Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Xuân Cường - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Để chẩn đoán phù phổi cấp do tim có thể dựa trên các triệu chứng: bệnh nhân khó thở phải ngồi, da xanh, vã mồ hôi, chi lạnh, vẻ mặt lo lắng...
1. Phù phổi cấp do tim là gì?
Phù phổi cấp do tim là tình trạng thoát dịch ra ngoài lòng mạch quá mức của mao mạch phổi vào mô kẽ và phế nang.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phù phổi cấp do tim bao gồm:
- Tắc nghẽn nhĩ trái: Hẹp van hai lá, u nhầy nhĩ trái, huyết khối nhĩ trái, bẩm sinh 3 buồng nhĩ;
- Suy tim trái: Suy chức năng tâm thu thất trái, suy chức năng tâm trương thất trái;
- Quá tải thể tích thất trái dẫn tới suy chức năng tâm thu thất trái không tuân thủ điều trị và chế độ ăn. Truyền dịch quá mức. Hở van động mạch chủ cấp gây ra tình trạng quá tải thể tích thất trái;
- Tắc nghẽn đường ra thất trái: Do hẹp van động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại, tăng huyết áp làm tăng kháng lực ngoại vi chống lại lực co bóp của thất trái. Đó cũng là 1 dạng của tắc nghẽn đường ra thất trái.
2. Chẩn đoán phù phổi cấp do tim
- Triệu chứng lâm sàng: Bệnh nhân khó thở phải ngồi (nếu bệnh nhân có thể ngồi được), co kéo cơ hô hấp phụ, da xanh, vã mồ hôi, chi lạnh, vẻ mặt lo lắng (cảm giác ngộp thở, thiếu không khí), tĩnh mạch cổ nổi ở tư thế nằm đầu cao 45 độ, ran ẩm, có thể có ran rít khắp 2 phế trường (đặc biệt kiểu dâng từ đáy lên đỉnh);
- Triệu chứng kèm theo có thể là: Phù chân, báng bụng, mỏm tim lệch ra ngoài và hoặc xuống dưới khoang liên sườn V đường trung đòn trái, diện đập mỏm tim rộng, âm thổi do tim, nhịp tim thường là nhanh, có thể không đều;
- Tiền căn: Có thể ghi nhận được tiền căn bệnh lý tim mạch;
- X-quang: Phù mô kẽ, phù phế nang, điển hình phù lan tỏa từ rốn phổi ra ngoại biên (hình cánh bướm);
- Điện tâm đồ: Có thể có dấu hiệu của bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim, lớn các buồng tim, rối loạn nhịp tim...
- Siêu âm tim: Thường thực hiện khi bệnh nhân tạm ổn, trừ một số trường hợp khẩn cấp như nghi ngờ biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim cấp gồm đứt dây chằng, cột cơ van 2 lá, thủng vách liên thất, thủng thành tự do thất trái.
Chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh tim góp phần quan trọng trong điều trị triệt để, giúp hạn chế hoặc ngăn ngừa phù phổi cấp tái phát.
3. Điều trị phù phổi cấp do tim
3.1 Điều trị cấp cứu phù phổi cấp do tim
Thở oxy: Bảo đảm oxygen hóa máu.
Thở máy:
- Không xâm lấn: Nếu tương đối nhẹ, bệnh nhân hợp tác tốt;
- Thở máy xâm lấn: Trường hợp thiếu oxy kháng trị, mệt cơ hô hấp rõ, bệnh nhân không thể hợp tác tốt, tăng phân áp CO2 trong máu.
Dùng thuốc:
- Dãn mạch: Nitroglycerin truyền tĩnh mạch;
- Lợi tiểu quai;
- Thuốc tăng sức co bóp cơ tim: Dùng trong trường hợp có giảm cung lượng tim trên lâm sàng;
- Thuốc co mạch: Dùng khi kèm tụt huyết áp, sốc tim kèm theo;
- Morphin: Giúp giảm sung huyết phổi, bệnh nhân giảm lo lắng;
- Xem xét đặt bóng bơm động mạch chủ dội ngược trong trường hợp có kèm sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp, phù phổi kháng trị...
Theo dõi: Điện tâm đồ, độ bão hòa oxy qua mạch đập liên tục trên monitor.
Huyết áp: Theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn khi huyết động không ổn định, dùng thuốc vận mạch.
Điều trị các bệnh phối hợp: Tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm phổi...
3.2 Điều trị nguyên nhân gây bệnh tim
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh tim để bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp.
Trên đây là các phương pháp chẩn đoán và điều trị phù phổi cấp do tim. Bệnh nhân bị phù phổi cấp có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Vinmec có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Nội hô hấp giàu chuyên môn và kinh nghiệm trong khám, chữa các bệnh lý liên quan đến hệ thống hô hấp, có khả năng triển khai đồng bộ và hiệu quả những phương pháp chẩn đoán, điều trị tiên tiến nhất, với sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại theo chuẩn quốc tế.
- Phù phổi cấp do tim: Những điều cần biết
- Công dụng thuốc nadecin 10mg
- Tìm hiểu kỹ thuật nong van tim bằng bóng qua da