Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Tình trạng cộm mắt, khó chịu, tắc tuyến bờ mi có thể dẫn đến những biến chứng không tốt cho đôi mắt. Để giải quyết các tình trạng này, người bệnh cần đi khám để bác sĩ chuyên khoa chỉ định nặn tuyến bờ mi và điều trị phù hợp.
1. Chỉ định nặn tuyến bờ mi
Nặn tuyến bờ mi là kỹ thuật thực hiện nhằm mục đích làm sạch, đẩy các chất từ tuyến bờ mi ra ngoài, đưa thuốc trực tiếp vào bờ mi để điều trị và làm thông thoáng bờ mi.
Chỉ định nặn tuyến bờ mi trong các trường hợp viêm bờ mi. Không có chống chỉ định với kỹ thuật này.
2. Quy trình nặn tuyến bờ mi
Chuẩn bị:
- Người thực hiện là bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa Mắt.
Phương tiện:
- Thuốc: Thuốc gây tê bề mặt kết mạc dicain 1%, thuốc dùng để đánh bờ mi theo chỉ định.
- Dụng cụ nặn tuyến bờ mi: Gồm kẹp Dolnberg hoặc Bilnhermin, thanh đè, tăm bông nhỏ.
- Người bệnh được tư vấn, giải thích về kỹ thuật nặn tuyến bờ mi và các thì thực hiện của thủ thuật.
- Chuẩn bị hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế.
Thực hiện nặn tuyến bờ mi:
- Thực hiện gây tê bề mặt bằng dicain 1%.
- Tiến hành nặn tuyến bờ mi bằng 1 trong 2 cách sau:
+ Cách 1: Dùng tay trái cầm thanh đè đã được bôi thuốc mỡ kháng sinh đưa vào cùng đồ trên và dưới, dùng ngón tay cái của tay phải ấn mạnh lên bờ mi, ép lên thanh đè dần dần từ ngoài vào trong để nặn tuyến bờ mi. Dùng tăm bông lau sạch những chất tiết ra từ bờ mi vừa nặn.
+ Cách 2: Dùng tay trái kéo nhẹ mi trên lên hoặc mi dưới xuống, tay phải sử dụng kẹp Bilhermin để kẹp mi ở giữa, sao cho đưa kẹp vào sâu bên trong khoảng 4-5mm so với bờ mi, nhẹ nhàng bóp hai cành của kẹp lần lượt từ ngoài vào trong. Sử dụng tăm bông để làm sạch hết những chất tiết bẩn từ bờ mi ra.
- Thực hiện chà bờ mi bằng cách dùng tay trái kéo nhẹ mi trên lên hoặc mi dưới xuống để lộ bờ mi, tách bờ mi ra khỏi bề mặt nhãn cầu. Tay phải dùng tăm bông có tẩm thuốc theo chỉ định để chà nhẹ lên bờ mi từ ngoài vào trong, thực hiện đánh bờ mi như vậy từ 2-3 lần.
3. Theo dõi sau nặn tuyến bờ mi
Sau khi thực hiện nặn tuyến bờ mi, người bệnh cần theo dõi xem bờ mi có dấu hiệu sưng nề, đỏ, đau do nặn hay không. Nếu có cần báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời. Đối với trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với thuốc thì cần ngừng ngay và báo cho bác sĩ điều trị.
4. Xử trí tai biến
Nặn tuyến bờ mi sẽ không có tai biến nghiêm trọng, nếu có chỉ là nhiễm trùng, với trường hợp này bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh toàn thân để điều trị.
Đối với các dấu hiệu bất thường ở mắt, nếu không đi khám và điều trị hiệu quả sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho đôi mắt. Đặc biệt, tắc tuyến bờ mi lâu ngày không điều trị sẽ dẫn đến viêm bờ mi mạn tính.
Tóm lại, kỹ thuật nặn tuyến bờ mi mắt được thực hiện nhằm mục đích làm sạch, đẩy các chất từ tuyến bờ mi ra ngoài, đưa thuốc trực tiếp vào bờ mi để điều trị.
- Lưu ý khi dùng thuốc mỡ tra mắt Oflovid
- Hướng dẫn cách tra thuốc mỡ mắt
- Công dụng thuốc Tifoxan