17-01-2024 12:12

Chế độ ăn với trẻ suy dinh dưỡng nặng (độ 3)

Chế độ ăn với trẻ suy dinh dưỡng nặng (độ 3)

Việc nuôi trẻ bị suy dinh dưỡng nặng cần phải được bố mẹ tiến hành sớm. “Thời gian vàng” để nuôi dưỡng bé là khoảng 1000 ngày tính từ khi bé còn là bào thai cho đến khi được 2 tuổi. Bé sẽ có khả năng phát triển tốt nhất về thể chất trong tương lai nếu bé được nuôi dưỡng tốt và đúng cách trong khoảng thời gian này.

1. Nguyên tắc trong chế độ nuôi trẻ suy dinh dưỡng nặng

Trước khi tìm hiểu về những nguyên tắc cần lưu ý trong chế độ ăn khi nuôi trẻ suy dinh dưỡng nặng (hay còn gọi là suy dinh dưỡng cấp độ 3) chúng ta cần hiểu đúng thế nào là suy dinh dưỡngsuy dinh dưỡng nặng.

Suy dinh dưỡng được định nghĩa là tình trạng trẻ ngừng phát triển do thiếu protein năng lượng cũng như các vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Thường có 3 cách phân loại như sau:

  • Phân loại theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - 1981)
  • Phân loại theo Waterlow (1976)
  • Phân loại theo Welcome (1970).

Tình trạng suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và đặc biệt hay gặp nhất là ở lứa tuổi từ 6 – 24 tháng. Suy dinh dưỡng thường kèm theo tình trạng trẻ dễ bị mắc một số loại nhiễm khuẩn và ngược lại nhiễm khuẩn làm cho suy dinh dưỡng nặng thêm.

Thang phân loại suy dinh dưỡng của WHO (1981) được sử dụng một cách thông dụng nhất trên toàn thế giới hiện nay. WHO khuyến nghị coi là suy dinh dưỡng khi mà cân nặng của trẻ trên tuổi dưới 2 độ lệch chuẩn (- 2 SD) so với quần thể tham khảo NCHS (National Center for Health Statistics) ở Mỹ. Từ dưới - 2 SD cho đến - 3 SD là suy dinh dưỡng nhẹ (độ 1), từ dưới - 3 SD đến - 4 SD là suy dinh dưỡng vừa (độ 2), từ dưới - 4 SD là suy dinh dưỡng nặng (độ 3). 1 SD sẽ tương đương với 10% cân nặng của bé.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng cấp độ 3 như do trẻ ăn kém, bị rối loạn tiêu hóa hoặc là hệ quả của việc mắc bệnh nhiễm khuẩn. Dù nguyên nhân nào thì hậu quả cũng khiến cho trẻ bị thiếu năng lượng và dưỡng chất thiết yếu làm trẻ không tăng cân, không tăng chiều cao và giảm trí thông minh. Không những thế suy dinh dưỡng còn để lại những hậu quả khó lường về sau này đối với trẻ. Để cải thiện được tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ thì các mẹ cần phải chú ý tới chế độ ăn và điều trị triệt để các bệnh trẻ mắc phải.

Những nguyên tắc quan trọng cần lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng nặng là tăng cường năng lượng và các chất dinh dưỡng, cụ thể:

  • Cho trẻ ăn đủ bữa: Việc cho trẻ ăn đủ bữa có thể dựa trên quy tắc chia thành nhiều bữa. Trong những ngày đầu, cứ 2 tiếng cho trẻ ăn một lần để bé quen dần với các loại thức ăn. Nên duy trì cho trẻ dùng thức ăn đặc để hấp thụ nguồn dinh dưỡng chất lượng hơn.
  • Tăng năng lượng khẩu phần ăn: Một trong những nguyên tắc nuôi trẻ suy dinh dưỡng nặng đó là cho trẻ ăn nhiều món trong một bữa, bữa ăn đa dạng và đầy đủ các nhóm chất, bao gồm protein, đường, chất béo, vitamin và các vi chất dinh dưỡng. Mỗi ngày, chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng cần phải phân bổ nhóm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe trong cả 3 bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ. Cố gắng hạn chế những thực phẩm có hàm lượng đường và chất béo cao, đảm bảo bé luôn ăn đủ lượng trái cây, rau, thịt nạc và những sản phẩm từ bơ sữa mỗi ngày.
  • Trong chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng nặng, các bà mẹ cũng không nên quá kiêng khem với các món ăn nếu như trẻ không dị ứng hoặc gặp phải bất kỳ vấn đề gì về món ăn đó.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải lưu tâm đến việc điều chỉnh hành vi của trẻ khi ăn:

