17-01-2024 11:48

Chế độ ăn bổ sung dinh dưỡng cho trẻ thấp còi

Chế độ ăn bổ sung dinh dưỡng cho trẻ thấp còi

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nước ta còn tương đối cao và tồn tại sự khác biệt rõ rệt giữa các địa phương trong nước. Điều này về lâu dài sẽ dẫn đến chỉ số chiều cao trung bình ở cả nam và nữ thấp hơn các quốc gia khác trên Thế giới và trong khu vực Đông Nam Á. Vậy bé thấp còi phải làm sao và chế độ dinh dưỡng cho trẻ thấp còi như thế nào?

1. Suy dinh dưỡng thấp còi là gì?

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, các vi chất khác nhau... Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể là do chế độ ăn không cung cấp đủ hoặc do bệnh tật. Suy dinh dưỡng chia ra nhiều thể khác nhau, trong đó thể thấp còi được dùng để mô tả những trẻ không đạt được các mốc phát triển chiều cao theo độ tuổi và giới tính.

Thấp còi là hậu quả của thiếu dinh dưỡng lâu dài hoặc do các bệnh lý lặp đi lặp lại gây nên. Suy dinh dưỡng thấp còi còn cho thấy bé không đạt được chiều cao tối đa theo di truyền.

Để xác định chính xác một trẻ có bị suy dinh dưỡng thấp còi hay không và ở mức độ nào, chúng ta cần đo chiều dài nằm hoặc chiều cao đứng của bé, sau đó so sánh với biểu đồ tăng trưởng chiều cao theo tuổi ở từng giới (tính theo tháng) cho trẻ dưới 5 tuổi.

Việc đo chiều dài nằm áp dụng cho trẻ dưới 2 tuổi và đo chiều cao đứng thì áp dụng cho nhóm trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tần suất đo chiều dài/chiều cao của trẻ dưới 1 tuổi là 1 lần/tháng, trẻ 1 tuổi trở lên: 2-3 tháng/lần, trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi có thể đo 6 tháng 1 lần. Trường hợp đã xác định trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi thì cần đo mỗi tháng 1 lần để theo dõi.

2. Vì sao suy dinh dưỡng thấp còi là vấn đề đáng lo ngại?

Trước khi tìm hiểu thắc mắc bé thấp còi phải làm sao, cha mẹ cần tìm hiểu tình trạng này ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của bé. Suy dinh dưỡng thấp còi được xem là một trở ngại lớn nhất của con người trong quá trình tăng trưởng và phát triển, tình trạng này ảnh hưởng đến 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê năm 2016, tỷ lệ trẻ thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi lên đến 24,3%, tương ứng 4 trẻ thì có 1 trẻ bị thấp còi. Một số yếu tố liên quan, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em bao gồm cân nặng sơ sinh thấp, học vấn, nghề nghiệp của cha mẹ, mức kinh tế gia đình, tình trạng dinh dưỡng của mẹ và các bệnh lý trẻ hay mắc như tiêu chảy, sốt... Trong đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ có cân nặng sơ sinh thấp có nguy cơ rất cao bị suy dinh dưỡng thể thấp còi khi lớn lên.

Trình độ học vấn cha mẹ là yếu tố liên quan, có thể dẫn đến sự hạn chế kiến thức cơ bản trong việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ của cha mẹ. Một vấn đề khác là kinh tế gia đình kém có thể ảnh hưởng, làm tăng khả năng trẻ bị thấp còi vì khó tiếp cận đầy đủ với các loại thực phẩm.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chứng minh những mẹ có chiều cao thấp so với chiều cao trung bình của người Việt Nam (<153cm) có nguy cơ sinh con bị thấp còi cao hơn so với bà mẹ khác. Tiếp đó, các bé gái bị suy dinh dưỡng khi lớn lên trở thành những bà mẹ suy dinh dưỡng và lại ra những bé suy dinh dưỡng theo, đây là một chu kỳ bất thường lặp đi lặp lại.

suy dinh dưỡng thấp còi
Trẻ thấp còi phải làm sao khi người mẹ có chiều cao khiêm tốn

Suy dinh dưỡng thấp còi là một yếu tố nguy cơ cao gây trẻ sơ sinh tử vong, sức khỏe suy giảm cả khi còn nhỏ và khi trưởng thành, do đó khả năng học tập và năng suất lao động cũng kém và dễ mắc các bệnh lý không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư... sau này.

3. Trẻ thấp còi phải làm sao?

Hầu hết các trường hợp suy dinh dưỡng thấp còi xảy ra ở nhóm tuổi trước 3 tuổi, đây là hậu quả của việc trẻ không nhận đủ lượng thức ăn và chất lượng thức ăn cho trẻ ở độ tuổi này không đảm bảo. Vậy trẻ thấp còi phải làm sao, trẻ thấp còi nên bổ sung gì vào chế độ dinh dưỡng để cải thiện tình trạng này?

Để có hiệu quả tốt nhất, các can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi cần được tiến hành sớm nhất có thể, nên thực hiện trong giai đoạn 1000 ngày vàng - từ giai đoạn hình thành bào thai đến khi trẻ được 2 tuổi. Điều này sẽ giúp trẻ em đạt được chiều cao tối đa theo tiềm năng khi được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, được chăm sóc bởi các dịch vụ về y tế và dinh dưỡng đúng cách. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ thấp còi sẽ thay đổi theo từng giai đoạn:

3.1. Dưới 2 tuổi

Từ tháng thứ 7 trở đi, bên cạnh sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm các thức ăn bổ sung - ăn dặm, số bữa ăn dặm hàng ngày được cung cấp tùy theo tháng tuổi (như: trẻ 6 tháng tuổi ăn 1 bữa bột loãng, trẻ 7 - 9 tháng tuổi ăn 2 - 3 bữa bột đặc hơn, trẻ 10 - 12 tháng tuổi ăn 3 - 4 bữa bột đặc, trẻ từ 1 - 2 tuổi cần ăn thêm 4 bữa ăn/ngày).

Hãy cố gắng cho bé bú sữa mẹ cho đến khi bé được 2 tuổi hoặc lớn hơn, có thể uống 400 - 500ml sữa phù hợp với tuổi nếu không có sữa mẹ.

3.2. Giai đoạn tiền dậy thì và giai đoạn dậy thì

Nhu cầu dinh dưỡng cần được quan tâm trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ thấp còi giai đoạn tiền dậy thì và giai đoạn dậy thì, nhu cầu năng lượng tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi và cần đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết:

  • Nhu cầu năng lượng: nhu cầu năng lượng của bé gái dao động từ 1.900 - 2.300kcal/ngày và con số này là 2.100 - 2.800kcal/ngày đối với bé trai, để đáp ứng trẻ cần được cho ăn tối thiểu 3 bữa/ngày, ăn đủ no và đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Chất đạm (protein): Protein là chất dinh dưỡng vô cùng cần thiết để phát triển chiều cao và cân nặng, protein giúp hình thành cấu trúc của tế bào, tạo ra các nội tiết tố (hormon) và đáp ứng khả năng miễn dịch cơ thể. Nhu cầu chất đạm hàng ngày là 50 - 70g ở bé trai và 50-60g ở bé gái, trong đó tỷ lệ đạm động vật/đạm tổng số là ≥ 35% và năng lượng cung cấp được từ chất đạm chiếm 13-20% năng lượng của toàn khẩu phần ăn cho trẻ. Nguồn đạm động vật gợi ý cho các bậc phụ huynh đó là: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua..., nguồn đạm thực vật gồm có: đậu đỗ, vừng, lạc...
  • Chất béo (lipid): Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng rất lớn, chất béo giúp hòa tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, E, D, K. Nhu cầu chất béo của cơ thể trẻ trong giai đoạn tiền dậy thì và giai đoạn dậy thì là từ 60 - 78g/ngày đối với bé trai và 55 - 66g/ngày đối với bé gái, phụ huynh cần cân đối giữa tỷ lệ chất béo còn nguồn gốc động vật và chất béo có nguồn gốc thực vật là 70:30, trong đó năng lượng do chất béo cung cấp nên chiếm từ 20 - 30% năng lượng của toàn bộ khẩu phần ăn.
  • Sắt: Nhu cầu sắt hàng ngày thường được đáp ứng thông qua chế độ ăn giàu sắt, tuy nhiên ở nước ta, khả năng tiếp cận nguồn thức ăn động vật có lượng sắt giá trị sinh học cao là rất thấp, vì vậy ngay giai đoạn tiền dậy thì và giai đoạn dậy thì, đặc biệt là trẻ gái cần uống bổ sung viên sắt hoặc viên đa vi chất mỗi tuần. Bé trai trong độ tuổi này sẽ có nhu cầu sắt 11 - 17mg/ngày, trong khi đs bé gái cần 11 - 29mg/ngày. Các loại thức ăn giàu chất sắt có nguồn gốc động vật như thịt bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà...
  • Vitamin A: vitamin A cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ giai đoạn tiền dậy thì và giai đoạn dậy thì, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. Vitamin A có nhiều trong thức ăn động có nguồn gốc động vật như gan, trứng, sữa... và thực vật như rau xanh, gấc, quả có màu vàng, vì vậy cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ thấp còi. Nhu cầu vitamin A hàng ngày lứa tuổi vị thành niên là 800μg/ngày ở nam giới và 650μg/ngày ở nữ giới.
bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ
Bổ sung vitamin A trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ thấp còi

  • Canxi: đây là chất dinh dưỡng rất cần cho lứa tuổi dậy thì do tốc độ tăng trưởng chiều cao ở độ tuổi này rất nhanh, nhu cầu canxi tăng cao lên đến 1000mg/ngày, canxi cùng với photpho là thành phần giúp duy trì và hình thành bộ xương, răng vững chắc. Nhu cầu vitamin D ở lứa tuổi tuổi vị thành niên là 15μg/ngày.
  • Kẽm: Kẽm rất cần thiết cho sự tăng trưởng cân nặng và chiều cao của cơ thể, thiếu kẽm dễ dẫn đến biếng ăn do rối loạn vị giác, nhu cầu kẽm hàng ngày là 9 - 10mg đối với nam và 7 - 8mg đối với nữ. Các thực phẩm nhiều kẽm cần được bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ thấp còi là: tôm đồng, đậu nành, lươn, hàu, sò, gan, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...).

Vitamin C: Vitamin này giúp hấp thu và sử dụng sắt, canxi và axit folic hiệu quả hơn, giúp chống dị ứng, tăng khả năng miễn dịch, kích thích cơ thể tạo ra dịch mật và hỗ trợ bảo vệ thành mạch. Vitamin C rất dồi dào trong các loại rau xanh, quả chín với nhu cầu mỗi ngày là 95mg.

Đặc biệt ở giai đoạn này bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

XEM THÊM:
  • Trẻ đi ngoài phân xanh do nguyên nhân nào? Có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không?
  • Có nhất thiết phải dùng bột ăn dặm cho trẻ?
  • Hướng dẫn cách chế biến món ăn thô cho trẻ

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan