Mục lục
- 1. 1. Chưa cố gắng đủ lâu là một trong những nguyên nhân chậm có con
- 2. 2. Không rụng trứng gây vô sinh ở nữ
- 3. 3. Vấn đề ở người chồng
- 4. 4. Vô sinh liên quan đến tuổi tác
- 5. 5. Các ống dẫn trứng bị tắc
- 6. 6. Bệnh lạc nội mạc tử cung
- 7. 7. Do các bệnh lý khác gây chậm có con
- 8. 8. Vô sinh không rõ nguyên nhân
- 9. Đánh giá
Có nhiều nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng khó thụ thai dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Trong đó, khoảng 1/3 các trường hợp do nam giới, 1/3 cho nữ giới và còn lại thuộc về cả hai giới. Dưới đây là một số nguyên nhân chậm có con mà bạn nên biết để thăm khám sớm.
1. Chưa cố gắng đủ lâu là một trong những nguyên nhân chậm có con
“Chậm có thai vì sao” là câu hỏi khiến nhiều cặp vợ chồng băn khoăn. Điều đầu tiên cần xem xét là bạn và đối tác đã cố gắng thụ thai trong bao lâu. Bạn có thể cảm thấy như bạn đã cố gắng rất lâu - nhưng điều quan trọng cần biết là nhiều cặp vợ chồng sẽ không mang thai ngay lập tức. Khoảng 80% các cặp vợ chồng có thai sau 6 tháng “thả”. Khoảng 90% mang thai sau 1 năm cố gắng mang thai.
Bạn nên đi khám hiếm muộn nếu bạn là nữ:
- Dưới 35 tuổi, quan hệ 2-3 lần/ tuần trong vòng 6 tháng mà chưa có thai;
- Trên 35 tuổi, quan hệ 2-3 lần/ tuần trong vòng 1 năm mà chưa có thai.
2. Không rụng trứng gây vô sinh ở nữ
Không rụng trứng là nguyên nhân thường gặp của vô sinh nữ và nó có thể được gây ra bởi nhiều tình trạng.
Hội chứng buồng trứng đa nang PCOS là một trong những nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng này. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm suy buồng trứng nguyên phát, rối loạn chức năng tuyến giáp, tăng prolactin máu, tập thể dục quá mức, thừa cân, thiếu cân.
Phần lớn phụ nữ đang gặp vấn đề về rụng trứng đều có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên, kinh nguyệt đều đặn không đảm bảo chắc chắn rằng sự rụng trứng đang diễn ra bình thường. Nếu có chu kỳ không đều, hãy nói chuyện với bác sĩ, ngay cả khi bạn chưa cố gắng thụ thai đủ một năm.
3. Vấn đề ở người chồng
20 đến 30% các cặp vợ chồng hiếm muộn có vấn đề sinh sản từ phía người chồng. 40% khác phát hiện yếu tố vô sinh ở cả hai bên. Vô sinh nam hiếm khi có các triệu chứng có thể quan sát được mà cần phân tích tinh dịch đồ.
4. Vô sinh liên quan đến tuổi tác
Tuổi tác có ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng trứng. Một số người cho rằng nếu họ vẫn có kinh đều đặn thì khả năng sinh sản vẫn tốt, nhưng điều này không đúng. Phụ nữ sau 35 và nam giới sau 40 tuổi có thể mất nhiều thời gian hơn để có thai.
5. Các ống dẫn trứng bị tắc
Nguyên nhân do phóng noãn chiếm khoảng 25% các trường hợp vô sinh ở nữ giới. Phần còn là do ống dẫn trứng bị tắc, các vấn đề về cấu trúc tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung.
Nếu có bất cứ điều gì ngăn cản các ống dẫn trứng hoạt động bình thường hoặc cản trở tinh trùng hoặc trứng gặp nhau, bạn sẽ không thể mang thai.
Một số người bị tắc ống dẫn trứng có dấu hiệu đau vùng chậu, nhiều người khác không có triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm khả năng sinh sản mới có thể xác định xem ống dẫn trứng của bạn có mở hay không. Trong đó, bác sĩ có thể chỉ định bạn chụp HSG- phương pháp chụp X-quang chuyên dụng được sử dụng để xác định xem ống dẫn trứng của bạn có bị tắc hay không.
6. Bệnh lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân chậm có con. Tình trạng này là khi các mô giống nội mạc tử cung (mô lót bên trong tử cung) phát triển ở những vị trí bên ngoài tử cung. Người ta ước tính rằng có tới 50% phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung sẽ khó có thai. Các dấu hiệu thường gặp nhất của lạc nội mạc tử cung là đau trong giai đoạn hành kinh. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung đều có những triệu chứng này. Một số phụ nữ phát hiện mình bị lạc nội mạc tử cung nhờ quá trình điều trị vô sinh.
Lạc nội mạc tử cung thường bị chẩn đoán nhầm hoặc đơn giản là bỏ sót. Lạc nội mạc tử cung không thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu hoặc siêu âm mà yêu cầu phẫu thuật nội soi chẩn đoán.
7. Do các bệnh lý khác gây chậm có con
Các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể dẫn đến vô sinh ở cả nam và nữ. Ví dụ, sự mất cân bằng tuyến giáp hoặc bệnh tiểu đường không được chẩn đoán có thể dẫn đến vô sinh. Mặc dù chưa được hiểu rõ, nhưng trầm cảm được cho là có liên quan đến vô sinh. Một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục chưa được điều trị cũng có thể gây vô sinh.
Có một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, bạn không được tự ý ngừng dùng thuốc mà không nói chuyện với bác sĩ trước. Trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào, hãy thống báo với bác sĩ điều trị biết bạn đang cố gắng mang thai.
8. Vô sinh không rõ nguyên nhân
Từ 10% đến 30% các cặp vợ chồng hiếm muộn không bao giờ tìm ra lý do vì sao chậm có con. Một số chuyên gia cho rằng không có khái niệm gọi là vô sinh không rõ nguyên nhân mà chỉ có những vấn đề chưa được phát hiện hoặc chưa được chẩn đoán. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều trường hợp hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Mặc dù vậy, không có câu trả lời không có nghĩa là bạn không thể điều trị được. Bạn có thể được điều trị vô sinh ngay cả khi chẩn đoán của bạn là không rõ nguyên nhân.
Nhiều cặp vợ chồng tạm dừng việc kiểm tra và điều trị, chờ đợi một phép màu hoặc nghĩ rằng họ chỉ nên "cố gắng thêm một chút nữa" trước. Đây là điều sai lầm, vì một số nguyên nhân khiến tình trạng vô sinh ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, nếu bạn đã cố gắng thụ thai được một năm (hoặc 6 tháng nếu bạn 35 tuổi trở lên), hãy đến các bệnh viện chuyên khoa để thăm khám. Càng thăm khám sớm thì các phương pháp điều trị khả năng sinh sản càng hiệu quả với bạn.
Nguồn tham khảo: verywellfamily.com
- Khi nào bạn cần gặp bác sĩ hiếm muộn?
- Khám hiếm muộn khác gì khám sản phụ khoa thông thường?
- 4 điều quan trọng cần thảo luận trước khi điều trị hiếm muộn