Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Rối loạn lo âu là tình trạng lo lắng, sợ hãi quá mức, do chủ quan của người bệnh và không thể giải thích được do một bệnh thực thể. Rối loạn lo âu là bệnh lý mạn tính và tiến triển từ từ, đôi khi có thể xảy ra dưới dạng kịch phát.
1. Rối loạn lo âu là gì? Rối loạn ám ảnh là gì?
Rối loạn lo âu là tình trạng lo lắng, sợ hãi quá mức, thường không có nguyên nhân, do chủ quan của người bệnh và không thể giải thích được do một bệnh thực thể. Rối loạn lo âu là bệnh lý mạn tính và tiến triển từ từ, thậm chí có thể xảy ra dưới dạng kịch phát. Rối loạn lo âu thường kèm với tăng cảm xúc, biểu hiện bằng các triệu chứng chung về cơ thể như mệt, hồi hộp, đổ mồ hôi, khó thở.
Rối loạn ám ảnh: Là một rối loạn làm cho người bệnh có những suy nghĩ, ý nghĩ, cảm giác tái diễn về một điều gì đó dù cho họ không muốn. Những suy nghĩ, ý nghĩ, cảm giác tái diễn này điều khiển, bắt buộc người bệnh phải làm đi làm lại một hành động nào đó dù cho họ không muốn và biết như thế là không hợp lý nhưng không kiểm soát được.
>>> Xem thêm: Các triệu chứng do rối loạn lo âu gây nên
2. Một số dạng rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh và cách chẩn đoán
2.1 Ám ảnh sợ xã hội
Ám ảnh sợ xã hội thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên. Ban đầu, bệnh nhân có biểu hiện sợ người khác nhìn mình chăm chú dẫn đến né tránh các hoàn cảnh xã hội. Ám ảnh sợ xã hội phổ biến ở cả nam giới và nữ giới. Ám ảnh có thể kín đáo như sợ ăn uống ở nơi công cộng hoặc sợ nói trước công chúng hoặc sợ gặp người khác giới, sợ nôn ở nơi công cộng,... Đây là các triệu chứng rất quan trọng giúp chẩn đoán bệnh.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo ICD-10F:
Để chẩn đoán xác định, cần phải đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn sau:
a/ Các triệu chứng tâm lý, hành vi hoặc thần kinh thực vật phải là những biểu hiện nguyên phát của lo âu và không phải là thứ phát sau các triệu chứng như hoang tưởng hoặc suy nghĩ ám ảnh.
b/ Lo âu phải chuyên biệt hay chiếm ưu thế ở các hoàn cảnh xã hội đặc biệt ( ví dụ: sợ nói trước đám đông, sợ người khác nhìn mình, sợ ngồi gần người khác giới).
c/ Né tránh hoàn cảnh gây ám ảnh sợ phải là nét nổi bật.
2.2 Rối loạn hoảng sợ (hoặc rối loạn hoảng loạn)
Rối loạn hoảng sợ là những cơn tái diễn lo âu trầm trọng, không chuyên biệt cho bất kỳ hoàn cảnh nào hoặc tình huống đặc biệt nào và không dự đoán trước được. Các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột như đánh trống ngực, đau ngực, hồi hộp, choáng váng, thở nhanh. Ngoài cơn bệnh nhân thường cảm thấy khỏe mạnh bình thường và ít khi có các triệu chứng lo âu.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo ICD-10F:
Chẩn đoán dựa vào các cơn rối loạn thần kinh thực vật trầm trọng xảy ra trong thời gian khoảng một tháng:
- Trong hoàn cảnh không có nguy hiểm về mặt khách quan.
- Không chuyên biệt cho bất kỳ một hoàn cảnh nào và không lường trước được.
- Giữa các cơn, bệnh nhân ít khi có các triệu chứng lo âu.
2.3 Ám ảnh sợ chuyên biệt
Ám ảnh sợ chuyên biệt là những nỗi ám ảnh chỉ xảy ra chuyên biệt cho những tình huống đặc biệt như sợ động vật, sợ độ cao, sợ sấm, sợ bóng tối, sợ đi máy bay,...Yếu tố ám ảnh sợ chuyên biệt được hình thành trên nền một sợ hãi mãnh liệt, bền vững và rõ rệt. Khi có các kích thích, nỗi ám ảnh sẽ dễ dàng gây ra cơn lo âu, hoảng loạn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo ICD-10F:
Để chẩn đoán xác định ám ảnh sợ chuyên biệt, phải có đầy đủ các các triệu chứng sau:
- Các triệu chứng tâm lý hoặc thần kinh thực vật phải là những biểu hiện nguyên phát của lo âu mà không phải thứ phát sau các triệu chứng như hoang tưởng hoặc suy nghĩ ám ảnh.
- Lo âu chỉ xảy ra khi có mặt của đối tượng hay tình huống đặc biệt gây ám ảnh sợ.
- Né tránh hoàn cảnh gây ám ảnh sợ bất cứ khi nào có thể
2.4 Rối loạn ám ảnh cưỡng bức
Rối loạn ám ảnh-cưỡng bức là một loại rối loạn làm cho bệnh nhân có những ý tưởng, suy nghĩ, cảm giác, hành động lặp đi lặp lại mặc dù không muốn. Bệnh nhân thừa nhận rằng ám ảnh-cưỡng bức là quá mức, không phù hợp và không thể giải thích được nguyên nhân. Ví dụ: sau khi đã rửa tay, người bệnh có xung động bắt buộc họ phải rửa tay lặp đi lặp lại nhiều lần dù tay đã rất sạch.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo ICD-10F:
Chẩn đoán ám ảnh cưỡng bức dựa vào những đặc điểm sau:
- Phải được bệnh nhân thừa nhận là ý nghĩ hay xung động riêng của bản thân họ.
- Phải có ít nhất một ý nghĩ hay động tác mà bệnh nhân còn kháng cự lại một cách vô hiệu, dù có thể có những ý nghĩ và động tác khác mà bệnh nhân không còn kháng cự lại.
- Ý nghĩ về sự tiến hành động tác phải được bệnh nhân cảm thấy không thú vị (chỉ đơn giản một sự giảm nhẹ căng thẳng hoặc lo âu thì không được coi là sự thích thú theo ý nghĩa này).
- Những ý nghĩ, hình ảnh hoặc xung động phải tái diễn một cách không thích thú
3. Điều trị
Điều trị bao gồm điều trị bằng thuốc và điều trị tâm lý.
Điều trị bằng thuốc:
Thuốc điều trị rối loạn lo âu bao gồm:
- Nhóm bezodiazepin:
Benzodiazepin tác động lên thụ thể GABA, nằm ở hệ thần kinh trung ương, tạo ra tác dụng chống lo âu, chống co giật, gây ngủ và giãn cơ. Benzodiazepin liên quan đến phức hợp GABA (thụ thể benzodiazepin) làm tăng ức chế khớp thần kinh trung gian của GABA. Các thuốc benzodiazepam thường dùng là: Diazepam, Bromezepam, Alprazolam, Nitrazepam, Clonazepam,...
- Các thuốc an thần khác: Meprobamat, Buspirone
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng có tác dụng an dịu: Doxepin, Amitriptylin, Prothiaden, Anafranil, Ludiomil, Mianserin,...
- Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin: Fluvoxamin, Fluoxetin, Paroxetin, Sertralin
Điều trị bằng tâm lý
Liệu pháp tâm lý có nhiều trường hợp cho kết quả tốt. Nhưng tốt nhất vẫn nên áp dụng đồng thời cả 2 loại liệu pháp tâm lý và hoá dược.
Điều trị bằng tâm lý để duy trì cảm xúc của bệnh nhân, giảm nhẹ triệu chứng. Liệu pháp thư giãn và tâm lý cá nhân là hiệu quả nhất. Những liệu pháp này nhằm đánh giá các hành vi-nhận thức, điều chỉnh hành vi trong những tình huống đời sống hàng ngày và giúp bệnh nhân tìm được cách chấp nhận bệnh lý của mình.
- Rối loạn lo âu xã hội xảy ra như thế nào?
- Thuốc Xanax: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Trắc nghiệm về giấc ngủ