Mục lục
Trong 6 tháng đầu sau khi chào đời, trẻ cần được cho bú sữa mẹ hoàn toàn. Sau khoảng thời gian này, sữa mẹ không còn đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho quá trình phát triển của trẻ, trẻ cần được ăn bổ sung bắt đầu với chế độ ăn dặm ngọt cho bé. Vậy các bậc phụ huynh nên cho bé ăn bột ngọt đến mấy tháng?
1. Ăn dặm ngọt cho bé nên bắt đầu khi nào?
Chọn thời điểm để bắt đầu ăn dặm cho bé là rất quan trọng, nếu trẻ ăn dặm quá sớm sẽ làm giảm hấp thụ lượng sữa mẹ, tăng nguy cơ mắc bệnh, giảm sức đề kháng, khó tiêu hóa thức ăn. Mặt khác, nếu trẻ ăn dặm quá muộn, trẻ sẽ không nhận đủ lượng dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến chậm lớn, suy dinh dưỡng, khó tập ăn về sau.
Theo khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung hay còn gọi là ăn dặm lúc 6 tháng tuổi, đây là thời điểm trẻ cần thêm rất nhiều năng lượng từ thức ăn như bột, cháo. Ở độ tuổi này, trẻ cũng đã cơ bản điều chỉnh được thao tác lưỡi tốt hơn để đưa thức ăn di chuyển trong miệng, trẻ có khả năng nhai và dịch chuyển hàm lên xuống, hệ tiêu hóa cũng đã phát triển cơ bản đủ để tiêu hóa một số loại thức ăn.
Tuy nhiên, nếu trẻ nhỏ hơn 6 tháng, cụ thể là một em bé 5 tháng tuổi được cho bú mẹ đúng cách nhưng vẫn không tăng cân đạt chuẩn, hoặc mẹ bị mất sữa thì vẫn nên cân nhắc cho trẻ ăn dặm sớm hơn ở lứa tuổi này. Thức ăn bổ sung cho trẻ cần phải có độ keo đặc thích hợp, thực đơn ăn dặm ngọt cho bé nên chuyển dần từ dạng lỏng sang sệt, rồi đặc dần, từ lượng ít đến lượng nhiều để bé làm quen dần các loại thức ăn mới.
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, phụ huynh nên tập cho bé ăn bột ngọt rồi sau đó chuyển dần sang bột mặn tùy thuộc vào sở thích của từng trẻ, điều này được giải thích là do bột ngọt có vị rất gần với mùi vị sữa mẹ, trẻ dễ làm quen hơn khi bắt đầu ăn dặm.
Cụ thể, phụ huynh có thể bắt đầu thực đơn ăn dặm ngọt cho bé với 1 muỗng bột, pha lỏng, cho ăn 1 cữ/ngày. Sau đó nếu bé không bị táo bón thì có thể pha bột đặc hơn 1 chút đến khi bé có thể thích nghi tốt, ăn được thì tăng lên 2 cữ/ngày hoặc cho ăn theo nhu cầu của bé. Khi ăn dặm ngọt cho bé mẹ có thể pha thêm sữa vào nếu bé bú sữa kém, không cần cho rau vào bột ngọt vì đây chỉ là giai đoạn tập cho bé quen với thức ăn rắn.
2. Cho trẻ ăn bột ngọt trong bao lâu?
Sau khi trẻ đã quen với thực đơn ăn dặm ngọt cho bé, vấn đề tiếp theo rất được các bậc cha mẹ quan tâm đó là cho bé ăn bột ngọt đến mấy tháng, cho trẻ ăn bột ngọt bao lâu thì chuyển sang bột mặn?
Trên thực tế, sau 2 đến 4 tuần ăn dặm ngọt cho bé, bé tiêu vẫn tốt thì có thể chuyển sang bột mặn. Thông thường, khi bé 5 tháng tuổi thì ăn bột ngọt để làm quen và từ 6 tháng trở đi thì bắt đầu cho bé ăn bột mặn.
