Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Nguyễn Thùy Đoan Trang - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Ở Việt Nam, bệnh Kawasaki là một trong những bệnh lý khá phổ biến và thường gặp phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Căn bệnh này không lây nhiễm nhưng mức độ nguy hiểm của bệnh khá cao.
1. Bệnh Kawasaki là gì?
Vì bệnh Kawasaki gây ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, da và màng nhầy bên trong mũi, miệng và cổ họng do đó nó còn được gọi với tên khác là hội chứng da niêm mạc hạch bạch huyết.
Bệnh Kawasaki là trạng thái sốt cấp hay kèm phát ban toàn thân ở trẻ nhỏ, đây là căn bệnh gây viêm trong thành mạch của các động mạch nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm các động mạch vành, cung cấp máu cho cơ tim.
Bệnh Kawasaki đa số chỉ xảy ra ở trẻ em; hầu hết các bệnh nhân đều là trẻ dưới 5 tuổi. Trên thực tế, tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới thường cao hơn gấp đôi so với ở nữ giới.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh Kawasaki sẽ gây các tổn thương trong thành mạch, khiến cho thành động mạch vành trở nên yếu và hình thành túi phình động mạch. Trường hợp này rất nguy hiểm, chúng có thể cản trở máu chảy tới các cơ tim.
2. Chẩn đoán bệnh Kawasaki ở trẻ em
Việc chẩn đoán bệnh Kawasaki ở trẻ chủ yếu dựa vào sự tổng hợp các triệu chứng lâm sàng thường gặp kết hợp với một số xét nghiệm mà chủ yếu là siêu âm tim, tuy nhiên cũng gặp khá nhiều khó khăn vì một phần do là trẻ nhỏ nên chưa thể hiện ra các triệu chứng hoàn chỉnh.
Những triệu chứng của bệnh Kawasaki được chia làm 2 giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng có thể kéo dài hơn 1 tuần, bao gồm:
- Trẻ sốt cao liên tục
- Mắt sưng đỏ;
- Phát ban toàn thân;
- Sưng tấy và nứt nẻ ở môi, lưỡi;
- Chân tay sưng phù ;
- Các hạch ở cổ sưng.
Ở trong giai đoạn này, các vấn đề về tim mạch cũng sẽ phát sinh. Ở giai đoạn sau, trẻ bị sốt cao kéo dài trong vòng 2 tuần. Kèm theo đó, da chân và da tay của trẻ có dấu hiệu bong vảy từng mảng nhỏ.
Ngoài các triệu chứng chính kể trên, bệnh còn có nhiều dấu hiệu khác đáng lưu ý, bao gồm:
- Đau phần bụng
- Nôn ói
- Tiêu chảy
- Túi mật phình to
- Thính giác kém tạm thời.
3. Tiêu chuẩn chẩn đoán xác định bệnh Kawasaki
- Có 5 trong số 6 triệu chứng lâm sàng chính.
- Hoặc 4 triệu chứng lâm sàng chính kèm theo giãn hay phình động mạch vành.
- Hoặc ít nhất 4/5 triệu chứng chính (Sốt cao liên tục trên 5 ngày là tiêu chuẩn bắt buộc).
Tuy nhiên phải loại trừ những bệnh lý có biểu hiện lâm sàng tương tự
Do vậy, nếu con của bạn có các triệu chứng trên, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay lập tức. Việc chữa trị kịp thời là rất cần thiết, nó sẽ giúp hạn chế những trường hợp nguy hiểm cũng như nguy cơ gây ra các biến chứng trên hệ tim mạch.
4. Điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ
4.1. Điều trị ban đầu
Để giảm nguy cơ biến chứng của bệnh Kawasaki, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân bắt đầu điều trị bệnh càng sớm càng tốt. Mục tiêu của điều trị ban đầu là hạ sốt và đồng thời ngăn ngừa tổn thương tim. Lời khuyên khi điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ khi bị mắc bệnh Kawasaki là nên được điều trị tại bệnh viện. Tại đây trẻ sẽ được sử dụng thuốc để ngăn ngừa tổn thương tại mạch vành:
- Thuốc Gamma globulin (IVIG): Tiêm truyền tĩnh mạch thuốc Gamma globulin liều cao là phương pháp điều trị được chọn lựa cho bệnh nhân bị bệnh Kawasaki. Thuốc globulin được truyền tĩnh mạch sẽ giúp giảm các tình trạng viêm, sưng đỏ của các mạch máu trong cơ thể. Ngoài ra, Gamma globulin còn có thể giúp hạ sốt và giảm triệu chứng phát ban; có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về động mạch vành..
- Thuốc Aspirin (ASA): Sử dụng Aspirin liều cao cùng với Gamma globulin trong giai đoạn cấp tính của bệnh cho đến khi giảm sốt. Uống Aspirin 3 lần/ngày. Thuốc aspirin có thể giúp trẻ giảm đau, hạ sốt, chống viêm và hạn chế nguy cơ hình thành các cục máu đông. Điều trị bệnh Kawasaki bằng aspirin cần phải thận trọng vì nó có liên quan đến hội chứng Reye-một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa đến tính mạng ở trẻ. Và trẻ chỉ được sử dụng aspirin dưới sự giám sát của bác sĩ. Và nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu hoặc cảm cúm khi sử dụng aspirin, hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức.
4.2. Sau điều trị ban đầu
- Đối với tất cả bệnh nhân: Cần theo dõi ít nhất 6 tháng -1 năm.
- Dùng aspirine liên tục trong 2 tháng đầu và siêu âm tim đánh giá ĐMV trong tuần thứ 4, tuần thứ 8 và sau 6 tháng. Kiểm tra CTM và VSS, CRP hàng tháng, trong 2 tháng đầu .
- Bệnh nhân có tổn thương ĐMV: Điều trị aspirin
- Trường hợp giãn ĐMV nhiều (>8 mm) hoặc có hẹp ĐMV: Dùng heparine và kháng vitamin K để phòng nghẽn ĐMV, suy vành hay nhồi máu cơ tim.
Nếu được điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến tốt hơn. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ cần phải điều trị lần 2 với Gamma globulin hay những loại thuốc khác.
Nếu các vấn đề về tim vẫn diễn biến xấu, lúc này bệnh nhi cần được bác sĩ chuyên khoa tim mạch nhi điều trị. Điều trị các biến chứng về tim liên quan đến bệnh Kawasaki phụ thuộc vào loại bệnh tim. Nếu vỡ phình động mạch, điều trị có thể bao gồm thuốc chống đông máu, đặt stent hoặc phẫu thuật.
5. Tập luyện thể thao, duy trì một lối sống lành mạnh
Mặc dù bệnh Kawasaki sau điều trị có thể có điện tâm đồ bình thường, nhưng chúng ta vẫn chưa thể biết được mai sau khi trưởng thành liệu trẻ có gặp phải bất kỳ biến chứng nào về tim mạch hay không. Do vậy, việc duy trì một lối sống lành mạnh là vô cùng quan trọng, đặc biệt là với những trẻ đã mắc bệnh:
- Bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho tim mạch;
- Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa trường lớp, tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày;
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích có thể gây bệnh tim mạch như: Hút thuốc lá, cafe..
6. Một số vấn đề cha mẹ cần lưu ý
- Bệnh Kawasaki ở trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, dễ quấy khóc thì phụ huynh hãy cố gắng dỗ dành trẻ, đừng để trẻ đuối sức. Nếu trẻ bị khô da có thể sử dụng các loại kem dưỡng để cung cấp độ ẩm cho ngón tay, ngón chân của bé.
- Sau khi được điều trị bằng globulin miễn dịch, phụ huynh nên đợi ít nhất là sau 9 tháng rồi mới cho trẻ tiêm vaccine. Bởi vì khi tiêm vaccine quá sớm sau điều trị thường sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine.
- Sử dụng thuốc aspirin phụ huynh cần đặc biệt lưu ý với những đang trẻ mắc bệnh thủy đậu vì điều này có thể gây ra hội chứng Reye rất nguy hiểm cho trẻ. Một điều đáng lưu ý nữa là khi trẻ đang sử dụng thuốc aspirin mà có tiếp xúc với người bệnh bị mắc bệnh thủy đậu thì cần thông báo ngay cho bác sĩ.
Bệnh Kawasaki nếu như được chữa trị kịp thời sẽ giúp hạn chế được những trường hợp nguy hiểm cũng như nguy cơ gây ra các chứng bệnh tim mạch. Hy vọng với những thông tin trên đây, các bậc phụ huynh sẽ có thêm kiến thức cũng như có những giải pháp điều trị kịp thời cho bé ngay khi có những triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc bệnh.
- Sự hình thành của bệnh Kawasaki ở trẻ
- Bệnh Kawasaki ở trẻ em là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
- Liệu pháp IVIg để điều trị các bệnh tự miễn