Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Dưới tác động của căng thẳng trong cuộc sống, ô nhiễm môi trường, sử dụng bừa bãi hóa chất hoặc thuốc nên ngày nay các trường hợp mắc dị ứng được phát hiện càng nhiều như viêm mũi, viêm xoang, hen phế quản, mày đay, sẩn ngứa ...Ngày nay với sự tiến bộ của Y học, các phương pháp chẩn đoán và điều trị dị ứng đã đạt được nhiều bước tiến.
1. Chẩn đoán dị ứng
Để đánh giá xem bạn có bị dị ứng hay không, bác sĩ sẽ:
- Đặt các câu hỏi chi tiết về các dấu hiệu và triệu chứng mà bạn đang gặp phải
- Khám các dấu hiệu của dị ứng
Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm, bác sĩ có thể sẽ:
- Yêu cầu xem nhật ký chi tiết về các loại thực phẩm mà bạn ăn
- Hỏi xem bạn đã ngừng ăn thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng khi bạn phát hiện ra các dấu hiệu của dị ứng
Bác sĩ cũng có thể đề nghị một hoặc cả hai xét nghiệm sau. Tuy nhiên, lưu ý các xét nghiệm dị ứng này có thể dương tính giả hoặc âm tính giả.
- Xét nghiệm da. Bác sĩ hoặc Điều dưỡng sẽ lẩy da đến lớp thượng bì và cho vị trí lẩy da tiếp xúc với một lượng nhỏ protein có các chất nghi ngờ gây dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng, sẽ xuất hiện một nốt sẩn trên nền hồng ban tại vị trí lẩy da.
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm tìm các kháng thể IgE đặc hiệu (sIgE), thường được gọi là xét nghiệm hấp phụ dị nguyên gắn phóng xạ (radioallergosorbent test) hoặc xét nghiệm kháng thể miễn dịch (ImmunoCAP testing) để đo lượng kháng thể gây dị ứng trong máu của bạn. Bác sĩ hoặc Điều dưỡng sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch cánh tay và gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra độ nhạy với các chất nghi ngờ gây dị ứng.
Nếu bác sĩ nghi ngờ các triệu chứng của bạn không phải là do dị ứng gây ra thì bác sĩ có thể sẽ thực hiện chỉ định các xét nghiệm khác nhằm giúp xác định hoặc loại trừ các bệnh khác.
2. Điều trị dị ứng
Tránh các tác nhân gây dị ứng. Bác sĩ sẽ giúp bạn thực hiện các bước để xác định và tránh các tác nhân gây dị ứng. Đây thường là bước quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa phản ứng dị ứng xảy ra trong tương lai và giảm mức độ nặng của dị ứng.
Thuốc. Tùy thuộc vào loại dị ứng, bác sĩ sẽ kê các thuốc có thể giúp giảm phản ứng miễn dịch và giảm bớt các triệu chứng. Bác sĩ có thể kể thuốc kê đơn hoặc thuốc không cần kê đơn dưới dạng thuốc viên hoặc thuốc tiêm, thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ mắt.
Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy) là phương pháp tạo ra tình trạng dung nạp tạm thời với các dị nguyên mà bác sĩ đã xác định chắc chắn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng của người bệnh. Phương pháp này đặc trưng bằng việc nhắc lại từng liều nhỏ và tăng dần các chất gây ra dị ứng và sau mỗi khoảng thời gian cố định. Sau khi tìm được dị nguyên gây dị ứng, người ta dùng chính dị nguyên đó theo đường dưới da hoặc dưới lưỡi nhằm mục đích tạo ra kháng thể bao vây làm giảm khả năng gặp gỡ giữa kháng thể IGE và dị nguyên. Tuy nhiên, phương pháp giải mẫn cảm trong điều trị với bệnh nhi đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu phản vệ lại càng nguy hiểm vì nguy cơ tử vong rất cao, bệnh nhân rất có thể lặp lại sốc trong quá trình giải mẫn cảm.
Epinephrine cấp cứu. Nếu bạn bị dị ứng nặng, bạn có thể cần phải tiêm epinephrine khẩn cấp ngay sau khi có dấu hiệu dị ứng, đặc biệt là sốc phản vệ. Trong các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, một mũi epinephrine (Auvi-Q, EpiPen) có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng nhanh chóng và đủ thời gian để đưa bạn đến cơ sở Y tế.
3. Chăm sóc bệnh nhân dị ứng tại nhà
Viêm xoang và viêm mũi dị ứng. Các triệu chứng của các bệnh này thường được cải thiện với rửa mũi và xoang bằng dung dịch nước muối. Bạn có thể sử dụng bình neti pot (dạng bình trà nhưng dùng để rửa mũi) hoặc chai đặc biệt được thiết kế đặc biệt để bóp đẩy nước muối vào mũi và đẩy ra chất nhầy, các chất kích thích từ mũi của bạn. Tuy nhiên, lưu ý việc sử dụng không đúng cách neti pot hoặc thiết bị khác có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Giảm tiếp xúc với mạt bụi hoặc vẩy/da của thú cưng bằng cách thường xuyên giặt đồ giường và đồ chơi nhồi bông trong nước nóng, duy trì độ ẩm trong phòng thấp, thường xuyên sử dụng máy hút bụi với bộ lọc tốt như bộ lọc không khí hiệu suất cao (High Efficiency Particulate Air) và không nên sử dụng thảm.
Giảm độ ẩm ở những khu vực ẩm ướt, như bồn tắm và nhà bếp bằng cách sử dụng quạt thông gió và máy hút ẩm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám và tư vấn điều trị viêm da cơ địa dị ứng giúp khách hàng đánh giá tổng quan về tình trạng bệnh đồng thời tư vấn các biện pháp giúp phòng tránh bệnh tái phát.
Khi đăng ký gói khám và tư vấn điều trị viêm da cơ địa dị ứng, khách hàng sẽ được: Khám chuyên khoa Da liễu. Thực hiện các xét nghiệm như: định lượng IgE, vi nấm soi tươi, định lượng IgE đặc hiệu với các dị nguyên dị ứng hô hấp – thức ăn (Panel 1 Việt), xét nghiệm Rida Allergy Screen (panel 1)...
Nguồn tham khảo: Acaai.org; Mayoclinic.org
- Bé 7 tháng tuổi bị dị ứng sữa thì làm thế nào?
- Trẻ hay nổi vòng tròn đỏ ở người sau ăn hải sản có nguy hiểm không?
- Các loại xét nghiệm miễn dịch thường dùng