Lưu ý một chén bột mặn cho trẻ cần phải đảm, bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: bột (gạo, mì, khoai, bắp), đạm (thịt, cá, trứng. sữa, cua, tôm, đậu...), vitamin và khoáng chất (rau, quả...), chất béo (dầu ăn, mỡ, mè, đậu phộng...). Vì thế, khi pha bột mặn cho trẻ ăn dặm, phụ huynh có thể cho thêm rau, thịt và thậm chí là vitamin, khoáng chất...
3. Lưu ý khi cho trẻ ăn dặm
Khi chế biến bột cho trẻ cần hạn chế nêm mì chính (bột ngọt) và muối, chỉ tận dụng vị ngọt có sẵn từ thực phẩm vì ăn mặn không tốt cho thận của bé. Các dụng cụ chế biến thức ăn cho trẻ cần đảm bảo sạch sẽ, người chế biến cần rửa tay trước khi thực hiện và sau khi cho trẻ ăn. Cho ăn nhiều thức ăn hơn mỗi khi trẻ bị bệnh và sau khi khỏi bệnh.
Nếu em bé ăn bột no mà cho bé bú mẹ ngay có thể làm bé dễ ói, do thức ăn quá nhiều trong đường tiêu hóa hoặc khiến bé tăng cân nhanh, gây thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, nếu lượng bột quá ít, bé ăn chưa đủ no thì việc bú mẹ dặm thêm sẽ không khiến bé bị nôn ói, khó tiêu. Các chất dinh dưỡng trong bột ăn dặm và trong sữa mẹ không có tương kỵ nhau vì vậy phụ huynh đừng quá lo lắng.
Mặt khác, trẻ nhỏ có xu hướng ghiền bú sữa mẹ, nếu trẻ đã đến tuổi ăn dặm mà mẹ vẫn cho trẻ bú mẹ liên tục, thậm chí bú ngay trước cữ bột có thể khiến cho bé lười ăn, trong khi chỉ bú duy nhất sữa mẹ sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé tăng trưởng ở độ tuổi 6 tháng trở lên. Những trẻ nghiện bú mẹ thường ăn rất ít và suốt ngày “đeo mẹ”, nếu không tập cho bé đến giờ ăn phải ăn, đến cữ bú mới bú, khi đó bé sẽ rất dễ bỏ ăn để chờ bú, gây biếng ăn và chậm tăng cân.
Nếu trẻ tăng cân chưa tốt hoặc khó ăn kéo dài, các bậc phụ huynh nên mang trẻ đến khám dinh dưỡng để kiểm tra trẻ có mắc các vấn đề về sức khỏe nào dẫn đến biếng ăn hay tình trạng kém hấp thu hay không.
Giai đoạn cho trẻ ăn dặm cần hết sức kiên trì, không nên ép trẻ ăn, không tự ý quyết định lượng thức ăn của trẻ mà cần cho trẻ ăn dựa trên nhu cầu, quan trọng nhất là phải khuyến khích, động viên trẻ và có sự tương tác giữa mẹ và bé. Thông thường trẻ sẽ ăn dặm theo nguyên tắc là mẹ lựa chọn thức ăn, trẻ lựa chọn lượng ăn.
Tạm ngừng bữa ăn ngay khi trẻ không ăn nữa, sau đó lại tiếp tục. Trong bữa ăn bố mẹ nên trò chuyện vui vẻ, tiếp xúc bằng mắt với trẻ để dễ dàng nhận biết tín hiệu của con, ví dụ tín hiệu đòi thức ăn, không muốn ăn, không thích loại thức ăn này... Không cho trẻ ăn các loại bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn dặm.
Không khí gia đình trong bữa ăn cũng ảnh hưởng khá nhiều đến trẻ, khi ăn cùng cả nhà trẻ có thể nhìn thấy người khác ăn và bắt chước theo. Nếu được bố mẹ hay cho trẻ cầm thức ăn tự ăn, mặc dù trẻ chắc chắn sẽ làm rơi vãi nhưng cách này khiến trẻ tự lập hơn, thích thú và ăn nhiều hơn. Không để trẻ xao nhãng vào những việc khác như xem điện thoại, tivi trong bữa ăn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết cho trẻ như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng hàng đầu của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.
- Trẻ mấy tháng ăn dặm bột mặn được?
- Nguyên nhân bé tăng cân chậm, có phải phải do không dung nạp lactose hay không?
- Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ?