Mục lục
Trẻ được 6 tháng là thời điểm lý tưởng nhất để bé bắt đầu ăn dặm, bởi lúc này sữa mẹ không chứa đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Mặc dù, thực hiện cho trẻ ăn bổ sung nhưng vẫn cần duy trì cho trẻ bú mẹ hoặc sử dụng sữa công thức đều đặn. Vậy khi bé tập ăn dặm ngày mấy lần là đủ?
1. Trẻ ăn dặm ngày mấy lần là phù hợp?
Thực hiện cho trẻ ăn bổ sung hay ăn dặm sẽ tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể cũng như phụ thuộc vào từng trẻ. Tuy nhiên, bé tập ăn dặm ngày mấy lần sẽ dựa vào sự phát triển của trẻ, và có thể dựa vào một số khuyến cáo chung như sau:
- Khi trẻ ngồi chưa vững tức trẻ vẫn cần được cha mẹ hỗ trợ khi ngồi thì có thể cho trẻ ăn 2 đến 3 lần/ngày và sử dụng các loại thức ăn đã được nghiền hoặc xay nhuyễn hoặc dầm nát, hoặc thức ăn semi-solid - không quá cứng cũng không quá mềm
- Khi trẻ ngồi vững được và không cần sự hỗ trợ của người lớn thì trẻ ăn dặm ngày mấy lần. Ở thời điểm này trẻ có thể ăn 2 đến 3 lần/ngày với những loại thức ăn gần tương tự với thức ăn của gia đình. Và thức ăn bé ăn dặm sẽ được sử dụng dầm mềm và không có cục.
- Khi trẻ bò được thì có thể cho trẻ ăn từ 3 đến 4 lần/ngày và thức ăn được sử dụng cho trẻ tương tự với bữa ăn của gia đình, thức ăn có thể được dầm mềm, với cục nhỏ hoặc thức ăn giòn, tan trong miệng bé khi cắn chẳng hạn như bánh gạo.
- Khi bé đi được thì bé ăn dặm ngày mấy lần. Lúc này nên cho bé ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày được coi như khá lý tưởng. Thức ăn của bé ở giai đoạn này có thể to hơn một chút để bé có thể cắn được, thức ăn có nhiều dạng khác nhau, sử dụng thức ăn cắt miếng bằng một miếng cắn của bé.
Ngoài các bữa ăn dặm thì bé vẫn cần uống thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Một số nguyên tắc chung nên thực hiện khi cho trẻ ăn dặm: Khi thực hiện cho bé ăn dặm thì nguyên tắc đầu tiên cần nhắc tới nên tập cho trẻ ăn thức ăn từ loãng tới đặc, và thức ăn từ ít đến nhiều. Trong những bữa ăn dặm đầu tiên, bé có thể chỉ ăn từ 1 đến 2 thìa cà phê thức ăn. Nếu bé tỏ ra háo hức với việc làm quen với thực phẩm trong bữa ăn thì bạn có thể tăng dần lượng thực phẩm lên trong những bữa ăn tiếp theo cho đến khi bé có thể ăn được khoảng 50-100 ml/lần.
Trong những năm đầu đời của trẻ, ngoài việc tăng số lượng thức ăn trong mỗi bữa ăn của trẻ, số bữa ăn của trẻ cũng được tăng dần, bắt đầu một bữa mỗi ngày và cứ thế tăng dần lên. Khi lượng thức ăn của bé tăng dần lên thì bé cũng sẽ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức ít hơn. Tuy nhiên, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn cung cấp nguồn dinh dưỡng chính của bé. Với bé 1 tuổi, sữa vẫn nên chiếm khoảng 70% khẩu phần ăn hàng ngày của bé.
2. Một số dấu hiệu cha mẹ cần chú ý khi cho trẻ ăn dặm
2.1 Dấu hiệu dị ứng thức ăn
Sau mỗi lần cho trẻ thử thực phẩm mới, người lớn cần theo dõi cũng như phát hiện kịp thời các dấu hiệu dị ứng thức ăn ở trẻ chẳng hạn như chướng bụng, đầy hơi, nổi ban li ti ở mặt, chảy nước mũi nước mắt, phân lỏng hoặc có nhầy, ban đỏ quanh hậu môn, quấy khóc, nôn hay trớ nhiều hơn bình thường. Nếu trẻ có những triệu chứng này thì cần ngừng sử dụng các loại thực phẩm và có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Để có thể nhanh chóng tìm được loại thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ, mỗi lần cho trẻ thử thực phẩm mới, bà mẹ nên chờ ít nhất 2 đến 3 ngày để theo dõi rồi sau đó mới chuyển sang thực phẩm khác. Theo khuyến cáo của Hội Nhi khoa Hoa Kỳ, thực phẩm giàu đạm bao gồm trứng có thể được giới thiệu cho trẻ sau cùng vì đôi khi trứng có thể gây nên các triệu chứng dị ứng ở trẻ.
Nếu trong gia đình có tiền sử dị ứng thực phẩm, mẹ có thể liệt kê những loại thực phẩm có thể có nguy cơ gây dị ứng cho trẻ, như vậy sẽ giúp mẹ nhận rõ được dấu hiệu dị ứng thực phẩm của trẻ hơn và có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng này cho trẻ.
2.2. Phân của trẻ thay đổi
Khi chế độ ăn của trẻ thay đổi thì phân của trẻ cũng thay đổi cả về độ đặc, màu sắc và mùi. Khi trẻ ăn dặm thì phân có thể chắc hơn, nhưng do bữa ăn của trẻ có đường, chất béo nên phân có mùi mạnh hơn. Tuy nhiên, các loại rau xanh có thể làm cho phân có màu theo màu sắc của rau sử dụng trong các bữa ăn. Đôi khi một số loại thức ăn sẽ bị đẩy ra cùng phần. Bởi vì, đường tiêu hoá của trẻ chưa trưởng thành và cần có thời gian để bé có khả năng dung nạp các loại thực phẩm.
Phân lỏng hoặc nhiều nước hoặc nhầy có mùi đồng nghĩa với việc hệ tiêu hoá bị kích thích. Lượng thức ăn đặc cho trẻ có thể cần được giảm thiểu và chờ cho bé làm quen với những loại thực phẩm này.
3. Những lưu ý khi thực hiện cho trẻ ăn bổ sung
Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để tốt nhất cho sự phát triển của bé. Khi cho trẻ ăn dặm, mẹ nên chú ý bổ sung nước cho con, nước có thể cho trẻ uống giữa các cữ ăn hoặc trong các bữa phụ, hoặc nếu trẻ khát. Cần tránh cho trẻ uống nước cam, nước quýt sớm vì với một số trẻ có thể nhạy cảm với những loại quả ngày. Uống nước quả nhiều hoặc ăn một lượng hoa quả nhiều có thể khiến cho trẻ xảy ra hiện tượng phát ban, tiêu chảy hoặc tăng cân quá mức.
Khi mới bắt đầu ăn dặm, cha mẹ không nên cho trẻ ăn nước hầm xương. Mặc dù nước hầm xương có thể tạo cho trẻ có cảm giác ngon miệng nhưng thành phần dinh dưỡng của loại nước này có chứa khá ít canxi. Bên cạnh đó, tủy xương chứa nhiều chất béo động vật khó hấp thu với hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi. Nên trẻ ăn nước hầm xương có thể gây nên tình trạng rối loạn tiêu hoá.
Khi trẻ ăn xong, cha mẹ cần chú ý vệ sinh răng miệng, chân tay thật sạch cho con nhằm đảm bảo tốt vệ sinh cho trẻ.
4. Một số nguy cơ có thể xảy ra khi cho trẻ ăn dặm
Khi cho trẻ ăn dặm có thể gặp tình trạng hóc nghẹn, vì trẻ nhỏ không biết cách nhai thức ăn thành từng miếng nhỏ tạo thuận lợi cho quá trình nuốt. Vì vậy, trẻ dễ bị hóc nghẹn khi ăn đặc biệt các loại thức ăn nhỏ, dạng tròn hoặc hình ống chẳng hạn như xúc xích, lát cà rốt cắt ngang, các loại hạt, kẹo cứng....
Một số biện pháp giúp phòng tránh tình trạng hóc nghẹn khi trẻ ăn dặm bao gồm: Cha mẹ luôn luôn theo dõi trẻ trong quá trình ăn, trẻ ăn phải ngồi bàn ghế và tư thế tập trung, khi sử dụng dụng các loại rau củ sống, cha mẹ nên bào nhỏ để trẻ có thể nhai dễ dàng hơn, khi nấu thực phẩm nên nấu mềm với các loại trái cây, rau quả cứng, đối với thức ăn tròn thì nên cắt ngang,...
Việc chế biến thức ăn kỹ sẽ giúp quá trình ăn dặm của trẻ trở lên dễ dàng và bé hợp tác hơn. Điều này vô cùng quan trọng trong chế độ ăn dặm của trẻ.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giải đáp được cho cha mẹ thắc mắc bé tập ăn dặm ngày mấy lần? Cũng như hướng dẫn cách cho trẻ làm quen với chế độ ăn dặm hoàn chỉnh theo từng giai đoạn.
- Các nguyên tắc cần biết khi cho trẻ ăn dặm
- Nguyên nhân và cách điều trị trẻ nổi mẩn đỏ khắp người?
- Sau ngộ độc: Khi nào trẻ có thể ăn uống bình thường trở lại?