Mục lục
Lysine là một axit amin quan trọng với cơ thể. Thực tế, cơ thể con người không thể tự sản xuất được loại axit amin này nên cần bổ sung từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Vậy cha mẹ nên cho bé uống lysine vào lúc nào trong ngày để hấp thu tốt nhất?
1. Lysine là gì?
Lysine là một loại axit amin cần thiết cho cơ thể, có tên gọi khoa học là a,e-di amino-n-caproic acid. Cơ thể cần lysine để tổng hợp protein, chuyển hóa carbohydrate và các axit béo.
Ngoài tác dụng giúp tăng trưởng, lysine còn tham gia vào quá trình sản xuất carnitine, một chất dinh dưỡng chịu trách nhiệm chuyển hóa axit béo thành năng lượng và giúp giảm cholesterol. Lysine giúp sản xuất collagen và cũng có thể giúp cơ thể hấp thụ canxi để giúp trẻ có xương và răng chắc khỏe.
Nếu trẻ không được cung cấp đủ lysine từ chế độ ăn uống của mình, trẻ có thể bị mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, chán ăn, kích động, đỏ mắt, chậm lớn, thiếu máu hoặc rối loạn sinh sản ở tuổi trưởng thành. Theo đó, bổ sung lysine cho trẻ là cần thiết trong các trường hợp này. Vậy bổ sung lysine cho bé như thế nào?
Hiện nay, có rất ít nghiên cứu đầu tay về tác dụng của chất bổ sung lysine cho trẻ em. Một số nhà nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp NWFP ở Peshawar, Pakistan đã chứng minh lợi ích của việc bổ sung lysine vào lúa mì trong một bài báo "Food and Nutrition Bulletin" công bố vào tháng 6 năm 2004. Kết quả nghiên cứu cho rằng trẻ ăn bột mì được bổ sung lysine có chiều cao và cân nặng tăng đáng kể so với nhóm trẻ ăn bột mì không có lysine.
Ngoài ra, lysine có thể mang lại những lợi ích vẫn chưa được chứng minh thông qua các nghiên cứu. Cụ thể, lysine có thể làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của virus. Nó có thể bảo vệ chống lại sự lây truyền virus herpes qua đường tình dục. Khi phối hợp với vitamin C và bioflavonoid, lysine có thể ngăn ngừa mụn rộp tái phát. Bên cạnh đó, lysine có thể cải thiện cách cơ thể sử dụng canxi. Nó có thể hỗ trợ sự phát triển của hệ xương. Ngoài ra, lysine cũng có thể ngăn ngừa mệt mỏi và tăng khả năng chịu đựng của cơ thể trước các căng thẳng về tâm lý.
Thức ăn là nguồn cung cấp tốt nhất của lysine cho cơ thể. Lysine có nhiều trong các loại thực phẩm sau:
- Thịt bò, thịt lợn
- Thịt gia cầm
- Phô mai
- Cá tuyết, cá mòi
- Trứng gà
- Đậu hũ, đậu nành
- Tảo xoắn
- Các sản phẩm từ sữa
- Bia lên men
- Các loại đậu
2. Cách dùng lysine cho bé hiệu quả
Tương tự như các loại thuốc hay thực phẩm chức năng khác, việc bổ sung lysine cho trẻ cần có sự tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia về dinh dưỡng.
Lysine bổ sung thường có dạng viên nén, viên nang, dạng bột và dạng lỏng. Dạng lỏng là dạng phổ biến và dễ tìm kiếm trên thị trường, trong đó các nhà sản xuất thường lựa chọn nhóm L-lysine. Trường hợp, bố mẹ quyết định cách cho bé uống lysine cần lưu ý không kết hợp nhiều dạng bào chế với nhau. Việc sử dụng đồng thời nhiều loại lysine khác nhau làm tăng nguy cơ quá liều.
- Trẻ em từ 2 đến 12 tuổi có thể dùng 23 mg lysine/ kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
- Trẻ em dưới 2 tuổi không nên dùng lysine mà không có sự giám sát của bác sĩ.
- Trẻ em từ 13 tuổi trở lên có thể dùng theo liều khuyến cáo của người lớn là 12 mg/ kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Lưu ý, trong mọi trường hợp, mẹ không sử dụng quá liều lượng được ghi trên nhãn sản phẩm cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chú ý về việc cho bé uống lysine vào lúc nào trong ngày? Các chuyên gia cho rằng lysine nên được bổ sung vào cơ thể khi bụng đói, nhằm tăng cường khả năng hấp thu lysine trong hệ tiêu hóa. Bố mẹ có thể cho bé uống lysine ngay sau khi bé thức dậy và trước khi dùng bữa sáng.
3. Các lưu ý để bổ sung lysine cho bé đúng cách
Sử dụng một chất bổ sung cho một loại axit amin có thể dẫn đến sự cân bằng nitơ âm tính trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm hiệu quả trao đổi chất của trẻ. Nó có thể khiến thận của trẻ phải làm việc nhiều hơn.
Ở trẻ em, các chất bổ sung axit amin đơn lẻ có thể gây ra các vấn đề về tăng trưởng. Trẻ em không nên được dùng liều cao các axit amin đơn lẻ trong thời gian dài.
Trước khi bổ sung lysine, cần thông báo nếu trẻ gặp phải các tình trạng sức khỏe sau:
- Đái tháo đường
- Loãng xương
Bởi lysine có thể làm giảm lượng canxi mà cơ thể hấp thụ, đồng thời có thể tương tác với một số loại thuốc và chất bổ sung khác. Trước khi cho bé uống lysine, bố mẹ cần nhớ liệt kê các loại thuốc và các chất bổ sung khác mà trẻ đang sử dụng. Lysine không nên được dùng chung với một số loại thuốc như gentamicin, amikacin, kanamycin, netilmicin, neomycin, netilmicin, streptomycin và tobramycin. Nếu trẻ đang sử dụng arginine, arginine có thể làm giảm khả năng hấp thụ lysine của cơ thể.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã không phê duyệt lysine để điều trị bất kỳ loại bệnh lý nào. Các nội dung giới thiệu về lysine có thể khác nhau giữa các công ty, bởi vì không có tiêu chuẩn sản xuất nào quy định chung cho loại chất bổ sung này.
Mặc dù việc dùng quá liều đến mức đe dọa tính mạng là điều khó xảy ra, nhưng con bạn có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn. Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu con bạn có dấu hiệu của một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm, khó thở, nổi mề đay hoặc sưng môi, lưỡi hoặc phù mặt.
Mặc dù chưa biết rõ tất cả các tác dụng không mong muốn, viên uống bổ sung lysine vẫn được đánh giá an toàn và có thể sử dụng liên tục trong vòng 1 năm. Các tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm đau bụng và tiêu chảy.
Tóm lại, lysine là một loại axit amin cần thiết cho cơ thể và đem lại rất nhiều lợi ích cho trẻ nhưng mẹ cần bổ sung lysine một cách đúng đắn và khoa học. Cũng giống như các loại thuốc hay thực phẩm chức năng khác, việc bổ sung lysine cho trẻ cần có sự tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia về dinh dưỡng.
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.
- Lysine là gì? Lợi ích và tác dụng phụ
- 4 lợi ích sức khỏe ấn tượng của Lysine
- Các loại axit amin thiết yếu gồm những loại nào?