Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, BS.Trần Như Tú - Trưởng khoa và Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Chụp cộng hưởng từ nền sọ và xương đá không chỉ giúp các bác sĩ có thể nhận biết được sớm nhiều căn bệnh mà còn có thể đánh giá những tổn thương khu trú hay lan tỏa, tập trung ở vùng nền sọ.
1. Chụp cộng hưởng từ nền sọ và xương đá
Chụp cộng hưởng từ là một phương pháp chụp hình ảnh các cơ quan trong cơ thể sống và đánh giá lượng nước bên trong cấu trúc các cơ quan, nhờ sử dụng sóng từ trường và sóng radio. Phương pháp này không sử dụng tia X, do đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo đó, việc chụp cộng hưởng từ nền sọ và xương đá nhằm đánh giá những tổn thương khu trú hay lan tỏa, được tập trung ở vùng nền sọ hoặc xương đá.
Tuy nhiên, việc chụp cộng hưởng từ có thể gặp một số khó khăn trong trường hợp bệnh nhân là trẻ nhỏ, quấy khóc, hay những người có chống chỉ định chụp cộng hưởng từ.
2. Chỉ định và chống chỉ định khi chụp cộng hưởng từ nền sọ và xương đá
2.1 Chỉ định
- Thăm khám các bệnh lý vùng nền sọ và xương đá
- Nhiễm trùng, viêm
- Tổn thương u
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối:
- Người bệnh khi mang những thiết bị điện tử như: máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung, cấy ghép ốc tai, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da, Neurostimulator...đều không được vào phòng chụp cộng hưởng từ.
- Các vật bằng kim loại nội sọ, hốc mắt, mạch máu < 6tháng
- Những người bệnh nặng cần có thiết bị hồi sức cạnh người
Chống chỉ định tương đối:
- Kẹp phẫu thuật bằng kim loại >6 tháng
- Những người bệnh sợ bóng tối, sợ cô độc
3. Các bước thực hiện chụp cộng hưởng từ nền sọ và xương đá
3.1 Chuẩn bị
Để thực hiện chụp cộng hưởng từ nền sọ và xương đá cần những phương tiện như: máy chụp cộng hưởng từ, máy bơm điện chuyên dụng, và hệ thống lưu trữ hình ảnh, phim và máy in phim.
Một số loại thuốc được sử dụng bao gồm: thuốc đối quang từ, thuốc an thần, thuốc sát trùng da và niêm mạc.
Trước khi thực hiện chụp cộng hưởng từ nền sọ và xương đá, người bệnh cần được kiểm tra bảo đảm an toàn cộng hưởng từ, giải thích kỹ về thủ thuật để cùng phối hợp với bác sĩ, kiểm tra lại các chống chỉ định, người bệnh không cần nhịn ăn. Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân thay quần áo của phòng chụp cộng hưởng từ và tháo bỏ những vật dụng chống chỉ định.
3.2 Các bước tiến hành chụp cộng hưởng từ nền sọ và xương đá
Đặt người bệnh
- Người bệnh được nằm ngửa trên bàn chụp
- Lựa chọn, định vị cuộn thu tín hiệu
- Di chuyển bàn chụp vào vùng từ trường của máy và định vị vùng chụp
Chụp các chuỗi xung cơ bản trước tiêm thuốc
- Chụp định vị
- T2 cắt ngang, 3 mm.
- Có thể thay thế hoặc bổ sung thêm bằng chuỗi xung 3D phân giải cao như CISS 3D
- T2 mặt phẳng trán, 3 mm, có thể dùng kèm xóa mỡ hoặc không
- T1 cắt ngang, 3mm.
- Diffusion echo-planar- imaging hoặc Diffusion HASTE, độ dày lớp cắt 3 - 4mm, theo mặt phẳng cắt ngang.
Chụp sau tiêm thuốc
- Cần tiêm thuốc đối quang từ nếu cần thiết với liều 0,1mmol/kg cân nặng với tốc độ 2ml/giây
- T1 cắt ngang 3mm, có xóa mỡ
- T1 mặt phẳng trán 3mm, có xóa mỡ. Có thể thay thế bằng chuỗi xung T1 3D có xóa mỡ.
- Kỹ thuật viên sẽ xử trí hình ảnh, in phim, chuyển hình ảnh và dữ liệu đến trạm làm việc của bác sĩ
- Bác sĩ phân tích hình ảnh chẩn đoán
Chụp cộng hưởng từ nền sọ và xương đá nhằm đánh giá những tổn thương ở vùng này, vì thế chúng được chỉ định trong trường hợp thăm khám những bệnh lý vùng nền sọ và xương đá, viêm, nhiễm trùng hay tổn thương u. Khi người bệnh có chấn thương hay những biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
- Làm thế nào để loại bỏ mỡ nội tạng?
- Rối loạn nhận thức do tổn thương não bộ có nên tập luyện phục hồi chức năng
- Công dụng thuốc Piroton 800