Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thu Hương - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Chế độ ăn phù hợp có hỗ trợ rất lớn trong quá trình điều trị. Những thắc mắc như “trẻ táo bón nên ăn gì?” rất được các bậc cha mẹ quan tâm.
Táo bón khá thường gặp ở trẻ em, trẻ táo bón thường xuyên sẽ xuất hiện các biểu hiện như:
- Số lần đại tiện < 3 lần/tuần;
- Khó đi đại tiện hoặc phải rặn nhiều;
- Phân rắn khô, lổn nhổn;
- Đau hậu môn khi đi đại tiện, đôi khi có máu quanh phân do nứt kẽ hậu môn;
- Đau bụng, chướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, suy dinh dưỡng, thay đổi hành vi, tính tình.
Trẻ táo bón thường xuyên có thể do 2 nhóm nguyên nhân:
- Táo bón không do bệnh thực thể: Do thuốc, do chế độ ăn, thay đổi môi trường (bắt đầu đi học), nhà vệ sinh bẩn và có mùi, cô giáo không cho đi đại tiện khi đến lớp, trẻ cố nhịn đi đại tiện do những lần đi trước bị đau...
- Trẻ táo bón thường xuyên do một bệnh nền như suy giáp trạng, tổn thương thần kinh, bệnh không có tế bào thần kinh của thành đại tràng (phình đại tràng do không có tế bào thần kinh), lạc chỗ hoặc hẹp hậu môn, bệnh xơ hóa tuyến ngoại tiết.
“Trẻ em táo bón nên ăn gì?”, thực tế, chế độ ăn dành cho trẻ táo bón thường xuyên là cần bổ sung đủ nước, rau xanh, với từng giai đoạn sẽ có lưu ý cụ thể như:
- Trường hợp trẻ sơ sinh bị táo bón thì thức ăn tốt nhất chính là sữa mẹ, nếu trẻ kết hợp uống sữa công thức thì mẹ nên đọc kỹ nhãn sản phẩm để lựa chọn sản phẩm phù hợp, khi pha sữa không nên pha đặc quá hay loãng quá đều ảnh hưởng đến quá trình điều trị trẻ táo bón thường xuyên.
- Đối với trẻ lớn hơn: Các món như bột sữa, bột ngũ cốc, cháo ngũ cốc... thường thiếu chất xơ. Việc trẻ được cho ăn những thức ăn này quá sớm có thể khiến trẻ táo bón thường xuyên. Nên tập cho trẻ có thói quen uống nhiều nước cũng như ăn nhiều rau củ quả cũng như tránh việc nhịn đi ngoài để đảm bảo trẻ không bị táo bón, đồng thời khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời cũng như tham gia các môn thể thao, tránh việc để cho trẻ ngồi quá lâu trước màn hình tivi hay điện thoại.
Trường hợp trẻ táo bón thường xuyên kèm các dấu hiệu bất thường như đau nhiều vùng hậu môn khi đi ngoài, trĩ, nứt hậu môn, mệt mỏi, sợ lạnh, sụt cân, chán ăn, sốt, tiêu ra máu...cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán cũng như đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp.
- Điều trị chứng táo bón ở trẻ nhỏ
- Cách nhận biết sớm táo bón ở trẻ sơ sinh
- Táo bón ở trẻ em dưới 1 tuổi