạn có thể sắp xếp các đồ chơi thành một hàng và chơi trò “điểm danh” để đi lên xe.
  • Gọi tên các hành động: nhanh/ chậm, bật/ tắt, đi/ dừng,...

2.8. Kỹ năng chơi tưởng tượng

Bạn có thể thêm một vài món đồ chơi (ví dụ: búp bê, động vật) và hướng dẫn con “tưởng tượng” về sinh hoạt hằng ngày của các bạn đồ chơi. Chẳng hạn: ô tô chở búp bê đến trường, ô tô đi đến siêu thị, ô tô chở động vật đi bơi,... Với những lượt chơi đầu tiên, hãy lựa chọn những món đồ chơi có liên quan đến đồ con đang chơi và là đồ chơi con cũng quan tâm. Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng chấp nhận việc thêm một loại đồ chơi mới với nhiều hành động chơi phức tạp hơn.

2.9. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Dựa trên những hoạt động chơi tưởng tượng, bạn có thể “cố tình” tạo ra các tình huống có vấn đề một cách tự nhiên và hướng dẫn trẻ xử lý vấn đề đó. Chẳng hạn: ô tô đang đi thì bị hết xăng, bạn búp bê đang chơi bị ngã, hai bạn tranh giành đồ chơi của nhau,...

Kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng giải quyết vấn đề với các trò chơi kỹ năng sống

2.10. Với những trẻ chỉ thích chơi một bộ đồ chơi nhất định

Trẻ em tự kỷ thường là những em bé dễ có xu hướng “chơi một món đồ chơi” bằng một cách cố định và rập khuôn. Với những trẻ này, bạn sẽ cần phải sử dụng đồ chơi một cách linh hoạt để vừa khuyến khích trẻ tương tác với người khác, vừa tăng động lực chơi của trẻ đồng thời hướng dẫn trẻ sử dụng ngôn ngữ để thể hiện nhu cầu, cảm xúc của mình. Đôi khi, trẻ sẽ muốn chơi mãi một đồ chơi, bạn có thể áp dụng một số chiến lược như:

  • Đưa ra quy định chơi rõ ràng. Ví dụ: con chỉ chơi ô tô trong 10 phút, sau đó chuyển sang hoạt động khác.
  • Sử dụng món đồ chơi trẻ thích như là một phần thưởng để khuyến khích và tăng cường động lực chơi của trẻ.
  • Mở rộng trò chơi bằng cách thêm các đồ chơi mới hoặc tăng cường hệ quả của trò chơi. Ví dụ: thay vì ô tô đi lên cầu rồi trượt xuống thì ô tô có thể chui qua đường hầm rồi, đi lên cầu rồi mới trượt xuống,...

Bạn có thể sẽ cần phải lên kế hoạch trước cho hoạt động chơi của mình và con. Hãy đảm bảo rằng, những mục tiêu dạy học (ngôn ngữ, chú ý, tương tác xã hội) của bạn được tích hợp một cách khéo léo trong trò chơi để trẻ tham gia chơi một cách vui vẻ, tự nguyện.

Thực chất việc chơi cùng con và dạy con những kỹ năng sống là điều không quá khó, tuy nhiên bố mẹ cần là người kiên trì và hiểu tính cách trẻ để từ đó có thể tạo ra sự hứng thú trong việc con chơi và học hàng ngày.

Nguồn tham khảo: childdevelopment.com.au

XEM THÊM:
  • Đặc điểm tâm lý của trẻ em độ tuổi nhi đồng và vị thành niên
  • Sự phát triển của trẻ sơ sinh sinh ra ở tuần thứ 37
  • Đặc điểm tâm lý trẻ em độ tuổi 1 - 6 tuổi

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan