Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thận ứ nước là một trong những nguyên nhân gây nên suy thận, có thể khiến cho người bệnh tử vong. Đây là căn bệnh phổ biến có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Vậy điều trị bệnh thận ứ nước bằng cách nào cho hiệu quả cao? Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu về phương pháp điều trị bệnh thận ứ nước và phẫu thuật nội soi là một trong những phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả cho nhiều bệnh gây thận ứ nước.
1. Thận ứ nước
Thận ứ nước là hậu quả của tình trạng tắc nghẽn sau thận, do các tổn thương từ bên trong hoặc bên ngoài đường tiết niệu làm cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang trong tắc nghẽn đường tiểu trên (gồm thận và niệu quản) hoặc do trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận do tắc nghẽn đường tiểu dưới (bàng quang, niệu đạo). Hậu quả là đài bể thận và niệu quản bị giãn nở phía trên vị trí tắc nghẽn.
Thận ứ nước có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên thận, làm suy giảm chức năng của thận và gây tổn thương tế bào thận. Nếu tình trạng thận ứ nước kéo dài sẽ làm tổn thương thận không hồi phục. Nếu chỉ một bên thận bị ứ nước, người bệnh có thể không thấy sự khác biệt do còn thận bên còn lại hoạt động bù trừ. Khi cả hai thận đều bị tổn thương thì chức năng lọc máu của thận sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng gây nên những rối loạn nước, điện giải và nhiều chất thải tích tụ trong hệ thống tuần hoàn cơ thể.
2. Nguyên nhân gây bệnh thận ứ nước
Bất cứ phần nào của đường tiết niệu bị tắc nghẽn đều dẫn đến thận ứ nước. Ở trẻ em, thận nước thường do các dị dạng bẩm sinh đường tiết niệu như: hẹp chỗ nối bể thận – niệu quản, niệu quản cự đại, niệu quản lạc chỗ, trào ngược bàng quang niệu quản, bàng quang thần kinh và van niệu đạo sau
Đối với người lớn, nguyên nhân chính gây thận ứ nước là sỏi đường tiết niệu như sỏi niệu quản, sỏi bể thận – đài thận. Hẹp niệu quản do nguyên nhân lành tính hoặc ác tính cũng là nguyên nhân rất thường gặp. Hẹp niệu quản nội sinh, xơ hẹp do sỏi, sau phẫu thuật nội soi đường tiết niệu, lao niệu, bướu niệu quản... Hẹp niệu quản ngoại sinh do chèn ép từ bên ngoài, thường gặp trong ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, u sau phúc mạc xâm lấn. Các nguyên nhân khác có thể gặp như: bàng quang thần kinh, phì đại tuyến tiền liệt, chít hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo...
3. Điều trị thận ứ nước như thế nào?
Điều trị thận ứ nước chủ yếu điều trị theo nguyên nhân. Trước tiên cần phải xác định nguyên nhân gây bệnh và giải quyết tắc nghẽn càng sớm càng tốt. Điều này giúp thận mau chóng hồi phục. Những trường hợp thận ứ nước nặng hoặc có nhiễm khuẩn phải được chuyển lưu nước tiểu trước, sau đó mới đánh giá lại chức năng thận trước khi quyết định phẫu thuật cắt bỏ thận.
3.1 Hẹp khúc nối bể thận – niệu quản
Đối với các bệnh nhân bị hẹp khúc nối bể thận niệu quản, tùy theo mức độ tắc nghẽn mà có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu thận ứ nước nhẹ, chức năng của thận chưa thay đổi nhiều thì hướng điều trị thường là điều trị bảo tồn không phẫu thuật. Tuy nhiên, cần phải thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh.
Khi thận ứ nước nhiều hơn, xạ hình thận cho thấy chức năng thận bị suy giảm đáng kể thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi là một trong những phương pháp điều trị hẹp khúc nối bể thận – niệu quản tốt nhất hiện nay.
3.2 Sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu gồm sỏi niệu quản và sỏi bể thận – đài thận là nguyên nhân thường gặp nhất gây thận ứ nước. Đối với những bệnh nhân có sỏi nhỏ, thận không ứ nước hoặc chỉ ứ nước nhẹ có thể điều trị nội khoa bằng thuốc. Nếu sỏi lớn hoặc sỏi có triệu chứng gây đau nhiều vùng hông lưng, đáp ứng kém với thuốc giảm đau hoặc chức năng của thận bị suy giảm thì cần phải phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật sỏi niệu có thể áp dụng tùy vào đặc điểm sỏi bao gồm: tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi niệu quản tán sỏi laser, nội soi tán sỏi thận qua da hoặc phẫu thuật nội soi lấy sỏi.
4. Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị bệnh thận ứ nước
Ngày nay, hầu hết các bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn (gồm nội soi trong đường tiết niệu và phẫu thuật nội soi ổ bụng hoặc ngoài phúc mạc) mang lại nhiều lợi ích. Sau đây là một số ưu điểm vượt trội của phương pháp phẫu thuật so với phương pháp mổ hở truyền thống:
- Không có vết mổ hoặc vết mổ nhỏ
- Mất máu ít
- Đau ít
- Ít tổn thương các tạng trong ổ bụng.
- Thời gian hồi phục nhanh
- Thời gian nằm viện được giảm xuống
- Chi phí điều trị hợp lý.
Thận ứ nước nếu không được điều trị sớm chức năng của thận bị suy giảm dần dẫn đến tổn thương thận không hồi phục. Đây là nguyên nhân chính làm mất thận. Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ như đau bụng vùng hông lưng, sờ thấy u ở bụng, tiểu máu... người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán bệnh sớm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện là địa chỉ uy tín cho những bệnh nhân bị thận ứ nước với tỷ lệ thành công sau phẫu thuật cao. Cùng với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại nhất trên thế giới và đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, nhiều ca phẫu thuật khó điều trị thận ứ nước đã được thực hiện thành công tại Vinmec.
- Nguyên nhân gây thận ứ nước ở trẻ sơ sinh
- Điều trị thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản
- Thận ứ nước lâu ngày có điều trị dứt điểm được không?