  • Cho trẻ tập trung hoàn toàn vào bữa ăn, không xem ti vi hoặc sử dụng điện thoại thông minh.
  • Giới hạn mỗi bữa ăn không quá 30 phút, không nên cho trẻ đi ăn rong.
  • Không được cho bé ăn, uống đồ ngọt giữa các bữa ăn (chỉ nên cho bé uống nước).
  • Khuyến khích bé tự xúc, tự gắp, tự bốc thức ăn, điều này giúp kích thích cảm giác được khám phá, khiến bé ăn ngon miệng và có thể tự đánh giá về những món ăn mà mình thích.

Hãy áp dụng những quy tắc trên vào chế độ ăn của bé cũng như kết hợp điều chỉnh hành vi cho trẻ suy dinh dưỡng trong bữa ăn sẽ góp phần cải thiện được tình trạng sức khỏe và giúp trẻ nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng.

suy dinh dưỡng nặng
Nguyên tắc nuôi trẻ suy dinh dưỡng nặng đó là cho trẻ ăn nhiều món trong một bữa

2. Chế độ ăn với trẻ suy dinh dưỡng nặng

Trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thì cần cho trẻ đến bệnh viện để điều trị và phòng ngừa một số biến chứng như: Hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn điện giải, tổn thương tim và tử vong rất nhanh cùng với những biến chứng nhiễm khuẩn khác.... Các chuyên gia dinh dưỡng nhận thấy liệu pháp dinh dưỡng hợp lý, kịp thời có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa những biến chứng này.

Nguyên tắc nuôi trẻ suy dinh dưỡng nặng bao gồm:

  • Ăn nhiều bữa trong ngày, trong những ngày đầu nên cho trẻ ăn 2 tiếng một lần.
  • Ăn từ loãng đến đặc và ăn từ ít đến nhiều.
  • Ăn tăng dần calo (từ 75 - 100 - 150 - 200 kcal trên 1 kg). Trẻ ổn định sẽ duy trì ở mức 120 kcal/ kg/ ngày.

Người ta thấy được rằng ở mức 100 kcal/ kg trọng lượng cơ thể/ ngày thì cân nặng của trẻ không tăng hoặc tăng không có ý nghĩa. Nhưng với mức 200 kcal/ kg thì trẻ suy dinh dưỡng cấp độ 3 sẽ có mức độ tăng trọng tối đa, để bắt kịp đà tăng trưởng "Catch - up growth” tức là tăng được khoảng 70 g/ kg/ tuần, hay còn gọi đó là “sự lớn bù”.

Khi nhu cầu protein đã thỏa mãn thì năng lượng chính là yếu tố quyết định sự tăng trọng trong phục hồi dinh dưỡng ở những trẻ mắc suy dinh dưỡng nặng. Tăng dần protein (từ 1 - 2 - 3 - 4 - 5 g trên kg). Trẻ ổn định duy trì ở mức 3g trên 1 kg. Đa số các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em cho rằng trong điều trị trẻ suy dinh dưỡng nặng, việc bổ sung protein với số lượng quá lớn là không cần thiết mà cần phải sử dụng những loại protein có giá trị sinh học cao (như protein của trứng gà, sữa, thịt, cá...). Protein thì tăng từ 1 - 2 - 3g rồi tăng dần tối đa là 4 - 5g / kg/ngày. Protein cho 4 - 5g / kg và mức năng lượng từ 150 - 200 kcal/ kg/ ngày đã thoả mãn cho “sự lớn bù” của những trẻ suy dinh dưỡng nặng

Nếu bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng ăn bằng miệng không đủ nhu cầu thì cho ăn bằng bơm qua ống thông hoặc nhỏ giọt dạ dày.

Các thực phẩm thường được sử dụng cho trẻ suy dinh dưỡng nặng bao gồm:

  • Dùng sữa cho thêm dầu và đường hoặc các loại thức ăn khác có đậm độ năng lượng cao và đảm bảo đạt mức 1 kcal/ 1 ml thức ăn.
  • Ở trẻ còn bú: Ngoài sữa mẹ thì cho trẻ ăn thêm những bữa sữa - dầu - đường.
  • Ở trẻ ăn bổ sung: Ngoài sữa mẹ và những bữa sữa - dầu - đường thì cho ăn thêm bột ngũ cốc nấu với thịt, cá, trứng (thay đổi) + rau + dầu.
  • Ngoài ra, nên cho trẻ của bạn uống thêm các loại nước quả tươi.
  • Đối với những trẻ trên 12 tháng tuổi cần phối hợp các bữa ăn sữa đậm độ năng lượng cao với các món ăn đặc như cháo hoặc cơm bổ sung thêm dầu.
  • Từ tuần thứ 3 ngoài sữa có thể cho trẻ ăn thêm bột, cháo để thay thế dần những bữa ăn bằng sữa rồi chuyển dần sang chế độ ăn bình thường.
  • Một số trẻ khi ăn sữa bò bị rối loạn tiêu hoá vì hội chứng không dung nạp lactose hoặc protein của sữa bò, mặt khác sữa bò là một trong những loại thực phẩm khá đắt tiền, vì vậy những trẻ không ăn được sữa bò hoặc những trẻ gia đình khó khăn có thể dùng sữa đậu nành để bổ sung cho bé thay cho sữa bò.

suy dinh dưỡng nặng
Trẻ suy dinh dưỡng nặng nên uống thêm các loại nước quả tươi

Ngoài ra, trẻ mắc suy dinh dưỡng nặng cũng thường kèm theo mất nước và điện giải nên cần chú ý bổ sung nước và điện giải cho bé:

  • Mất nước nhẹ và vừa cho uống dung dịch oresol 50 - 100 ml/ kg cân nặng trong 4 - 6 giờ, uống ít một, nếu trẻ đã đỡ duy trì ở mức 100 ml/ kg. Nếu không đỡ cho uống 1 liều như ban đầu, theo dõi sát trẻ để có thể đưa ra biện pháp xử lý kịp thời tránh để mất nước nặng
  • Mất nước nặng: Trẻ bị mất nước nặng có biểu hiện li bì, không uống được hoặc nôn nhiều, cần truyền tĩnh mạch liều lượng 70 ml/ kg trong 3 giờ đầu bằng dung dịch ringer lactat. Khi trẻ đỡ, uống được thì cho uống thay vì truyền tĩnh mạch.

Trẻ mắc suy dinh dưỡng cũng thường kèm theo các nhiễm khuẩn khác, cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ, giữ gìn vệ sinh thân thể cũng như chăm sóc da, mắt, tai và răng miệng.

Cần lưu ý những trẻ suy dinh dưỡng năng không cho uống sắt trong giai đoạn đầu mà chỉ bổ sung vi chất này khi trẻ bước vào giai đoạn bắt đầu tăng cân.

Suy dinh dưỡng nặng là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ và để lại những hậu quả nghiêm trọng về sau. Việc các bà mẹ thiếu kiến thức nuôi con, cho ăn dặm hoặc cai sữa quá sớm là những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ mắc suy dinh dưỡng nặng.

Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng nặng nhìn chung vẫn dựa trên nguyên tắc bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cũng như vitamin và khoáng chất, ngoài ra cũng cần chú ý bù nước trong trường hợp trẻ mất nước và điều trị các nhiễm khuẩn kèm theo.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa tình trạng này, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

XEM THÊM:
  • Công dụng thuốc Phacoparecaps
  • Suy thận cấp trong hồi sức
  • Tật đầu nhỏ ở trẻ: Những điều cần biết

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan