Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Chiến - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bệnh viêm túi thừa thường gặp ở người lớn tuổi hoặc người có chế độ ăn uống không khoa học. Đây là căn bệnh gây ra đau đớn dữ dội cho người bệnh và có thể gây tắc ruột, viêm phúc mạc nếu không được điều trị kịp thời.
1. Viêm túi thừa là bệnh gì?
Trên đường tiêu hóa nếu xuất hiện các cấu trúc bóng phình nhô ra ở các vị trí bất kỳ được gọi là túi thừa. Khi các túi thừa bị viêm hay nhiễm trùng vì một nguyên nhân nào đó sẽ hình thành bệnh viêm túi thừa, gây ra các triệu chứng đau bụng hoặc thay đổi các thói quen đại tiện của người bệnh.
Bệnh viêm túi thừa có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào của đường tiêu hóa nhưng thường gặp chủ yếu ở manh tràng và đại tràng. Các triệu chứng chủ yếu của bệnh thường là đau dữ dội, tiêu chảy hoặc táo bón...
2. Nguyên nhân hình thành bệnh viêm túi thừa?
Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu y khoa nào chỉ ra nguyên nhân chính hình thành bệnh viêm túi thừa. Có nhiều giả thiết được đặt ra rằng có thể phân ứ đọng lại tại các lỗ hẹp của túi thừa dẫn đến nhiễm trùng hoặc miệng túi thừa bị tắc nghẽn dẫn đến lượng máu nuôi không đủ gây ra tình trạng viêm. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh viêm túi thừa nhưng các yếu tố sau đây được chỉ ra có nguy cơ cao gây ra tình trạng này:
- Tuổi tác: Các nghiên cứu chỉ ra tuổi càng cao thì nguy cơ xuất hiện túi thừa càng cao. Đối với người từ 40 tuổi trở lên, tỷ lệ xuất hiện túi thừa là 10%, 50% đối với người từ 60 tuổi và 65% đối với người từ 80 tuổi. Tuổi tác càng cao các chức năng của thành ruột suy giảm là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và hình thành của bệnh viêm túi thừa.
- Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn quá ít chất xơ khiến người bệnh dễ bị táo bón hoặc phân cứng, điều này sẽ gây áp lực lên thành đại tràng khiến các túi thừa dễ hình thành
Người mắc bệnh béo phì có nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa cao hơn người bình thường lên đến 78%. Ngoài ra nếu người nhà có tiền sử mắc bệnh này thì các thành viên cũng có nguy cơ mắc bệnh.
3. Bệnh viêm túi thừa được chẩn đoán như thế nào?
Các triệu chứng của bệnh viêm túi thừa có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ trong vài ngày, tuy nhiên các triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác như viêm ruột thừa, viêm bờm mỡ đại tràng. Khi bạn đến các cơ sở y tế hay bệnh viện để thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bạn đang gặp phải, thói quen đại tiện, chế độ ăn uống hay các loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Và để xác định chính xác tình trạng bạn gặp có phải là bệnh viêm túi thừa hay không, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp x-quang, chụp CT, nội soi đại tràng...
4. Chẩn đoán bệnh viêm túi thừa cần phải làm gì?
Tùy vào mức độ của bệnh viêm túi thừa, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh. Đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh chỉ cần về nhà nghỉ ngơi hợp lý, ăn thức ăn lỏng trong vài ngày là tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm cho người bệnh một số loại thuốc kháng sinh có tác dụng giúp tiêu diệt các tác nhân gây ra nhiễm trùng như vi khuẩn, vi sinh vật...
Đối với các trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể sẽ kê thêm các loại thuốc giảm đau, chống co thắt hoặc chỉ định người bệnh phải nhập viện để điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch nếu tình trạng bệnh nặng có nguy cơ gây tắc ruột, viêm phúc mạc, thậm chí là phẫu thuật cắt bỏ nếu tình trạng viêm túi thừa có biến chứng quá nặng.
Đối với các trường hợp nặng, viêm túi thừa cần được phẫu thuật và điều trị sớm. Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị y tế hiện đại để chẩn đoán bệnh viêm túi thừa. Theo đó, khi xác định được tình trạng bệnh dựa vào lâm sàng kết hợp với Chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm, bác sĩ điều trị sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
- Túi thừa tá tràng có thể gây tắc mật
- Túi thừa đại tràng là gì?
- Chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng