Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Chung Thị Mộng Thuý -Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu được phổ biến ở các nước từ rất lâu và cũng có những quy định cụ thể. Năm 2016 Bộ y tế ban hành quyết định quy trình chuyên môn chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh thiết yếu sớm trong và sau mổ lấy thai. Quy trình này gồm 5 bước: ngay khi chào đời trẻ được lau khô, ủ ấm, chờ dây rốn ngừng đập, kẹp cắt rốn muộn, da kề da, tiêm oxytocin cho mẹ, bú mẹ sớm trong 60 phút đầu sau sinh. Chương trình chăm sóc thiết yếu này đem đến rất nhiều hiệu quả, lợi ích cho sản phụ và trẻ sơ sinh.
1. Hiệu quả của chăm sóc sơ sinh thiết yếu
Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm là phương pháp chăm sóc đơn giản, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao cho cả mẹ và bé, giảm tỷ lệ băng huyết sau sinh cho mẹ và giảm nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng sơ sinh, giảm tử vong sơ sinh cho con một cách đáng kể.
Những phương pháp của nó bao gồm: xử trí tích cực giai đoạn 3 của sự chuyển dạ và cho trẻ bú mẹ sớm.
2. Các phương pháp chăm sóc thiết yếu trẻ sinh mổ
2.1. Cho trẻ được tiếp xúc da kề da với người mẹ
Phương pháp da kề da sớm ngay sau sinh, trẻ sẽ được các nhân viên y tế lau khô cho bé một cách nhanh chóng, toàn diện và được đặt tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ, thời gian tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé ít nhất là 90 phút.
Với phương pháp da kề da sớm sau sinh trẻ sẽ không bị hạ thân nhiệt, trẻ nhanh chóng tìm vú người mẹ sớm hơn và khả năng bú mẹ khỏe hơn, tốt hơn. Tâm lý của mẹ cũng giảm bớt đi sự lo lắng do được ôm ấp chính con mình từ giây phút đầu tiên chào đời và nỗi đau khi phải vượt cạn một mình sẽ vơi đi. Với phương pháp da kề da sau sinh mổ này là cách tự nhiên để gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé.
Nhờ cái ôm đầu tiên của mẹ nên đa phần các bé ít khóc hơn các trẻ khác và các bà mẹ cũng cảm thấy dễ dàng khi cho con bú mẹ hơn trong những giây phút đầu sau sinh, thời gian trẻ bú mẹ cũng lâu hơn và tình cảm mẹ con gắn kết hơn.
Tuy nhiên, trường hợp mẹ sinh mổ với nguy cơ thai kỳ như mẹ mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý nội khoa, tim mạch, nhiễm trùng, gây mê... có thể được khuyên không nên áp dụng phương pháp da kề da trong chăm sóc trẻ sau sinh mổ. Nguyên nhân là mẹ mệt, sức khỏe mẹ không đảm bảo ôm giữ con trước ngực được tốt Trường hợp này, mẹ và bé sẽ không thực hiện da kề da, tuy nhiên vẫn được duy trì nguồn sữa mẹ bằng cách bú trực tiếp hoặc mẹ vắt sữa cho bú mỗi 3 giờ .
Chăm sóc thường quy sau khi trẻ thực hiện xong bữa bú đầu tiên và tiếp xúc trực tiếp da kề da của mẹ con ít nhất được 90 phút. Các bước chăm sóc thường quy khác như: cân, đo chiều dài và vòng đầu của trẻ; đeo vòng nhận dạng, khám toàn thân, tiêm vitamin K1 và vacxin phòng bệnh theo quy định.
Trường hợp trẻ sơ sinh không thở được hoặc thở nấc:
- Sau khi lau khô toàn thân và kích thích khoảng 30 giây mà trẻ vẫn không thở hoặc thở nấc, cần thực hiện việc kẹp và cắt dây rốn ngay, đồng thời đưa trẻ đến bàn hồi sức để tiến hành hồi sức sơ sinh theo phác đồ về xử trí hồi sức sơ sinh.
- Nếu trẻ đã khóc được, nhịp thở ổn định, da hồng hào thì chuyển trẻ về nằm tiếp xúc da kề da với người mẹ và thực hiện các bước chăm sóc tiếp theo như với trường hợp trẻ sơ sinh thở được.
- Nếu trẻ thở rên, da tím tái cần chuyển trẻ về khoa hay đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh để theo dõi tiếp.
2.2. Kẹp và cắt dây rốn của trẻ muộn 1 thì
Về sinh lý ở trẻ sơ sinh, trong phút đầu tiên khi trẻ chào đời chưa cắt rốn máu vẫn tiếp tục truyền từ bánh nhau sang trẻ sơ sinh qua dây rốn khoảng 80ml- 100ml trong thời gian 3 phút sau sinh. Việc cắt rốn muộn sẽ giúp tăng cung cấp thêm1 lượng máu cho trẻ, đây là nguồn cung cấp chất sắt dồi giàu, giúp trẻ sơ sinh phòng ngừa được tình trạng thiếu máu do thiếu chất sắt trong những tháng đầu đời.
Nếu kẹp rốn sau khi mạch máu rốn ngừng đập thì một lượng máu từ bánh nhau qua dây rốn đến đứa trẻ sẽ giúp cho trẻ sinh đủ tháng dự phòng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt trong những tháng đầu, đặc biệt với trẻ sinh non tháng không bị thiếu máu đồng thời giảm tỷ lệ xuất huyết não do giảm prothrombin.
Tuy nhiên phải tiến hành kẹp và cắt dây rốn của trẻ sơ sinh sớm trước 1 phút đối với các trường hợp trẻ cần hồi sức tích cực hỗ trợ hô hấp.
2.3. Xử trí tích cực giai đoạn 3 của chuyển dạ
Tình trạng chảy máu sau khi sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho người mẹ. Mặc dù bác sĩ có thể tiên lượng trước được nguy cơ chảy máu sau khi sinh nhưng thực tiễn có đến 90% các trường hợp tử vong xảy ra trên sản phụ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
Vì vậy, để phòng ngừa tình trạng chảy máu sau khi sinh là biện pháp hàng đầu trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sau sinh mổ. Dự phòng chảy máu được thực hiện bằng xử trí tích cực giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ với 3 can thiệp chính gồm: tiêm bắp thuốc oxytocin cho người mẹ ngay sau sinh, sổ nhau có kiểm soát và xoa đáy tử cung của người mẹ cứ mỗi 15 phút một lần trong 2 giờ đầu sau khi sinh.
2.4. Cho trẻ bú mẹ sớm
Hướng dẫn cho người mẹ các dấu hiệu trẻ sơ sinh đòi bú sữa của trẻ như trẻ mở miệng, chảy nước dãi, liếm, mút tay, trườn tìm vú mẹ... đồng thời hướng dẫn bà mẹ cách cho trẻ ngậm bắt vú đúng cách.
Cần cho trẻ bú sớm và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 1 giờ đầu sau khi sinh, không nên cho trẻ ăn thêm bất cứ một loại thực phẩm nào khác ngoài sữa mẹ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạn nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú sữa mẹ đồng thời kết hợp bổ sung các thực phẩm thích hợp khác cho đến 2 tuổi hoặc có thể lâu hơn tùy theo từng trường hợp.
Việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ tăng cường sự miễn dịch cho trẻ, có thể ngăn ngừa tử vong do tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trong 3 tháng đầu. Đồng thời, việc cho trẻ bú sữa mẹ sớm còn có khả năng kích thích tuyến yên tăng tiết oxytocin ở người mẹ giúp co hồi tử cung tốt hơn để phòng ngừa tình trạng chảy máu hay nguy cơ băng huyết ở người mẹ sau khi sinh.
- Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu: Vì sao?
- Cắt dây rốn chậm lợi hay hại cho trẻ?
- Phương pháp da kề da hạ sốt thực sự có ý nghĩa?